Một số nghị sĩ muốn trừng phạt Tổng thống Donald Trump bằng cách triệt tiêu khả năng ông quay lại chính trường.
Hiện Hạ viện đã phê duyệt cáo buộc “kích động nổi dậy” để đưa Tổng thống Trump ra luận tội, Thượng viện sẽ tổ chức phiên tòa xét xử và có thể ra phán quyết phế truất đương kim tổng thống, thậm chí cấm ông nắm giữ chức vụ chính trị khác trong tương lai.
Hiến pháp Mỹ quy định 2 cách trừng phạt một quan chức bị luận tội: Phế truất hoặc “tước bỏ tư cách nắm giữ hay hưởng bất cứ chức vụ danh dự, tín nhiệm, lợi ích của nước Mỹ”.
Theo Hạ viện Mỹ, cuộc bạo loạn tuần trước là hậu quả từ việc Tổng thống Trump liên tục tuyên bố bầu cử tháng 11.2020 có gian lận và kêu gọi người ủng hộ hành động. Tổng thống Trump ở phiên xét xử có thể viện dẫn Tu chính án thứ nhất (về quyền tự do ngôn luận), đồng thời lập luận rằng ông chỉ kêu gọi “hành động” chứ hoàn toàn không có ý kích động bạo lực.
Hiến pháp Mỹ quy định phế truất một quan chức đòi hỏi 2/3 Thượng viện đồng ý kết tội. Còn theo tiền lệ thì tước bỏ tư cách nắm giữ chức vụ trong tương lai chỉ cần quá bán đồng ý – bỏ phiếu sau khi kết tội.
Từ trước đến nay, Thượng viện Mỹ chỉ mới tước bỏ tư cách nắm giữ chức vụ của 3 quan chức (đều là thẩm phán liên bang) thông qua thủ tục luận tội. Lần gần đây nhất là năm 2020, một thẩm phán liên bang ở Louisiana bị phát hiện dính líu tham nhũng.
Giáo sư luật Brian Kalt thuộc đại học bang Michigan cho biết phạm vi áp dụng cách thức trên vẫn là điều còn đang tranh cãi, chưa rõ có thể áp dụng cho Tổng thống hay không.
Không bị kết tội liệu có bị tước tư cách?
Giới chuyên gia vẫn chưa thể trả lời rõ ràng. Giáo sư Kalt cho rằng cần kết tội trước rồi mới tước tư cách, không đúng quy trình thì giống như trừng phạt tổng thống vì điều ông ta chẳng hề phạm phải vậy. Tiền lệ cũng chỉ ra kết tội là điều kiện tiên quyết.
Giáo sư luật Paul Campos thuộc đại học Colorado lại khẳng định một cuộc bỏ phiếu tước tư cách nắm giữ chức vụ của Tổng thống Trump vẫn có thể diễn ra mà không cần kết tội. Tòa án tối cao Mỹ đã nói rõ Thượng viện có quyền hạn lớn để quyết định cách thức tiến hành xét xử,
Tu chính án thứ 14
Phần 3 Tu chính án thứ 14 đem đến một giải pháp khác: Người tham gia vào một cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn chống lại đất nước không được nắm giữ bất kỳ chức vụ chính trị nào. Theo tiền lệ thì chỉ cần đa số ở lưỡng viện thông qua thì có thể dùng hình phạt này. Tuy nhiên sau này nếu muốn xóa bỏ hình phạt thì cần 2/3 thành viên lưỡng viện chấp nhận.
Phần 5 Tu chính án thứ 14 trao quyền cho Quốc hội Mỹ thực hiện toàn bộ Tu chính án thông qua “luật thích hợp”. Một số học giả lý giải như vậy nghĩa là chỉ cần được đa số ở lưỡng viện chấp nhận thì có thể áp dụng cho một Tổng thống cụ thể, chẳng hạn như ông Trump.
“Quá trình kích hoạt Tu chính án thứ 14 không rõ ràng. Tôi nghĩ sẽ cần kết hợp giữa pháp luật và kiện tụng”, theo giáo sư Kalt.
Tất nhiên, Tổng thống Trump có quyền thách thức hình phạt tước tư cách nắm giữ chức vụ bằng cách khởi kiện. Trong 9 thành viên Tòa án tối cao Mỹ có 3 người do Tổng thống Trump bổ nhiệm, nhân vật mang tư tưởng bảo thủ chiếm đa số.