"Số doanh nghiệp (DN) phá sản, ngừng hoạt động như thời gian qua là rất bất thường. Ai nói bình thường là an ủi nhau, là vô trách nhiệm", TS. Nguyễn Đình Cung nói với báo chí chiều nay (8.4) khi trao đổi về tình hình thực hiện Luật DN và Luật Đầu tư.
Vô trách nhiệm nếu nói số DN đã phá sản là bình thường
Nhắc đến con số DN ngừng hoạt động khá lớn, đặc biệt quý I/2016, ông Cung nói: "Đây là dấu hiệu rất bất thường và rất đáng buồn! Ai nói bình thường là tự an ủi nhau, là vô trách nhiệm. Tôi thấy chi phí của DN ngày càng tăng lên mà lợi nhuận thì ngày càng giảm đi, đây có thể là 1 nguyên nhân khiến DN phá sản".
Thưa ông, số DN phá sản, ngừng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian qua vẫn rất cao, trong khi chúng ta đã thực hiện những điểm mới được xem là tiến bộ, đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp từ tháng 7.2015?
So với thời điểm số DN phá sản từ năm 2005 - 2007, số DN ngừng hoạt động chỉ 15% - 20% thì thời gian gần đây số này nhiều hơn. Riêng quý I/2016 đã có hơn hơn 22.0000 DN đóng cửa. Số DN thành lập mới chỉ hơn số DN đóng cửa vài ngàn và xu hướng số DN phá sản, đóng cửa lại có xu hướng tăng lên. Đây là con số cực kỳ cao so với các năm. Số liệu này cho thấy, số DN gia nhập thị trường và sụp đổ đang gần tương đương nhau thì thử hỏi tốc độ phát triển DN thế nào? Chính sách hỗ trợ DN có đúng chỗ không, có đi vào thực chất không?
Nhiều người nói các DN phá sản đa phần nhỏ, bé hoạt động không tuân thủ theo quy luật thị trường "ăn xổi, ở thì" nhưng số đó rất ít. Số DN chết vì chi phí của họ ngày càng tăng lên như lãi suất, thuế, phí và các khoản ngoài phí, trong khi đó lợi nhuận của họ ngày càng mỏng, ngày càng bị đối thủ nước ngoài chiếm hết.
Đáng nói, tôi thấy hai thành phố Hà Nội và TPHCM có nhiều DN thành lập nhất cả nước nhưng số phá sản cũng là cao nhất. Các ngành dịch vụ bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế tác, ăn uống du lịch…đáng lẽ có thị trường, dễ xoay vòng vốn nhất lại là những ngành phá sản nhiều nhất. Rất đáng buồn!
Nhìn tổng thể rõ ràng chi phí của họ tăng lên, lợi nhuận giảm xuống đến mức thua lỗ người ta mới bỏ đi, chẳng ai đang kinh doanh có lợi nhuận họ lại ngừng cả. Một là chi phí tăng lên, 2 là doanh thu giảm xuống và có lẽ cái quyết định phần lớn nằm ở chi phí tăng lên.
Chỉ thấy thu và thu...
Trong hai năm liền, Chính phủ đã lần lượt ban hành ra hai Nghị quyết 19 về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và yêu cầu bộ ngành thực hiện. Trong đó những điểm nhắc đến nhiều nhất là giảm thủ tục hành chính, tránh phí chồng phí, thuế gánh thuế... Tại sao phí và thuế vẫn tăng? Có biểu hiện tận thu không?
Tôi đã có liên hệ giữa ngân sách thất thu và bội chi lớn và việc tăng thu, tăng phí. Tôi cho rằng ở đâu có đang có biểu hiện tận thu. Có những khoản trước đây người ta cho rằng không phải thu, nhưng bây giờ thu. Có những khoản trước đây là chi phí hợp lý, hợp lệ, giờ bảo không phải. Có những khoản đang cần thu ngân sách thì bảo ông nộp tạm cho tôi, năm sau tôi khấu trừ. Tôi đang lo thuế môn bài tăng lên, thuế môi trường trong xăng dầu cũng vậy.
