Vừa chịu án phạt chống độc quyền kỷ lục 18 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,75 tỉ USD), cổ phiếu Alibaba bất ngờ tăng mạnh hôm 12.4 khi các lãnh đạo tập đoàn tuyên bố sẽ khắc phục các vấn đề và tăng cường nỗ lực để giữ chân các thương gia làm ăn với họ.
Giá cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Hồng Kông đã tăng tới 9% trong phiên giao dịch buổi sáng 12.4 vì nguồn gốc chính gây ra sự không chắc chắn cho công ty đã được loại bỏ, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư và các nhà phân tích rằng mức phạt kỷ lục đang có lợi cho hành động điều tiết của Trung Quốc với gã khổng lồ công nghệ nước này.
Trước đó, cổ phiếu Alibaba đã mất gần 1/3 giá trị kể từ khi Trung Quốc tiến hành một loạt cuộc điều tra với công ty vào tháng 11.2020.
Alibaba đã bị giám sát chặt chẽ kể từ khi nhà sáng lập Jack Ma chỉ trích công khai hệ thống quản lý của Trung Quốc vào tháng 10.2020.
Lãnh đạo Alibaba cho biết bất chấp khoản tiền phạt kỷ lục và các biện pháp do cơ quan quản lý yêu cầu, họ vẫn tin tưởng vào sự hỗ trợ chung của Chính phủ Trung Quốc với công ty.
Phó chủ tịch điều hành Alibaba - Joe Tsai nói: “Họ đang xác nhận mô hình kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy yên tâm rằng không có gì sai với mô hình kinh doanh cơ bản của chúng tôi với tư cách là một công ty nền tảng”.
Daniel Zhang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Alibaba, nói với các nhà đầu tư trong cuộc gọi video hôm 12.4 rằng Alibaba sẽ đưa ra các biện pháp mới để giảm các rào cản gia nhập và chi phí kinh doanh cho các thương gia. Luật chống độc quyền mới của Trung Quốc cấm các nhà khai thác nền tảng thương mại điện tử như Alibaba ký kết các thỏa thuận bán hàng độc quyền với những người bán sử dụng nền tảng này.
Hôm 10.4, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) đã phạt Alibaba vì hành vi ngăn cản người bán sử dụng các nền tảng khác.
Daniel Zhang khẳng định: “Chúng tôi không dựa vào tính độc quyền để giữ chân các thương gia của mình” vì những thỏa thuận như vậy chỉ áp dụng cho một số thương hiệu.
Joe Tsai cũng nói thêm rằng Alibaba “không dựa vào tính độc quyền” để giữ chân người bán của mình, việc bổ sung các thỏa thuận độc quyền như vậy trước đây chỉ bao gồm một số lượng nhỏ các cửa hàng hàng đầu trên Tmall.
Tmall (tên cũ là Taobao Mall) là trang web chuyên bán lẻ trên internet, tách ra từ Taobao, thuộc Alibaba.
Giám đốc tài chính Maggie Wu cho biết Alibaba đã dành hàng tỉ nhân dân tệ để hỗ trợ các biện pháp giảm chi phí và đào tạo cho các thương gia.
Mức phạt áp dụng với Alibaba, một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu, cao gần gấp 3 lần mức trước đó.
Qualcomm, nhà cung cấp chip điện thoại di động lớn nhất thế giới của Mỹ, từng bị SAMR phạt 975 triệu USD bào năm 2015 vì các hành vi phản cạnh tranh.
Phó chủ tịch điều hành Alibaba - Joe Tsai cho biết số tiền phạt này chiếm chưa đến 20% dòng tiền của Alibaba trong 12 tháng qua.
"Với hình phạt này, chúng tôi đã nhận được hướng dẫn tốt về một số vấn đề theo luật chống độc quyền và chúng tôi rất vui khi có thể để lại vấn đề này sau lưng", Joe Tsai nói.
Ernan Cui, nhà phân tích người tiêu dùng Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, cho biết: "Bản thân khoản tiền phạt không phải là vấn đề lớn với Alibaba, nhưng quyết định của cơ quan quản lý có thể dẫn đến những thay đổi trong mô hình kinh doanh của ngành".
Bà Ernan Cui lưu ý rằng cơ quan quản lý đưa ra quan điểm rằng sẽ không còn chấp nhận một số quy tắc ẩn trong nền kinh tế thương mại điện tử, điều này khiến các công ty như Alibaba khó duy trì mức tăng trưởng hai con số của họ. Thế nhưng, mặt thuận lợi là cơ quan quản lý không có khả năng áp đặt thêm các hình phạt theo quy mô này với Alibaba trong ít nhất 3 năm tới nếu làm theo hướng dẫn của họ, vì Trung Quốc vẫn coi trọng lợi ích kinh tế do các công ty internet trong nước tạo ra vào thời điểm ngoại thương đang trở nên kém ổn định hơn.
Robin Zhu, nhà phân tích internet Trung Quốc tại công ty AB Bernstein ở Hồng Kông, nhận định hình phạt này sẽ giải tỏa không khí cho các nhà đầu tư.
Robin Zhu nói trong ghi chú nghiên cứu: “Đó là dấu hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua với Alibaba theo như sự giám sát của cơ quan quản lý”. Thế nhưng, ông lưu ý rằng việc loại bỏ độc quyền bắt buộc sẽ cho phép các thương hiệu nhìn xa hơn các thị trường của Alibaba và có khả năng phân bổ một số hoạt động kinh doanh của họ cho các nền tảng đối thủ như JD, Pinduoduo hoặc Douyin.
Ông Robin Zhu viết: "Mối quan tâm dài hạn của chúng tôi vẫn là sự đông đúc ngày càng tăng của thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc và tác động tiềm tàng của điều này với lợi nhuận thương mại điện tử cốt lõi của Alibaba".