Thủ tướng Úc Scott Morrison mới đây đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về đại dịch COVID-19, động thái có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Trung Quốc.
Trong buổi họp báo tại thủ đô Canberra hôm 23.4, Thủ tướng Morrison cho biết Úc sẽ thúc đẩy cuộc điều tra trong Hội đồng WHO vào ngày 17.5, đồng thời kêu gọi tất cả thành viên WHO nên có nghĩa vụ tham gia.
"Nếu chúng ta là thành viên của WHO, thì cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ kèm theo. Chúng ta đều muốn thế giới an toàn hơn khi có virus mới xuất hiện... Tôi hy vọng rằng bất kỳ quốc gia nào, dù là Trung Quốc, sẽ cùng chia sẻ mục tiêu đó", ông Morrison nói.
Úc hiện đã trở thành một trong những nhà phê bình mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh về cách xử lý sự lây lan của đại dịch COVID-19. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi nhiều nghị sĩ Úc gần đây nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc điều tra nguồn gốc coronavirus.
Các nhà lập pháp đồng thời bày tỏ hoài nghi trước sự minh bạch thông tin của Trung Quốc về COVID-19. Ngoại trưởng Úc Marise Payne cùng nhiều quan chức cấp cao trong nội các Úc cũng đã kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập cách Trung Quốc và WHO ứng phó dịch bệnh.
Dù Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng các mối quan hệ ngoại giao đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây trong bối cảnh Úc cáo buộc Bắc Kinh đã thực hiện các cuộc tấn công mạng và đã cố gắng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chính quyền Canberra.
Trước đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison trong tuần này cũng đã có cuộc điện đàm với một số nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức để kêu gọi họ ủng hộ việc tiến hành đánh giá độc lập về nguồn gốc coronavirus và cơ chế lây lan của đại dịch COVID-19 vốn bùng phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu bao gồm cả Anh và Pháp dường như không mặn mà lắm với lời kêu gọi của Thủ tướng Úc khi cho rằng bây giờ không phải lúc để quy trách nhiệm.
Tại cuộc điện đàm, Tổng tổng Pháp Emmanuel Macron, nói với Thủ tướng Morrison rằng giờ chưa phải lúc để điều tra, một quan chức Pháp cho biết. “Ông Macron nói ông ấy đồng ý rằng đã xảy ra một số vấn đề ngay từ đầu, nhưng vấn đề cấp bách hiện nay là sự gắn kết, và giờ không có thời gian để nói về điều đó. Ông ấy cũng tái khẳng định cần minh bạch cho tất cả các bên, không chỉ WHO”, quan chức của điện Elysee nói với Reuters.
Một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nói rằng sẽ có lúc Anh nhìn lại những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng này, nhưng giờ các bộ trưởng phải tập trung chống dịch bệnh.
Phản ứng trước các động thái của nhà lãnh đạo Úc, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 23.4 tại Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng hành động đều tra đề xuất bởi Úc “mang màu sắc thao túng chính trị”.
“Trung Quốc khuyên Úc nên từ bỏ những định kiến về ý thức hệ”, ông Cảnh nhấn mạnh và cho rằng việc Úc kêu gọi một cuộc điều tra sẽ giành được sự ưu ái với Mỹ, quốc gia trong thời gian gần đây đã liên tục chỉ trích Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về cách xử lý đại dịch COVID-19.
Ngoài ra ông Cảnh cũng cho biết, Trung Quốc quyết định góp thêm 30 triệu USD tiền mặt cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dùng để phòng chống dịch COVID-19 cũng như hỗ trợ hệ thống y tế tại các quốc gia đang phát triển, và khoản đóng góp này không liên quan đến khoản kinh phí mà nước này cấp cho WHO hàng năm.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, việc quyên góp cho WHO nhằm thể hiện sự "ủng hộ và tin tưởng của chính phủ và nhân dân Trung Quốc" đối với tổ chức này và cũng là sự đóng góp của Bắc Kinh vào sự nghiệp y tế công cộng của thế giới và cuộc chiến chống dịch bệnh toàn cầu.
Hoàng Vũ (theo Reuters)