Để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải bảo vệ những cán bộ mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ngày 29.11, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại ra nghị quyết về vùng ĐBSH?
Vùng ĐBSH được coi là cửa ngõ phía bắc của nước ta và khu vực ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới, và cũng là cửa ngõ phía nam để Trung Quốc kết nối với ASEAN; có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thuộc vùng ĐBSH là một trong 3 vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước. Trong đó, có thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, trung tâm khoa học - công nghệ lớn của cả nước, có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, hào hoa và thanh lịch, văn hiến và anh hùng…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng vùng ĐBSH vẫn còn một số mặt hạn chế như kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vượt trội và vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng.
"Quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa các tiểu vùng còn có sự chênh lệch đáng kể…", Tổng bí thư nêu.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước, vùng ĐBSH có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen. Thực tế đặt ra yêu cầu phải tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa 9; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa 11 và ban hành nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSH và cả nước trong giai đoạn phát triển mới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết cũng yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh...
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm
Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước.
Theo đó, liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng; cần tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN và Đông Bắc Á.
Tổng bí thư cũng yêu cầu quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết vươn lên làm cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước giàu mạnh và tốt đẹp hơn, dẫn đầu cả nước.
Theo đó, Chính phủ và các cơ quan ở trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển vùng.
Đồng thời cần xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành cho được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ những cán bộ mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng ĐBSH nhất định sẽ phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang, khí phách quật cường và tài năng, phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người "Bắc Hà"; cùng với các ban bộ ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị lần này.