Tiếp xúc với DN, tôi luôn thấy chỉ thu và thu: từ chi phí vận tải, mọi trận địa đối với DN chỉ thấy tăng tăng và tăng, không thấy chỗ nào giảm chi phí, giảm rủi ro cho DN... Nếu như này thì yếu tố tích cực từ cải cách của Nghị quyết 19 sẽ có tác động đến DN rất nhỏ.
Tôi nhìn thấy nguyên nhân gốc rễ tại sao DN giải thể nhiều đến thế là do một thời gian sức lực của DN tư nhân trong nước bị xói mòn, hao tổn đi rất lớn, do bất ổn kinh tế vĩ mô. Đến khi mình khắc phục lại, sức khỏe, năng lực tài chính của DN tư nhân mới lớn lên lại vướng vào hàng rào thuế, phí. Đáng lẽ thời kỳ này phải là thời kỳ nuôi dưỡng, nâng đỡ và tạo ra một tinh thần khởi sự, khởi nghiệp. Thì ko nhìn thấy những động lực như vậy.
Quay trở lại thực hiện Luật DN, Luật đầu tư có thể góp được cái gì và nói đã làm được cái gì?
Một bước tiến là các Luật ban hành của chúng ta đã rút gọn được 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng thực ra đây vẫn là quá lớn và quá nhiều trong một nền kinh tế nhỏ, thị trường. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện nghĩa là hạn chế tự do kinh doanh, han chế gia nhập thị trường để bảo vệ một lợi ích chung.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, không ai tính đến điều đó. Các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vẫn đưa ra nhằm bảo vệ lợi ích của ngành, lĩnh vực để dễ quản lý, hạn chế phát sinh trong tiền kiểm, chứ chưa nghĩ đến cần chuyển sang hậu kiểm.
Trước Quốc hội, nhiều chuyên gia cũng nhắc đến việc có nên đưa quá nhiều ĐKKD ra không, đặc biệt đối với những ngành không đặc thù, không tế nhị. Chính ông Nguyễn Sinh Hùng, khi đó còn làm Chủ tịch Quốc hội đốc thúc việc giảm bớt ĐKKD và đặt thời gian biểu yêu cầu các bộ ngành đưa ra các ĐKKD để tạo thuận lợi cho DN.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 16 ngành chưa đưa ra các điều kiện đăng ký kinh doanh, cho dù hạn chót tháng 7/2016 sẽ phải đưa ra. Tôi cho rằng, tại sao một cải cách lớn có thể mang lại một sự thay đổi về chất đối với môi trường kinh doanh mà làm trầy trật.
Nếu tháng 7.2016 vẫn chưa đưa ra ĐKKD cho các ngành còn lại, thì DN ngành đó, lĩnh vực đó sẽ ra sao và người muốn đầu tư kinh doanh sẽ thế nào?
Tôi nói rất thực tình là: ngoài những ngành nghề ảnh hưởng an ninh quốc phòng, thuần phong mỹ tục hoặc ảnh hưởng xã hội... còn các ngành khác, bỏ hết ĐKKD cũng chẳng sao. ĐKKD chỉ là thước đo, cái hàng rào của cơ quan quản lý Nhà nước lập ra để anh tham gia phải tuân thủ.
Đứng dưới góc độ quản lý xã hội thì cần nhìn cả một chuỗi vấn đề thì mới thấy được đây là cách quản lý tiền kiểm, mang tính hình thức, các nước phát triển trên thế giới đã bỏ lâu rồi. Nếu cho người ta kinh doanh rồi, họ đưa ra sản phẩm thì anh có hậu kiểm không hay bỏ đó. Đây là một cách quản lý rất lạc hậu, mô tả chu trình, tốt cho cơ quan quản lý. Còn khi DN đưa ra sản phẩm ra thị trường thế nào thì mặc kệ, không ai quản lý cả.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền - Dân Trí