Tàu thăm dò vũ trụ Thường Nga 5 đã khởi hành về Trái đất, để lại dấu hiệu về chuyến đi trên bề mặt Mặt trăng bằng quốc kỳ Trung Quốc.

Trung Quốc cắm cờ trên Mặt trăng, NASA chúc mừng

Nhân Hoàng | 05/12/2020, 07:00

Tàu thăm dò vũ trụ Thường Nga 5 đã khởi hành về Trái đất, để lại dấu hiệu về chuyến đi trên bề mặt Mặt trăng bằng quốc kỳ Trung Quốc.

Bà Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tweet hình ảnh lá cờ nước này được cắm trên Mặt trăng kèm lời chúc tàu Thường Nga 5 trở về an toàn.

trung-quoc-cam-co-tren-mat-trang.jpg
Tweet của bà Hoa Xuân Oánh

Lá cờ này làm bằng vải, cao 90cm, rộng 20m và nặng khoảng 1kg. Trung Quốc đã gia cố thêm nhiều đặc tính nhằm giúp lá cờ chống chịu trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, cực lạnh trên Mặt trăng.

trung-quoc-cam-co-tren-mat-trang-hinh-anh.jpg
Quốc kỳ Trung Quốc trên Mặt trăng

Tàu Thường Nga 5 không người lái vừa hoàn thành nhiệm vụ mới nhất trong Chương trình khám phá Mặt trăng của Trung Quốc. Sứ mệnh này đại diện cho lần đầu tiên một tàu vũ trụ cố gắng thu thập các mẫu Mặt trăng kể từ khi Liên Xô thực hiện vào những năm 1970.

Theo Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, Thường Nga 5 bay lên khỏi Mặt Trăng ngay sau 23 giờ đêm 3.12 và sẽ đến điểm hẹn với một tàu khác trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng. Sau đó, tàu Thường Nga 5 chuyển các mẫu đá vào thùng chứa con nhộng. Đá Mặt trăng và các mảnh vụn được niêm phong bên trong hộp đặc biệt để tránh nhiễm bẩn.

Trung Quốc đã trở thành nước thứ 2 trên thế giới cắm được quốc kỳ trên Mặt trăng, hơn 50 năm sau khi Mỹ lần đầu tiên thực hiện kỳ tích này.

Phó quản trị viên NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) - Thomas Zurbuchen đã chúc mừng Trung Quốc khi tàu Thường Nga 5 hạ cánh thành công trên Mặt trăng hôm 3.11.

"Xin chúc mừng Trung Quốc về sự hạ cánh thành công của Thường Nga 5", Thomas Zurbuchen tweet.

Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Khi các mẫu vật thu thập được trên Mặt trăng được trả về Trái đất, chúng tôi hy vọng mọi người sẽ được hưởng lợi từ việc nghiên cứu loại hàng hóa quý giá này, có thể thúc đẩy cộng đồng khoa học quốc tế", Thomas Zurbuchen viết thêm.

trung-quoc-cam-co-tren-mat-trang-hinh-anh-hinh-anh.jpg
Thomas Zurbuchen chúc mừng tàu Thường Nga 5 hạ cánh thành công trên Mặt trăng

Vào tháng 11, NASA đã tweet rằng “hy vọng Trung Quốc sẽ chia sẻ dữ liệu với cộng đồng khoa học toàn cầu để nâng cao hiểu biết về Mặt trăng giống như các sứ mệnh Apollo của chúng ta đã làm & chương trình Artemis sẽ làm"

Tàu Thường Nga 5 dự kiến ​​sẽ hạ cánh giữa tháng 12.2020 trên đồng cỏ ở Nội Mông, nơi tàu vũ trụ Thần Châu có người lái quay trở lại kể từ khi Trung Quốc lần đầu tiên đưa người vào không gian vào năm 2003. Trung Quốc là nước thứ ba đưa con người vào không gian sau Nga và Mỹ.

Sứ mệnh của tàu Thường Nga 5 đã làm dấy lên tin đồn về việc Trung Quốc cử phi hành đoàn lên Mặt trăng và có thể xây dựng một cơ sở khoa học trên đó, mặc dù không có mốc thời gian nào được đề xuất cho các dự án như vậy.

Trung Quốc đã khai trương phòng thí nghiệm quỹ đạo tạm thời đầu tiên năm 2011 và phòng thí nghiệm thứ hai vào 2016. Các kế hoạch kêu gọi xây dựng trạm vũ trụ vĩnh viễn sau năm 2022, có thể được phục vụ bởi tàu vũ trụ có thể tái sử dụng.

Trong khi Trung Quốc đang tăng cường hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu và các cơ quan khác, tương tác với NASA bị hạn chế nghiêm trọng do lo ngại về tính chất bí mật của chương trình không gian Trung Quốc và mối liên hệ chặt chẽ với quân đội nước này.

Mỹ cắm lá quốc kỳ đầu tiên trên Mặt trăng trong sứ mệnh thăm dò có con người tham gia là Apollo 11 năm 1969. Thêm 5 lá quốc kỳ Mỹ được cắm trên bề mặt Mặt trăng trong các sứ mệnh tiếp theo tới tận năm 1972.

Theo phi hành gia Buzz Aldrin, lá cờ đầu tiên được cắm trên Mặt trăng ở vị trí quá gần tàu vũ trụ Apollo 11 nên có khả năng bị thổi bay mất khi tàu cất cánh trở về Trái đất.

Lúc 4 giờ 30 phút sáng 24.11, tại Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã phóng thành công tàu thám hiểm Thường Nga 5 nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ “khó khăn và phức tạp” nhất của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc là thu thập các mẫu vật trên Mặt Trăng và quay trở lại Trái đất.

Trong vòng 48 tiếng sau khi đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, tàu Thường Nga 5 sẽ thu thập khoảng 2kg mẫu vật, tiến hành hàng loạt các hoạt động thăm dò bề mặt nơi đây, sau đó trở về Trái đất. Lần phóng này được thực hiện sau 4 lần trì hoãn kể từ năm 2017 đến nay.

Tàu Thường Nga 5 được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5. Đây cũng là lần phóng mang tính ứng dụng thứ 2 của loạt tên lửa đẩy Trường Chinh 5. Trong lần thứ nhất, tên lửa này đã phóng thành công lên không gian và mang theo thiết bị thăm dò sao Hỏa "Thiên Vấn 1”.

Bài liên quan
Tàu vũ trụ NASA liên lạc với Trái đất từ khoảng cách 19 tỉ km sau 7 tháng
NASA mới đây đã nối lại liên lạc thông qua truyền các chỉ thị và quy trình mới cho con tàu Voyager 2 sau 7 tháng gián đoạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc cắm cờ trên Mặt trăng, NASA chúc mừng