Ông Tập Cận Bình tìm cách củng cố quyền lực của mình trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2022.

Phạt tiền nặng chưa từng thấy, ông Tập Cận Bình coi Alibaba là mối đe dọa lớn

Nhân Hoàng | 11/04/2021, 08:39

Ông Tập Cận Bình tìm cách củng cố quyền lực của mình trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2022.

Khoản phạt 2,75 tỉ USD USD áp dụng với Alibaba vì vi phạm luật chống độc quyền nhấn mạnh ý định của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình trong việc thắt chặt kiểm soát các doanh nghiệp internet đang phát triển nhanh chóng và củng cố vị thế của ông trước Đại hội Đảng Cộng sản quan trọng vào năm tới.

Cục Quản lý thị trường Trung Quốc hôm 10.4 đã phạt tập đoàn Alibaba 18,2 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,75 tỉ USD), số tiền kỷ lục tương đương khoảng 12% lợi nhuận ròng của gã khổng lồ thương mại điện tử trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2020.

Các công ty công nghệ lớn khác cũng bị phạt trong những tháng gần đây, bao gồm Tencent và Baidu, vì chống độc quyền và vi phạm khác, nhưng số tiền không quá vài trăm ngàn USD. Theo trang Nikkei, khoản tiền phạt lớn hơn nhiều với Alibaba cho thấy mức độ đe dọa mà tập đoàn này gây ra cho giới lãnh đạo Trung Quốc.

Cuộc đàn áp Alibaba bắt đầu với Ant Group, đơn vị vận hành dịch vụ thanh toán qua smartphone - Alipay. Ant Group có vẻ được thiết lập cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng kỷ lục trị giá 37 tỉ USD, nhưng các nhà quản lý đột ngột thay đổi lập trường vào tháng 11.2020, buộc đơn vị phải dừng kế hoạch niêm yết tại Thượng Hải và Hồng Kông. Động thái đó diễn ra sau khi tỷ phú Jack Ma, nhà sản lập Alibaba và Ant Group, đưa ra một số nhận xét tiêu cực về các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc tại diễn đàn kinh tế hôm 24.10.2020. 

Trong thập kỷ qua, hoạt động kinh doanh của Alibaba đã mở rộng ra ngoài lĩnh vực mua sắm, sang lĩnh vực hậu cần, tạp hóa, giải trí, truyền thông xã hội, đặt vé du lịch và nhiều lĩnh vực khác. Giống những người khổng lồ về internet khác, Alibaba nói rằng bề rộng kinh doanh giúp làm cho mỗi dịch vụ của họ trở nên hữu ích hơn. Thế nhưng, các nhà phê bình cho rằng quy mô của Alibaba làm giảm sân chơi cho các đối thủ cạnh tranh và hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Trung Quốc bắt đầu tăng cường giám sát các gã khổng lồ công nghệ của mình vào năm ngoái. Cơ quan quản lý thị trường đề xuất cập nhật luật chống độc quyền của quốc gia với một điều khoản mới cho các nền tảng internet lớn như Alibaba.

Hình phạt mới nhất liên quan đến việc Alibaba bị cáo buộc lạm dụng vị trí thống lĩnh trong hoạt động kinh doanh mua sắm trực tuyến chính của mình. Các nhà chức trách cho biết các thương gia chịu áp lực bởi Alibaba, bao gồm cả việc phạt nếu không bán độc quyền trên nền tảng của tập đoàn này.

phat-tien-tang-chua-tung-thay-ong-tap-can-binh-xem-alibaba-la-moi-de-doa.jpg
Ông Tập Cận Bình coi Alibaba của tỷ phú Jack Ma là mối đe dọa lớn

Alibaba, công ty dẫn đầu sự phát triển của lĩnh vực internet của Trung Quốc từ những năm đầu tiên, từng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Ví dụ, các cơ quan quản lý đã đóng cửa các dịch vụ do Facebook, Google cung cấp khỏi thị trường nội địa vào năm 2009 và 2010. Tuy nhiên cuối cùng, sự phát triển của các Alibaba bắt đầu đi ngược lại lợi ích của nhà nước.

Thông qua Ant Group, Alibaba lấn sân sang lĩnh vực tài chính do các ngân hàng quốc doanh kiểm soát. Mảng kinh doanh môi giới cho vay sinh lợi, trong đó Alipay giới thiệu người dùng đến các ngân hàng và Ant Group nhận lại hoa hồng từ các ngân hàng, là sự sáng tạo. Thế nhưng, việc này làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các tổ chức tài chính hiện tại, bao gồm cả các ngân hàng quốc doanh.

Trung Quốc tìm cách duy trì một trật tự kinh tế do các doanh nghiệp nhà nước lãnh đạo, trong đó khu vực tài chính do chính phủ kiểm soát là cốt lõi trong khi các cơ chế thị trường nhất định được thông qua. Vì vậy, chính quyền ông Tập Cận Bình không còn cho phép Alibaba phát triển một cách thiếu kiểm soát.

Cuộc đàn áp Alibaba dường như cũng là kết quả của cuộc đấu tranh giành quyền lực trong giới chính trị. Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị thực hiện một cuộc cải tổ nhân sự lớn tại đại hội diễn ra hai lần trong một thập kỷ vào mùa thu năm 2022. Sự phát triển của Alibaba được cho là nhờ sự hậu thuẫn của những người thân và nhân vật khác có liên hệ với cái gọi là phe phái Thượng Hải do cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân lãnh đạo. Rộ tin cháu của ông Giang Trạch Dân gián tiếp sở hữu cổ phiếu Ant Group.

Theo các nguồn tin, những người thân cận với ông Tập Cận Bình rất tức giận khi nhìn thấy danh sách bí mật những người có quyền lợi trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group. Danh sách được báo cáo bao gồm nhiều người thân và những nhân vật khác có liên hệ với cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.

Trở lại năm 2018, ông Tập Cận Bình đã sửa đổi hiến pháp để loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ với người đứng đầu Trung Quốc, động thái được coi là quyết tâm của ông để có nhiệm kỳ thứ ba sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2022.

Theo trang Nikkei, ngày càng có nhiều đồn đoán rằng ông Tập Cận Bình, với hy vọng nắm quyền lâu dài, đang trừng phạt Alibaba để làm suy yếu các nhân vật quyền lực có liên hệ với tập đoàn này.

Bài liên quan
Trình duyệt hơn 400 triệu người dùng của Alibaba bị Trung Quốc xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng Android
Các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc đã xóa UC Browser của Tập đoàn Alibaba sau khi trình duyệt này bị chỉ trích trên chương trình quyền người tiêu dùng hàng năm của CCTV vì đưa quảng cáo y tế từ các công ty không đủ tiêu chuẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạt tiền nặng chưa từng thấy, ông Tập Cận Bình coi Alibaba là mối đe dọa lớn