Sự thành công "đáng lo ngại" của Donald Trump, ứng viên đang dẫn đầu đợt tranh cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, đã khiến báo giới Mỹ tự vấn về vai trò của ngành truyền thông nước này trong cuộc bứt phá trên con đường chạy đua vào Nhà Trắng của ông trùm bất động sản.

Truyền thông Mỹ tự vấn vì góp phần tạo ra ‘hiện tượng Donald Trump’

03/04/2016, 16:29

Sự thành công "đáng lo ngại" của Donald Trump, ứng viên đang dẫn đầu đợt tranh cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, đã khiến báo giới Mỹ tự vấn về vai trò của ngành truyền thông nước này trong cuộc bứt phá trên con đường chạy đua vào Nhà Trắng của ông trùm bất động sản.

Nói về vai trò của truyền thông đối với sự xuất hiện của “hiện tượng Donald Trump”, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong buổi trao giải thưởng Toner dành cho báo chí vào cuối tháng 3 vừa qua: “Làm tốt công việc báo chí không có nghĩa là chỉ đưa micro ra cho người khác nói”. Ông nhắc nhở các nhà báo nên “điều tra, nghi vấn, tìm hiểu và đòi hỏi nhiều hơn nữa” vì “những gì chúng ta thấy được ngày hôm nay trên truyền thông đánh dấu sự suy thoái của nền dân chủ và xã hội Mỹ”.

Trong khi cuộc đua tranh cử vòng sơ bộ tại hai phe Dân chủ và Cộng hòa để tìm ra ứng cử viên tổng thống cho kỳ tổng tuyển cử sắp tới đang có dấu hiệu giảm tốc, báo giới Mỹ đã tự chất vấn về vai trò của ngành truyền thông nước này trước sự thành công đáng lo ngại của Donal Trump, người đã trở thành ứng cử viên số 1 của phe cánh hữu tại Mỹ, theo báo Le Monde.

Donald Trump đang là đề tài ăn khách của báo chí

Nicholas Kristof, biên tập viên tờ New York Times, ngày 26.3 đăng bài “Phần sai của tôi: Truyền thông giúp tạo ra Trump” phân tích rằng sự thành công mà Donal Trump có được một phần do giới truyền thông đã xem chiến dịch tranh cử của ông như “đề tài ăn khách” để các nhà báo tha hồ khai thác, trong khi đó lại ít đả động đến các ứng viên Cộng hòa khác.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Mediaquant, tính tổng cộng thời lượng phát sóng và các bài báo mà truyền thông Mỹ thời gian qua đã “tặng không” cho Donald Trump tương đương với số tiền 1,89 tỉ USD. Trong khi đó, ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton chỉ được hưởng khoảng 746 triệu USD tiền lên báo miễn phí cho chiến dịch tranh cử của mình.

Trong bài phân tích về mối liên hệ giữa truyền thông và Donal Trump, tờ Washington Post chỉ trích cánh truyền thông bảo thủ của Mỹ đã ra sức ủng hộ cho ông trùm bất động sản và đã quá dễ dãi với các quan điểm không nhất quán và “thiếu hiểu biết” của Trump trong đối ngoại. Ngoài ra, các báo cũng lờ đi những thất bại trong công việc làm ăn và đời sống gia đình của Trump.

Truyền thông Mỹ tự mãn và không đại diện đầy đủ cho các bộ phận dân chúng

Thiếu sót lớn khác của truyền thông Mỹ là đã không quan tâm đủ đến phản ứng của các cử tri ủng hộ phe Cộng hòa trước “hiện tượng Trump”. Đa số cử tri phe này là những người Mỹ đang đối mặt với nạn thất nghiệp do xu hướng các công ty lớn di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Họ e ngại người nước ngoài, và cũng là thành phần dân chúng lo sợ khủng bố nhất.

Nhà báo David Brooks của tờ New York Times thừa nhận sai lầm này: “Chúng ta cho rằng suy nghĩ của họ (cử tri Cộng hòa) là không quan trong, vì thật sự các nhà báo chưa lắng nghe đủ và cũng không hiểu nhiều về họ”.

Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, ngành truyền thông Mỹ hiện đang ngày càng co cụm tập trung lại ở một số thành phố lớn như New York, Washington và Los Angeles. Đa số những nhà báo làm việc tại các hãng tin lớn xuất thân từ các trường đại học có xu hướng nghiêng theo cánh tả, nghĩa là thông thường sẽ bỏ phiếu cho phe Dân chủ. Các yếu tố này đã khiến tiếng nói của bộ phận cử tri Cộng hòa, thường sinh sống tại những địa phương khác, đặc biệt là vùng trung Hoa Kỳ, không được giới truyền thông lắng nghe và truyền đạt lại đầy đủ.

Một số báo đài khác lại tỏ vẻ tự mãn và không xem chiến dịch tranh cử của Donald Trump là nghiêm túc. Khi xuất hiện thông tin Trump sẽ chính thức tranh cử, trang Huffington Post tuyên bố sẽ cho đăng bài về chiến dịch tranh cử của ông trong mục “Giải trí”. Giải thích cho việc này, tờ báo mạng cánh tả của Mỹ cho rằng “chiến dịch tranh cử của Trump không là gì khác ngoài một tiết mục giải trí” và xếp Trump vào kế bên chị em nhà Kardashian và các tin tức lá cải khác của ngành giải trí Mỹ.

