Theo trang Daring Fireball, có thể Trung Quốc đã buộc Apple phải chấp thuận hỗ trợ RCS trên iPhone.
Thế giới số

Trung Quốc có thể đã buộc Apple hỗ trợ RCS cho iPhone chứ không phải EU

Sơn Vân19/02/2024 22:35

Theo trang Daring Fireball, có thể Trung Quốc đã buộc Apple phải chấp thuận hỗ trợ RCS trên iPhone.

Samsung và Google từ lâu đã kêu gọi Apple hỗ trợ tiêu chuẩn RCS (Rich Communication Services) cho tin nhắn văn bản trên iPhone, nhưng công ty cố gắng kéo dài điều đó trong thời gian dài nhất. Hồi tháng 11.2023, Apple đã bất ngờ công bố rằng sẽ bổ sung hỗ trợ RCS cho iPhone vào năm 2024.

Nhiều người cho rằng đây có thể là kết quả của các thách thức pháp lý khác nhau mà Apple đang phải đối mặt ở Liên minh châu Âu (EU). Song theo trang Daring Fireball, có thể Trung Quốc đã buộc Apple phải chấp thuận hỗ trợ RCS trên iPhone.

Daring Fireball là một ấn phẩm đáng tin cậy về tin tức của Apple. Daring Fireball cho rằng quyết định hỗ trợ RCS của Apple có thể không phải do Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) ở EU thúc đẩy. Ngược lại, Ủy ban châu Âu (EC) không ép buộc Apple cho phép các ứng dụng của bên thứ ba truy cập vào dịch vụ iMessage.

DMA cũng không đề cập trực tiếp đến RCS mà chỉ dự tính khả năng tương tác cho các nền tảng nhắn tin. Vì RCS không phải là giao thức tương tác và không có mã hóa nên nó không khác mấy so với SMS. Vì iMessage không được coi là nền tảng “gác cổng” theo DMA nên Apple có thể không phải đối mặt với bất kỳ sự ép buộc nào ở EU trong việc hỗ trợ RCS.

Vậy điều gì cuối cùng đã khiến Apple thôi phản đối RCS trong nhiều năm? Daring Fireball gợi ý rằng nó có thể liên quan đến áp lực chính trị từ Trung Quốc, một trong những thị trường sinh lợi nhất của Apple. Các nhà mạng Trung Quốc đã hỗ trợ RCS từ lâu. Trung Quốc cũng yêu cầu các thiết bị 5G mới phải có hỗ trợ RCS trước khi được chứng nhận để bán tại nước này.

Dù thế nào đi nữa, kết quả cuối cùng là iPhone sẽ hỗ trợ tiêu chuẩn mà hầu hết hãng điện thoại khác đã làm và người ta có thể hy vọng rằng Apple đóng góp tích cực vào sự phát triển của RCS.

RCS là một giao thức nhắn tin được thiết kế để thay thế SMS. Nó sẽ mang lại khả năng tương tác tốt hơn cho việc nhắn tin đa nền tảng giữa người dùng iPhone và Android. RCS hỗ trợ mã hóa, gợi ý gõ, chia sẻ hình ảnh và video độ phân giải cao.

capture.jpg
Quyết định hỗ trợ RCS của Apple có thể không phải do DMA ở EU thúc đẩy - Ảnh: Internet

iMessage cùng Bing và Edge của Microsoft không đủ điều kiện là "gác cổng" nên được miễn tuân theo các quy định công nghệ mới ở EU.

Cơ quan quản lý chống độc quyền ở EU cho biết thông tin này hôm 13.2 sau khi chấp nhận lý lẽ từ Apple và Microsoft rằng các dịch vụ này không phải là cổng để tiếp cận người dùng cuối.

DMA sẽ có hiệu lực sau hai tuần nữa, cụ thể là ngày 6.3.2024. Theo DMA, những ứng dụng và dịch vụ được xác định là "gác cổng" phải có trên 45 triệu người dùng mỗi tháng và trên 10.000 tài khoản là doanh nghiệp được thành lập tại EU mỗi năm.

Yêu cầu của DMA gồm bắt buộc Microsoft, Apple, Google, Amazon, Meta Platforms và ByteDance phải cho phép các ứng dụng hoặc cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba trên nền tảng của họ, giúp người dùng dễ dàng chuyển từ các ứng dụng mặc định sang đối thủ. Các công ty cũng bị cấm ưu ái cho dịch vụ của họ.

Sau cuộc điều tra kéo dài 5 tháng, Ủy ban châu Âu (EC) phát hiện ra rằng iMessage, Bing, Edge và Microsoft Ads “không đủ tiêu chuẩn là nền tảng gác cổng”.

EC cho biết kho ứng dụng App Store, hệ điều hành iOS và trình duyệt Safari của Apple cùng mạng xã hội Linkedin và hệ điều hành Windows của Microsoft sẽ tiếp tục được coi là gatekeeper.

EC đã "đánh giá kỹ lưỡng tất cả lập luận, có tính đến ý kiến đóng góp của các bên liên quan", nhưng không cung cấp chi tiết về lập luận của những công ty.

Apple hoan nghênh quyết định của ủy ban này.

Người phát ngôn Apple nói: “Người tiêu dùng ngày nay có quyền truy cập vào nhiều ứng dụng nhắn tin khác nhau và thường sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc, điều này phản ánh mức độ dễ dàng chuyển đổi giữa chúng”.

