Báo The Wall Street Journal (Mỹ) ngày 13.7 đưa tin Trung Quốc nhăm nhe đòi chủ quyền các đảo, đá và bãi san hô thay vì chủ quyền vùng biển quanh các thực thể này. Đây là một chủ trương mới mà một số nhà phân tích nói là cách Bắc Kinh muốn củng cố vị thế trong các cuộc đàm phán với Philippines và các nước khác cũng đòi chủ quyền.
Một ngày sau khi Tòa Trọng tài thường trực The Hague ra phán quyết bác yêu sách độc chiếm 90% Biển Đông của Trung Quốc, chính phủ nước này ra một tài liệu chính sách mô tả các đảo, đá là “lãnh thổ cố hữu”, tố cáo Philippines chiếm đóng phi pháp một số đảo, đá này.
Tài liệu công bố ngày 13.7 có tên “Trung Quốc giữ vững quan điểm giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines về Nam Hải thông qua đàm phán” (Nam Hải là cách Trung Quốc gọi Biển Đông).
Tài liệu nêu chủ quyền toàn vẹn các thực thể đất trên quần đảo Trường Sa không thể do Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) quyết địnhvì Công ước này chỉ có hiệu lực ở vùng biển lân cận các thực thể này.
Tài liệu nói rằngsự phân định các quyền hàng hải phải được “giải quyết bình đẳng thông qua đàm phán với các nước liên quan trực tiếp, phù hợp luật quốc tế” gồm UNCLOS. Nhưng dù nhấn mạnh đàm phán, tài liệu vẫn lập lại các quan điểm lâu nay của Trung Quốc, không cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, khi giới thiệu tài liệu trên,Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hòa giọng với các quan chức Trung Quốc chỉ trích Tòa Trọng tài Thường trực, nói tòa này thiên vị và hoàn toàn chẳng hiểu gì về châu Á.
Ông khẳng định 5 thẩm phán của tòa, gồm 4 người châu Âu và một người Ghana, không thích hợp để ra một phán quyết không thiên vị: “Họ hiểu gì về châu Á, văn hóa châu Á? Họ có hiểu vụ tranh chấp Nam Hải? Họ có hiểu tính chất địa - chính trị phức tạp của châu Á?”.
Ông nói Bắc Kinh vẫn cam kết đàm phán với tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và sẵn sàng đàm phán với chính phủ các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Các nhà phân tích đã phát hiện các dấu hiệu trong tài liệu chính sách mới là Trung Quốc đang cố làm rõ yêu sách để củng cố vị thế trong các cuộc đàm phán với Philippines và chính phủ các nước khác.
Bà Tạ Mỹ Yến, một nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc ở tổ chức nghiên cứu Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) nói: “Tin tốt là Trung Quốc tiến tới làm rõ và giảm sự mập mờ. Tin xấu là sự làm rõ này cũng có thể củng cố vị thế của Trung Quốc”.
Bà Yến cònlưu ý rằng tài liệu chính sách không lập lại quan điểm mập mờ lâu nay của Bắc Kinh: Trung Quốc có "chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không thể tranh cãi" trên toàn bộ các đảo và “vùng biển lân cận” trên Biển Đông.
Tòa Trọng tài Thường trực không bình luận về tài liệu chính sách mới của Trung Quốc.
Ngày 12.7, Tòa này đã ra phán quyết tuyên bố bác “đường 9 đoạn” do Trung Quốc tựvẽ để đòi chiếm gần hết Biển Đông. Tòa cũng nêu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Philippines bằng cách xây đảo nhân tạo và chặn các tàu nước này.
Trung Quốc không tham gia phiên xử và nói rằng Tòa Trọng tài không có thẩm quyền xét xử và liên tục tuyên bố không tuân thủ phán quyết. Trước khi có phán quyết, các quan chức Trung Quốc còn nói rằng họ là nạn nhân của một âm mưu do Mỹ cùng đồng minh Philippines dàn dựng.
Kim Hương (theo The Wall Street Journal)