Cơ quan di trú Sri Lanka hôm 12.7 cho biết, đã cấm không cho em ruột Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bay ra nước ngoài.

Sri Lanka cấm em ruột Tổng thống xuất cảnh

Bảo Vĩnh | 12/07/2022, 17:30

Cơ quan di trú Sri Lanka hôm 12.7 cho biết, đã cấm không cho em ruột Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bay ra nước ngoài.

Cơ quan Di trú Sri Lanka và Hiệp hội Công chức Di trú nói rằng các thành viên của họ từ chối phục vụ Basil Rajapaksa ở khu vực VIP thuộc sảnh đi của sân bay Colombo.

K.A.S. Kanugala, Chủ tịch Hiệp hội Công chức Di trú, nói với Reuters: “Do tình hình bất ổn ở Sri Lanka, các công chức di trú đang chịu sức ép lớn về việc không cho phép các nhân vật cấp cao rời khỏi đất nước. Chúng tôi rất lo cho an ninh của chúng tôi. Nên cho đến khi nào vấn đề này được giải quyết, các nhân viên di trú làm việc ở gian VIP có quyền từ chối phục vụ”.

Bức ảnh Basil Rajapaksa ở khu vực VIP do giới truyền thông địa phương đăng tải và chia sẻ mạnh trên mạng xã hội; một số người bày tỏ sự phẫn nộ trước việc ông ta toan tính rời khỏi đất nước. Reuters cũng không có lời bình luận của Basil Rajapaksa và một trợ lý thân cận của vị cựu Bộ trưởng Sri Lanka từ chối giải thích chi tiết.

Một quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền đề nghị giấu tên, nói Basil Rajapaksa vẫn còn trong nước.

Chưa thể rõ Rajapaksa dự định bay đến nước nào. Ông ta cũng có quốc tịch Mỹ, đã từ chức Bộ trưởng Tài chính hồi đầu tháng 4, lúc nổ ra các cuộc biểu tình phản đối sự thiếu lương thực, xăng dầu cùng các hàng hóa cơ bản khác, và đến tháng 6 thì ông ta từ chức nghị sĩ.

Theo Reuters, Gotabaya Rajapaksa sẽ tuyên bố từ chức tổng thống trong ngày 13.7 để mở đường cho một chính phủ thống nhất, sau khi hàng ngàn người biểu tình tràn vào dinh tổng thống và phủ thủ tướng hôm 9.7 để đòi ông từ chức. Vị tổng thống không xuất hiện trước công chúng từ ngày 8.7 và hiện không rõ ông ta ở đâu.

Dòng họ Rajapaksa, gồm cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, đã thống trị chính trường Sri Lanka suốt nhiều năm, và đa số người dân trút hết sự tức giận vì nghèo khó của họ vào dòng họ này.

Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập khỏi Anh năm 1948. 22 triệu dân đang chật vật sinh sống vì thiếu hụt nguồn ngoại tệ nên bị hạn chế nhập khẩu lương thực, thuốc men và xăng dầu. Lạm phát tăng 54% hồi tháng trước và ngân hàng trung ương Sri Lanka đã cảnh báo mức lạm phát sẽ có thể là 70% trong những tháng tới.

Người biểu tình đã thề sẽ tiếp tục chiếm các dinh tổng thống và phủ thủ tướng cho đến khi hai nhân vật này thôi chức. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe sau khi nhậm chức hồi tháng 5 vẫn chưa dọn vào phủ thủ tướng, và khi ông đang ở nơi khác thì người biểu tình đốt cháy nhà riêng của ông ở Colombo vào hôm 9.7.

Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 20.7, mở đường cho một chính phủ thống nhất gồm tất cả các đảng phái.

Bài liên quan
Tổng thống Sri Lanka chạy khỏi dinh thự khi người biểu tình xông vào
Ngày 9.7, hàng nghìn người biểu tình ở thủ đô Colombo của Sri Lanka vượt qua rào chắn cảnh sát và xông vào dinh Tổng thống.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sri Lanka cấm em ruột Tổng thống xuất cảnh