Chính quyền Trung Quốc mới đây đã cảnh báo một đợt lũ mạnh hơn kèm theo mưa lớn có thể xảy ra ở hạ nguồn đập Tam Hiệp trong những ngày tới, gây sức ép tại các thành phố ở khu vực hạ lưu.
Các thành phố miền trung Trung Quốc dọc Trường Giang (hay còn gọi là sông Dương Tử) - con sông dài nhất của Trung Quốc - đã bị ngập lụt suốt tuần qua do mưa lớn kéo dài kéo theo đợt lũ nghiêm trọng nhất kể từ năm 1998. Tình trạng ngập lụt đã diễn ra ở 433 con sông trên khắp Trung Quốc, khiến ít nhất 44 triệu người ở phải sơ tán, phá hủy hàng chục nghìn ngôi nhà, ít nhất 141 người thiệt mạng hoặc mất tích. Thiệt hại về kinh tế do lũ lụt gây ra ước tính 86,2 tỉ nhân dân tệ (khoảng 12 tỉ USD).
Mưa lớn đã đổ xuống khu vực này kể từ tháng 6, với lượng mưa trung bình cao hơn 12% so với năm ngoái. Chính phủ Trung Quốc công bố hôm 15.7 rằng sẽ chi khoảng 1,7 tỉ nhân dân tệ cho các biện pháp ứng phó lũ lụt.
Tại đập Tam Hiệp, con đập lớn nhất Trung Quốc, lũ ở thượng nguồn được dự báo sẽ khiến lưu lượng nước chảy vào hồ chứa của đập lên tới 55.000m3/giây. Con số này cao hơn mức cảnh báo vốn là 50.000m3/giây, theo Ủy ban Thủy lợi Trường Giang. Hiện mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp vượt mức cảnh báo đỏ 10m.
Theo Nikkei, trước trận lụt số 1, giới chức Trung Quốc đã xả nước hồ chứa đập Tam Hiệp từ 29.6. Giới chức cũng lưu ý rằng lũ lụt ở các thành phố hạ lưu không phải do xả lũ mà do các hệ thống thoát nước kém.
Dù đập Tam Hiệp đạt kỷ lục lũ lụt mới trong năm nay, giới chức vẫn chưa cho biết liệu có xả lũ thêm trong những ngày tới không. Tuy nhiên, cư dân thành phố Vũ Hán và các tỉnh An Huy, Giang Tây và Chiết Giang, một khu vực ở hạ lưu đập Tam Hiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt lũ lụt năm nay, đã nhận được cảnh báo đỏ từ 17.7. Cảnh báo đỏ là mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp của Trung Quốc.
Hoàng Vũ (theo Nikkei)