Kênh truyền hình CNN cũng cho rằng có một bức tường ngăn cách các tờ báo lớn với bộ phận dân chúng Mỹ đang ủng hộ Donald Trump. Trang tin chính trị Vox cho rằng cử tri của Trump không quan tâm đến những chỉ trích mà báo đài dành cho ứng viên yêu thích của họ. “Chúng ta càng lăng mạ Trump bao nhiêu thì họ sẽ lại càng ra sức ủng hộ”, Vox kết luận.

Tạp chí Fortune chỉ ra rằng giới truyền thông Mỹ đang mắc sai lầm khi nghĩ rằng báo đài vẫn còn có nhiều sức ảnh hưởng lên công chúng. Trên thực tế, mức độ tin tưởng của dân Mỹ dành cho truyền thông đang ngày càng giảm và rớt xuống chỉ còn 40%, theo nghiên cứu của Công ty Gallup được công bố tháng 9.2015. Trong đó, chỉ có 32% số cử tri Cộng hòa còn tin vào nhà báo.

Một thống kê khác của Công ty nghiên cứu Rasmussen cho thấy có tới 47% cử tri cho rằng các nhà báo đang có cái nhìn rất phiến diện về Donald Trump, trong khi chỉ có 23% cho rằng Hillary Clinton đang bị báo chí đối xử thiếu công bằng.

“Gánh xiếc” tranh cử của Trump mang lại bộn tiền cho giới truyền thông Mỹ

Ông Leslie Moonves, chủ tịch hãng truyền thông CBS, so sánh chiến dịch tranh cử của Donald Trump như là một “gánh xiếc” mà mọi người trong đó thi nhau “ném bom”. Ông thú nhận “có thể điều này không tốt cho nước Mỹ, nhưng lại quá “hết sảy” cho chuyện làm ăn và hy vọng rằng Trump sẽ tiếp tục diễn “xiếc” trong thời gian tới, trước khi khích lệ “cố lên nhé, Donald”.

Nhà báo Jim Rutenberg của tờ New York Times lập luận rằng đang tồn tại sự lệ thuộc lẫn nhau giữa truyền thông Mỹ và chiến dịch tranh cử của Trump, và cho rằng bất cứ thứ gì được ông trùm nhà đất đăng trên Tweeter đều có thể dễ dàng nhảy lên trang nhất của báo đài.

Công ty nghiên cứu Borrel Associates ước lượng doanh thu của thị trường quảng bá chính trị trong đợt tranh cử 2015-2016 lên đến 16 tỉ USD. Tính riêng trong năm 2016, con số này là 11,4 tỉ USD, tăng 20% so với đợt tranh cử vào năm 2012.

Kênh truyền hình CNN vốn đang trong giai đoạn khó khăn cũng đã tìm lại được một lượng khán giả đáng kể bằng một loạt chương trình phát sóng trực tiếp chuyên nói về nhất cử nhất động của Donald Trump. Từ khi xuất hiện tuyên bố chính thức tham gia ứng cử của Trump vào ngày 16.6.2015 cho đến tháng 9.2015, tổng cộng CNN đã phát 2.159 bài phóng sự về ông ta, gấp đôi lượng bài dành cho ứng viên Cộng hòa khác là Jeb Bush.

Các chuyên mục chính trị của CNN cũng bị chỉ trích là đã dễ dãi cho phép Donald Trump trả lời các cuộc phỏng vấn qua điện thoại mà không cần trực tiếp xuất hiện tại trường quay, theo MediaMatter, trang mạng theo dõi về sự chính trực trong nghiệp vụ báo chí.

Donald Trump đã quá nổi tiếng từ trước khi ứng cử

Ngược lại với New York Times cho rằng báo chí giúp tạo nên Trump, tờ Politico phân tích rằng ứng viên số 1 của đảng Cộng hòa đã được công chúng biết đến quá nhiều từ trước khi tham gia ứng cử. Trong số các ứng viên Cộng hòa, “Trump” là cái tên được tìm kiếm nhiều nhất trên Google, theo trang FiveThirtyEight.

Nghiên cứu của Viện Gallup vào tháng 7.2015 cho thấy Donald Trump là ứng viên của phe Cộng hòa được nhiều người biết đến nhất. Báo Anh The Guardian cho rằng danh tiếng của ông trùm nhà đất cũng đã được tăng lên nhiều nhờ vào loạt chương trình truyền hình thực tế “Người đồ đệ” (The Apprentice) trên kênh NBC, do Trump dẫn chương trình từ 2004-2015, trước khi diễn ra chiến dịch tranh cử.

Biên tập viên báo Washington Post Eugene Robinson cho rằng các tờ báo lớn của Mỹ không có lỗi trong việc tạo ra “thương hiệu” Trump. Ngược lại, tờ báo này cho rằng đa số những người ủng hộ Donald Trump thường xuyên bôi nhọ các hãng báo đài lớn. Ngay cả kênh truyền hình nổi tiếng bảo thủ Fox News, vốn luôn ủng hộ phe Cộng hòa, cũng thể hiện một thái độ ít thân thiện hơn đối với Trump vì ông từng lên tiếng tấn công nữ nhà báo Megyn Kelly của kênh này.

Tuy vậy Errol Louis, biên tập viên chuyên mục về đời sống chính trị tại New York của tờ New York Daily News lại cho rằng truyền thông Mỹ không có gì sai khi đã đăng nhiều bài về Donald Trump đến vậy và đã có sự quan tâm đúng mức đối với chiến dịch tranh cử của ông ta. Louis biện hộ “có giới hạn nhất định trong những gì mà nhà báo có thể làm được, khi công chúng không phản ứng lại với sự thật được phơi bày ra cho họ thấy”.

Huỳnh Hy (theo Le Monde)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyền thông Mỹ tự vấn vì góp phần tạo ra ‘hiện tượng Donald Trump’