Theo Newsweek, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ‘để tay lên bao súng’ bằng những dòng twitter răn đe Triều Tiên, thì Nga cố gắng làm trung gian hòa giải giữa hai nước này.
Ngày 9.10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các nhà báo: “Moscow đã kêu gọi và tiếp tục kêu gọi các bên liên quan tranh chấp. Những bên không liên quan vấn đề này hãy kiềm chế và tránh những bước có thể làm tình hình thêm nghiêm trọng”.
Hiện Nga-Mỹ có quan hệ căng thẳng, nhưng Điện Kremlin cảm thấy phải lên tiếng về vấn đề Triều Tiên, lý do Nga chung biên giới với Triều Tiên nên quan tâm việc tránh một cuộc chiến với Mỹ.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi tất cả các bên liên quan nên chọn giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên.
Ông Putin nói: “Tất cả các bên nên giảm khẩu chiến, tìm cách đối thoại trực tiếp giữa Mỹ-Triều cũng như giữa Triều Tiên với các nước khác trong khu vực. Chỉ có cách này mới giúp tìm ra những quyết định hợp lý và cân bằng”.
Tuy nhiên, ông Trump xem ra hoàn toàn phản đối quan hệ đối thoại. Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đều kiên trì cổ động ý tưởng ngoại giao, nhưng Tổng thống Trump lại có những dòng Twitter và tuyên bố công khai ngược hẳn.
Những ngày gần đây, ông Trump cho rằng chuyện đối thoại với Triều Tiên là phù phiếm, và ông nói bóng gió cách xử lý tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là Mỹ phải dùng đến biện pháp quân sự.
Tối 5.10, trước bữa ăn tối với các quan chức quân đội cấp cao ở Nhà Trắng, ông Trump nói bóng gió về ‘khoảng lặng trước bão”.
Ngày 7.10, vị chủ nhân Nhà Trắng viết trên Twitter: "Suốt 25 năm qua, các tổng thống và chính phủ tiền nhiệm vẫn luôn bàn luận vấn đề Triều Tiên, đạt đến nhiều thỏa thuận và Mỹ đã chi những khoản tiền lớn... Dù vậy, những nỗ lực này không có kết quả, khi Triều Tiên vi phạm các thỏa thuận ngay khi chúng chưa ráo mực".
Ông Trump còn viết: “Hành xử của họ làm các nhà đàm phán Mỹ bị biếnthành trò cười. Xin lỗi, nhưng chỉ có cách duy nhất sẽ có tác dụng” nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng ông từ chối giải thích câu này có ý nghĩa gì.
Những phát biểu của ông Trump luôn buộc cấp dưới phải giải thích, làm rõ. Nữ thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders phải khẳng định với giới báo chí: chính phủ đang cân nhắc mọi phương án để giải quyết vấn đề Triều Tiên, nhằm giải thích cho câu “chỉ cócách duy nhất”.
Ngày 8.10, Giám đốc Văn phòng Quản lý và ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney lại nói rõ ràng Tổng thống Trump muốn đề cập giải pháp quân sự khi ông nhấn mạnh "chỉ có cách duy nhất".
Trả lời phỏng vấn trên đài NBC, ông Mulvaney nhận định: "Tổng thống đã đưa ra một thông điệp rõ ràng và đây không phải điều mới với bất kỳ ai, đó là việc cân nhắc lựa chọn quân sự đối với Triều Tiên”.
Những tuyên bố mới nhất của ông Trump được đưa ra, khi Bình Nhưỡng chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên (ngày 10.10). Các quan chức Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều cảnh báo nguy cơ Triều Tiên khiêu khích vào ngày 10.10hoặc gầnngày này.
Trong quá khứ, Triều Tiên luôn thử tên lửa và thử hạt nhân để kỷ niệm những ngày lễ lớn. Ví dụ Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên ngày 9.10.2006.
Mỹ-Triều xem nhau là địch thù từ hàng chục năm nay, nhưng căng thẳng gia tăng đáng kể trong những tháng qua, khi Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa và thử hạt nhân lần thứ 6. Các hoạt động ấy dẫn đến khẩu chiến giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tổng thống Trump cũng làm căng khi đe dọa “hoàn toàn hủy diệt Triều Tiên”, trong bài diễn văn đầu tiên ông phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hồi tháng 9. Một số chuyên gia lo ngại quan điểm hung hăng của ông làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự bạo lực.
Bảo Vĩnh (theo Newsweek)