Trung Quốc sẽ điều cặp đôi tàu sân bay tự đóng của nước này đến căn cứ ở đảo Hải Nam sau khi chúng được hoàn thành, nhằm mục đích chế ngự biển Đông, Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cho biết.
Ông Lưu Hoa Thanh, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đồng thời là cha đẻ của lực lượng hải quân Trung Quốc hiện đại, đã nói vào những năm 1980 là đến năm 2020 Trung Quốc cần phải có được 4 tàu sân bay để kiểm soát được các vùng biển quanh các quần đảo Bonin, Guam và Indonesia, để chế ngự hoàn toàn cái gọi là Chuỗi đảo thứ 2 trên Thái Bình Dương.
Quân đội Trung Quốc đã đưa vào biên chế của hải quân nước này tàu sân bay đầu tiên tên là Liêu Ninh vào năm 2012. Đây là một tàu sân bay được sửa chữa từ xác tàu sân bay cũ của Ukraine tên là Varyag, nó cũng sẽ là nguyên mẫu cho những tàu sân bay đầu tiên được đóng tại Trung Quốc.
Một nguồn tin trong quân đội Trung Quốc Hoàn cầu Thời báo biết rằng, cặp đôi tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc sẽ được triển khai đến căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam, để Bắc Kinh dễ bề chế ngự biển Đông.
Mỗi chiếc tàu sân bay tự đóng của Trung Quốc có khả năng mang theo đến 30 chiếc máy bay chiến đấu J-15. Một chiếc tàu sân bay đang được đóng tại nhà máy đóng tàu ở Đại Liên, chiếc còn lại thì được đóng tại Thượng Hải.
Theo nhiều nguồn tin quốc phòng, tàu sân bay đang được đóng tại Đại Liên có thể sẽ được trang bị máy phóng điện từ như là tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. Các nguồn tin quốc phòng Trung Quốc cũng cho biết, có thể cuối năm nay hình ảnh về cặp đôi tàu sân bay tự đóng của nước này sẽ được tiết lộ trước công chúng.
Căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam sẽ là căn cứ hải quân quan trọng nhất của quân đội Trung Quốc khi có khả năng cùng lúc cho hai tàu sân bay, hai tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân cập cảng và neo đậu cùng lúc.
Căn cứ hải quân này cũng sẽ là nơi tập trung sức mạnh quân sự của Trung Quốc nhằm chế ngự biển Đông, hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh tại biển Đông.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã tích cực gia tăng sự hiện diện của họ ở biển Đông nhằm thực hiện đòi hỏi chủ quyền phi lý của họ, bằng hàng loạt hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực như xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng trái phép.
Thiên Hà (theo Want China times)