Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày 16.10, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhắc lại tuyên bố:
“Hồng Kông là đặc khu hành chính của Trung Quốc, công việc ở khu vực này là công việc nội bộ của Trung Quốc, không có một quốc gia hoặc cá nhân nào có quyền can thiệp vào sự vụ tại đây".
Ông đe dọa: Trung Quốc sẽ mạnh tay xử lý các hành động can thiệp và gây rối trật tự xã hội tại Hồng Kông, dựa trên nền tảng luật pháp quốc gia.
Về việc người đứng đầu Đài Loan - Mã Anh Cửu bày tỏ sự ủng hộ biểu tình ở Hong Kong và kêu gọi Trung Quốc ủng hộ cải cách theo hướng dân chủ, phát ngôn viên cơ quan đặc trách Đài Loan của chính quyền Trung Quốc Fan Liqing cho biết, Bắc Kinh “kiên quyết phản đối” ý kiến này.
Bà nói: “Bắc Kinh không có ý kiến về con đướng phát triển riêng của Đài Bắc và những bất ổn trong khu vực”, hàm ý về những vụ biểu tình ở Đài Loan phản đối hiệp ước thương mại với Trung Quốc, "nhưng chúng tôi hy vọng Đài Loan tôn trọng sự lựa chọn và nguyện vọng của 1,3 tỉ người ở đại lục”.
Kể từ sau năm 1949, Đài Loan đã thành lập một chính quyền với tư tưởng chính trị và hướng phát triển riêng.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời của họ và chưa bao giờ thôi ý định muốn "thống nhất" Đài Loan.
Và Trung Quốc gần đây, đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch mới nhất của Đài Loan: triển khai tàu vũ trang đồn trú thường trực tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Reuters, ngày 16.10).
Các chuyên gia bình luận rằng, quan điểm của Trung Quốc là thà để Đài Loan kiểm soát Ba Bình, còn hơn để hòn đảo này rơi vào tay nước khác.
Reuters nhận định, Ba Bình là hòn đảo duy nhất thuộc Trường Sa có kích thước đủ lớn để xây một cảng biển. Đài Loan từng ngang nhiên tuyên bố cảng đang xây tại Ba Bình sẽ ra mắt vào cuối năm 2015, tàu chiến trọng tải 3.000 tấn có thể neo đậu.
Focus Taiwan New Channel dẫn lời các nguồn tin chính quyền Đài Loan cho hay, tàu quân sự Đài Loan hộ tống tàu chở vật liệu xây dựng ra đảo Ba Bình, đồng thời nâng cấp đường băng dài 1.300m.
Các chuyên gia bình luận rằng, quan điểm của Trung Quốc là thà để Đài Loan kiểm soát Ba Bình, còn hơn để hòn đảo này rơi vào tay nước khác.
Ở một diễn biến khác liên quan, tờ Đại Công Báo (Hồng Kông) ngày 16.10 dẫn lời người đứng đầu cơ quan an ninh Đài Loan Lee Hsiang-chou cho biết, vào tháng 9 trước, Đô đốc Ngô Thắng Lợi - Tư lệnh hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thực hiện một chuyến đi "chưa từng xảy ra" kéo dài 1 tuần, kiểm tra 5 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tờ United Daily News (Đài Loan) dẫn lời ông Lee nói, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân thông qua hoạt động tạo đảo nhân tạo ở Trường Sa, bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng.
Tiết lộ của ông Lee cũng được tờ Thời báo Hoàn cầu, trực thuộc nhà nước Trung Quốc, dẫn lại, nhưng chưa có xác nhận chính thức từ chính phủ Trung Quốc.
Ông Lee còn nói Đô đốc Ngô đã giám sát các cuộc tập trận của binh sĩ Trung Quốc tại đảo Đá Chữ Thập, cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện trên đảo này có khoảng 100 binh sĩ PLA, theo New York Times.
Một quan chức an ninh cấp cao giấu tên của Philippines từng tiết lộ, sở dĩ Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng trái phép ở Trường Sa là nhằm triển khai chiến đấu cơ và các hạm đội tàu chiến, tiến tới thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.
A.T tổng hợp từ TTO, TNO