Microsoft thông báo Bing, Edge và Microsoft Ads hoạt động như những kẻ thách thức trên thị trường.

Người phát ngôn Microsoft cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với EC và ngành nói chung để đảm bảo các nền tảng được chỉ định khác của Microsoft tuân thủ đầy đủ DMA”.

Apple hỗ trợ RCS giúp nhắn tin giữa iPhone và thiết bị Android mượt mà hơn

Tháng 11.2023, Apple đã thông báo rằng công ty sẽ áp dụng tiêu chuẩn nhắn tin RCS. Dự kiến tính năng này sẽ xuất hiện thông qua một bản cập nhật phần mềm vào cuối năm 2024.

Apple từng phản đối tiêu chuẩn RCS trong nhiều năm, ngay cả khi Google và những hãng khác gây sức ép để nhà sản xuất iPhone áp dụng công nghệ này.

Apple cho biết công nghệ mới sẽ hoạt động song song với iMessage và cung cấp khả năng tương tác tốt hơn so với SMS hoặc MMS.

Với RCS, được coi là tiêu chuẩn ngành công nghiệp cho tin nhắn, người dùng có thể gửi và nhận ảnh và video chất lượng cao, trò chuyện qua Wi-Fi hoặc dữ liệu di động và biết khi nào tin nhắn đã được đọc, cùng với các tính năng khác.

iMessage có sẵn cho iPhone, Mac và iPad. Những ai nhắn tin thường xuyên với người dùng smartphone Android nói rằng bong bóng màu xanh lá cây, khi tin nhắn SMS xuất hiện trên iPhone, là trải nghiệm kém sang hơn.

Nếu áp dụng tiêu chuẩn RCS, Apple sẽ giải quyết các vấn đề mà người dùng smartphone Android và iPhone đã phàn nàn từ lâu khi nhắn tin cho nhau (chẳng hạn như video và ảnh bị mờ hoặc nén), đồng thời loại bỏ việc mô tả biểu tượng cảm xúc của người dùng iPhone với một tin nhắn từ smartphone Android. Chẳng hạn như iPhone sẽ không gửi lại tin nhắn Châu thích 'Hẹn gặp lại' cho người dùng smartphone Android mà chỉ hiển thị biểu tượng trái tim trên tin nhắn gốc Hẹn gặp lại.

Về cơ bản, RCS sẽ biến tin nhắn văn bản thành trải nghiệm trò chuyện đầy đủ hơn, tương tự như những gì mà Apple đang làm với iMessage. Điều khác biệt là RCS sẽ hoạt động trên nhiều smartphone, nhà cung cấp và hệ điều hành. RCS được tích hợp ngay trên ứng dụng tin nhắn của smartphone Android.

RCS cũng dần có được khả năng mã hóa tương đương với iMessage, đã hỗ trợ mã hóa đầu cuối (E2EE) trong các cuộc trò chuyện 1 – 1 và được triển khai trong các cuộc trò chuyện nhóm cuối năm 2023.

Hồi tháng 8.2022, Google đã khởi động chiến dịch công khai nhằm gây áp lực buộc Apple phải áp dụng RCS.

Gã khổng lồ tìm kiếm đã tạo ra một trang web có tên Get The Message, đưa ra hàng loạt lập luận quen thuộc về lý do tại sao Apple nên hỗ trợ tiêu chuẩn này. Nói chung, nó liên quan đến việc đảm bảo quá trình nhắn tin mượt mà hơn giữa iPhone và thiết bị Android. Ngoài ra, Google cũng tạo hashtag #GetTheMessage để thu hút sự chú ý và lan tỏa nó.

Với hầu hết mọi người, vấn đề quen thuộc nhất mà Google mô tả chính là dạng bong bóng màu xanh lục, biểu thị thông báo tin nhắn từ người dùng Android trong ứng dụng Messages của Apple. Dẫu ứng dụng này sử dụng dịch vụ iMessage của riêng Apple để gửi tin nhắn văn bản giữa các iPhone (có nhiều tính năng hiện đại như mã hóa, hỗ trợ trò chuyện nhóm, truyền hình ảnh và video chất lượng cao), song chúng sẽ chuyển về SMS và MMS kiểu cũ khi nhắn với người dùng thiết bị Android. Những tin nhắn này không chỉ hiển thị trong bóng màu xanh lục khác biệt, mà còn mất đi nhiều tính năng nhắn tin hiện đại mà mọi người sử dụng.

Để khắc phục vấn đề đó, Google đã đưa ra hàng loạt gợi ý trong nhiều năm qua với mục đích kêu gọi Apple hỗ trợ RCS, cung cấp hầu hết tính năng của iMessage dưới một giao thức có thể sử dụng trên cả iOS lẫn Android.

Tại hội nghị nhà phát triển I/O thường niên của mình năm ngoái, Google cho biết họ hy vọng “mọi hệ điều hành di động đều nâng cấp lên RCS”.

Bài liên quan
Apple đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc khi người dùng khao khát AI và smartphone màn hình gập
Các nhà phân tích cho biết triển vọng của Apple, công ty dẫn đầu thị trường smartphone Trung Quốc trong quý 4/2023, vẫn còn mù mịt do chậm tích hợp nhiều tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) vào iPhone và sự phổ biến của điện thoại màn hình gập ở nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc có thể đã buộc Apple hỗ trợ RCS cho iPhone chứ không phải EU