Là nền tảng thương mại điện tử cung cấp nhiều sản phẩm thuộc nhiều danh mục khác nhau, Pinduoduo vượt lên dẫn đầu về lượng người dùng tích cực trong bối cảnh thị trường đang thay đổi xu hướng.

Bị công ty mới nổi vượt về lượng người dùng, Alibaba phải cạnh tranh với 2 kẻ thù khác

Nhân Hoàng | 19/03/2021, 13:48

Là nền tảng thương mại điện tử cung cấp nhiều sản phẩm thuộc nhiều danh mục khác nhau, Pinduoduo vượt lên dẫn đầu về lượng người dùng tích cực trong bối cảnh thị trường đang thay đổi xu hướng.

Alibaba Group Holding, đại gia thương mại điện tử Trung Quốc bị bủa vây bởi sự giám sát của pháp luật, đã phải hứng chịu một đòn khác khi mất vị trí dẫn đầu về người dùng trong nước vào tay đối thủ mới nổi Pinduoduo.

Người dùng hoạt động hàng năm của Pinduoduo đã tăng 35% vào năm 2020 lên 788 triệu, so với 779 triệu của Alibaba. Sử dụng giá thấp để thúc đẩy sự gia tăng như vũ bão của mình, Pinduoduo (công ty 5 năm tuổi) đã thu hút được người dùng vào thời điểm mang tính bước ngoặt với thị trường bán lẻ trực tuyến Trung Quốc.

"Chúng tôi tập trung hơn vào việc xây dựng sự hài lòng và niềm tin của người dùng bằng cách mang đến cho họ trải nghiệm mua sắm tốt nhất cùng các sản phẩm đáng đồng tiền hơn là tích lũy số lượng người dùng”, Giám đốc điều hành Pinduoduo - Chen Lei nói trong cuộc họp báo thu nhập tối 17.3 khi được hỏi về thành tích.

Mô hình "mua hàng theo nhóm" theo định hướng xã hội của Pinduoduo, cho phép các nhóm khách mua cùng một sản phẩm với mức giá thấp hơn giá khi họ mua riêng lẻ, giúp dịch vụ này phát triển ở các thành phố nhỏ hơn và những ngôi làng nông thôn của Trung Quốc.

bi-pinduoduo-vuot-ve-luong-nguoi-dung-tich-cuc-alibaba-phai-canh-tranh-voi-2-ke-thu.jpg
Pinduoduo đã hơn Alibaba về lượng người dùng tích cực trên nền tảng thương mại điện tử trong năm 2020

Alibaba vẫn thống trị thị trường về giá trị giao dịch, với khoảng 50% thị phần. Lợi thế của Alibaba ở các thành phố lớn, nơi thu nhập tương đối cao và nhiều dòng sản phẩm đắt tiền hơn dẫn đến mức chi tiêu cho mỗi khách hàng nhiều hơn so với Pinduoduo, dù Chen Lei cũng tìm cách định vị công ty của mình để bắt kịp mặt trận đó.

Sự phát triển của Pinduoduo và các đối thủ mới nổi khác khiến Alibaba lo lắng. Tháng trước, CEO Daniel Zhang nói với các nhân viên rằng Alibaba có 3 kẻ thù phải chiến đấu trong năm nay: Pinduoduo, Meituan (dịch vụ giao đồ ăn) và ByteDance (nhà điều hành ứng dụng video ngắn TikTok nổi tiếng).

Những cuộc chiến này có thể khó khăn. Trong khi Alibaba coi ứng dụng giao hàng như động lực tăng trưởng chính, công ty khởi nghiệp Ele.me của họ có thị phần nhỏ hơn nhiều so với Meituan.

ByteDance đã thực hiện bước đột phá chính thức vào thương mại điện tử năm ngoái và ra mắt dịch vụ thanh toán di động trong tháng 1.2021, tận dụng cơ sở hơn 600 triệu người dùng Trung Quốc để mở rộng trên lĩnh vực vốn từ lâu là một trong những thế mạnh của Alibaba.

Trong khi đó, Alibaba cũng chậm chạp trong việc bắt kịp các xu hướng thương mại điện tử mới, gồm cả mua theo nhóm cộng đồng, cho phép các nơi lân cận đặt hàng số lượng lớn cho hàng tạp hóa với mức giá giảm. Người tiêu dùng Trung Quốc trước đây không thích mua sản phẩm mới toanh trực tuyến, nhưng điều đó đã thay đổi do đại dịch coronavirus. Người mua sắm phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại điện tử và cách “mua theo nhóm cộng đồng” đã lan rộng nhanh chóng.

Ngoài JD.com, công ty thương mại điện tử số 2 Trung Quốc sau Alibaba, Pinduoduo và Meituan đã triển khai các dịch vụ như vậy trên phần lớn đất nước. Alibaba chỉ mới tham gia một cách nghiêm túc gần đây, thành lập một bộ phận dành riêng cho hoạt động mua theo nhóm cộng đồng vào đầu năm nay.

Rủi ro pháp lý cộng thêm áp lực từ cạnh tranh gia tăng với Alibaba. Mối đe dọa này xuất hiện vào tháng 11.2020 khi Ant Group (dịch vụ tài chính do Alibaba hậu thuẫn) đã bị đình chỉ đợt IPO (ra mắt cổ phiếu lần đầu với công chúng) trị giá 37 tỉ USD được nhiều người mong đợi sau khi các nhà chức trách thắt chặt các quy định với các công ty công nghệ tài chính. Động thái này diễn ra sau khi nhà sáng lập Alibaba - tỷ phú Jack Ma đưa ra một số nhận xét tiêu cực về các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc tại diễn đàn kinh tế hôm 24.10.2020. 

Các cơ quan quản lý đã khám xét trụ sở tại thành phố Hàng Châu của Alibaba vào tháng 12.2020 như một phần cuộc điều tra đang diễn ra về nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền. Một số hãng truyền thông phương Tây cho biết các cơ quan quản lý đang xem xét khoản tiền phạt có thể là lớn nhất từ ​​trước đến nay với một vụ kiện chống độc quyền của Trung Quốc.

Hôm 12.3, Giám đốc điều hành Ant Group - Simon Hu đã từ chức và cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Hồng Kông giảm hơn 20% so với mức cao gần đây nhất của họ.

Áp lực có vẻ sẽ tiếp tục tăng lên. Khi cơ quan chính sách kinh tế hàng đầu Trung Quốc nhóm họp hôm 15.3, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng các vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của "nền kinh tế nền tảng" - nhận xét được cho nhằm vào các công ty như Alibaba.

Bài liên quan
Bị Trung Quốc bắt bán tờ báo SCMP hàng đầu Hồng Kông, đế chế Alibaba có nguy cơ tan rã
Số phận của tờ báo South China Morning Post ở Hồng Kồng thuộc sở hữu Alibaba đang được đặt dấu hỏi?

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị công ty mới nổi vượt về lượng người dùng, Alibaba phải cạnh tranh với 2 kẻ thù khác