Việc doanh nghiệp liên tục khuyến mại không có nghĩa là vi phạm luật Cạnh tranh, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Khi được hỏi về nhận định của Bộ Công Thương (cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Xúc tiến thương mại) về việc Uber và Grab liên tục khuyến mại gây mất bình đẳng trong cạnh tranh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định tại buổi họp báo ngày 14.7 rằng việc doanh nghiệp liên tục khuyến mại không có nghĩa là vi phạm luật Cạnh tranh. Các doanh nghiệp có thể có nhiều chương trình khuyến mại nhưng vẫn phải đăng ký và tuân thủ đúng theo quy định pháp luật.
Thứ trưởng Hải nhận định sự ra đời của Uber và Grab đã đem lại lợi ích cho người tiêu dùngvề giá cả và về chất lượng. Theo ông, bất kỳ loại hình kinh doanh nào, doanh nghiệp nào khi thực hiện ở Việt Nam đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Về phía Bộ Công Thương, Bộ rất quan tâm đến tính cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng của hai loại hình kinh doanh này.Bộ sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng giám sát hai loại hình này ở hai lĩnh vực mà ngành quản lý.
Thời gian qua, cuộc tranh cãi "nảy lửa" về việc 2 doanh nghiệp Uber, Grab có vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay khôngđã thu hút sự quan tâm lớn từ phía cơ quan chức năng, giới chuyên gia và dư luận.
Một số chuyên gia cho rằnghành vi kinh doanh thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá thực tế rất phong phú, trong khi bản chất của luật Cạnh tranh không phải là để hạn chế cạnh tranh.
Trường hợp của Uber, Grab là những doanh nghiệp khởi nghiệp, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ sáng tạo, do vậy không thể tùy tiện hủy bỏ, ngăn cấm. Ở các nước phát triển có nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thườngthì Việt Nam không có lý do gì để ngăn họ lại.
Tuy nhiên, trong câu chuyện này cần phải điều tra lại việc giảm giá, áp dụng khuyến mại đã phù hợp chưa? Nếu chứng minh được giá cước dưới chi phí bỏ ra làm phá giá thị trường thì phải có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Taxi Hà Nội và Hiệp hội Taxi Việt Nam đã có công văn gửi Cục Xúc tiến thương mại, khiếu nại việc Uber và Grab vi phạm luật Cạnh tranh khi liên tục đưa ra chương trình giảm giá, khuyến mại.
Các hiệp hội này đã đưa ra hàng loạt minh chứng cho thấy Grab vi phạm quy định tổng thời gian giảm giá trong một năm không vượt quá 90 ngày, vi phạm quy định thời gian tối đa cho một chương trình giảm giá là 45 ngày, cũng như vi phạm quy định tổng giá trị hàng hoá dịch vụ dùng để khuyến mại không vượt quá 50% tổng giá trị hàng dùng để khuyến mại...
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết ước tính thị phần của taxi truyền thống đã bị mất khoảng 30-40%.
Tuyết Nhung