Hãng tin AP dẫn lời nhà phân tích Ryan Brobst (Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ) lý giải vì sao Mỹ quyết định viện trợ bom chùm cho Ukraine, dù đây là loại vũ khí nguy hiểm bị phản đối sử dụng.

Vì sao Mỹ quyết định viện trợ bom chùm cho Ukraine?

Cẩm Bình | 11/07/2023, 10:42

Hãng tin AP dẫn lời nhà phân tích Ryan Brobst (Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ) lý giải vì sao Mỹ quyết định viện trợ bom chùm cho Ukraine, dù đây là loại vũ khí nguy hiểm bị phản đối sử dụng.

Ngày 7.7, Lầu Năm Góc gây sốc khi tuyên bố trong gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine có bom chùm. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố số vũ khí cùng thiết bị chuẩn bị viện trợ rất cần thiết cho việc củng cố lực lượng Ukraine ngoài chiến trường.

Động thái trên lập tức nhận phải chỉ trích gay gắt từ cả một số đồng minh (Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức) lẫn từ các tổ chức nhân đạo. Tuy nhiên cũng có ý kiến ủng hộ với lập luận rằng phía Nga đã sử dụng trước, và bom chùm mà Mỹ cung cấp có tỷ lệ không phát nổ ngay ở mức thấp giúp giảm nguy cơ với dân thường về sau này.

Bom chùm chứa hàng trăm quả bom nhỏ hơn. Khi nổ “bom mẹ” giải phóng số “bom con” ra khu vực rộng lớn, chính “bom con” gây sát thương cho người và phá hủy xe cơ giới.

Trong các xung đột trước, “bom con” có tỷ lệ không nổ cao nên có thể là mối nguy chết người suốt hàng chục năm. Lần cuối Mỹ sử dụng vũ khí này ngoài chiến trường là ở cuộc chiến Iraq năm 2003. Sau đó khi giao tranh chuyển vào khu vực đô thị đông dân thì họ quyết định không dùng nữa.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết Mỹ sở hữu nhiều biến thể bom chùm. Số bom viện trợ cho Ukraine sẽ không phải là biến thể cũ có tỷ lệ không nổ cao hơn 2,35%.

vius.jpg
Một lô bom chùm của Mỹ - Ảnh: Reuters

Lý do quyết định viện trợ vào lúc này

Hơn 1 năm qua, Mỹ lấy hơn 2 triệu quả đạn pháo 155mm trong kho vũ khí của mình viện trợ cho Ukraine. Các đồng minh khác viện trợ thêm hàng trăm nghìn quả nữa.

Đạn pháo 155mm có thể tấn công mục tiêu cách xa 24 - 32km nên được quân đội Ukraine ưa chuộng sử dụng. Mỗi ngày họ bắn hàng nghìn quả.

Tại một sự kiện của Quỹ Marshall vào mùa xuân năm nay, nghị sĩ Ukraine Yehor Cherniev nói rằng nước này có thể cần bắn đến 7.000 - 9.000 quả đạn pháo mỗi ngày khi tiến hành phản công. Áp lực viện trợ đủ đạn đè nặng lên phương Tây.

Theo nhà phân tích Brobst, bom chùm là lựa chọn hấp dẫn vì chúng giúp Ukraine tiêu diệt nhiều mục tiêu hơn với số đạn ít hơn. Hơn nữa, do đã ngừng sử dụng bom chùm kể từ cuộc chiến Iraq nên Mỹ còn lượng lớn bom này trong kho có thể cung cấp ngay. Một lá thư tháng 3 do các nghị sĩ đảng Cộng hòa cấp cao gửi đến Nhà Trắng cho biết số bom chùm Mỹ hiện cất giữ lên đến 3 triệu quả.

“Bom chùm hiệu quả hơn đạn pháo đơn lẻ vì chúng gây sát thương trên diện rộng hơn. Khả năng này rất quan trọng với Ukraine khi họ đang cố chọc thủng các vị trí Nga thiết lập phòng thủ vững chắc”, nhà phân tích Brobst nhận định.

Dùng bom chùm có phạm tội ác chiến tranh không?

Sử dụng bom chùm không vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng dùng chúng với dân thường có thể phạm tội ác chiến tranh. Xác định tội ác chiến tranh phải xem liệu mục tiêu có hợp pháp hay không và liệu biện pháp phòng ngừa để tránh thương vong cho dân thường có được thực hiện hay không.

Công ước về bom chùm (CCM) được hơn 120 quốc gia ký kết. Nước tham gia đảm bảo không sản xuất, tàng trữ hay sử dụng vũ khí này. Mỹ, Nga, Ukraine đều chưa ký CCM.

Bài liên quan
Bộ Thương mại Mỹ: Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ (USITC) công bố đầu tháng 11.2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Mỹ quyết định viện trợ bom chùm cho Ukraine?