Tuyên bố của lãnh đạo Phần Lan đã thể hiện rõ ý định Helsinki sẽ không tìm cách gia nhập NATO bằng mọi giá. Họ chỉ vào khi Thụy Điển vào cùng.

Vì sao NATO dụ Phần Lan gia nhập trước nhưng Phần Lan cự tuyệt thẳng thừng?

Anh Tú | 14/06/2022, 16:37

Tuyên bố của lãnh đạo Phần Lan đã thể hiện rõ ý định Helsinki sẽ không tìm cách gia nhập NATO bằng mọi giá. Họ chỉ vào khi Thụy Điển vào cùng.

Tại cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tại Helsinki hôm 12.6, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö trả lời thẳng thừng đất nước của ông sẽ không gia nhập NATO nếu không có Thụy Điển.

Ông Niinisto đã nói với TTK NATO: "Chúng tôi (Phần Lan và Thụy Điển) song hành cùng nhau". Đây là cách để Phần Lan đáp lại việc TTK Stoltenberg gợi ý rằng Phần Lan nên gia nhập NATO trước mà không nên chờ vào cùng một lượt với Thụy Điển. Ông Stoltenberg giải thích rằng Thổ Nhĩ Kỳ có "những lo ngại chính đáng" liên quan đến Thụy Điển. Ông Stoltenberg phân bua thêm: “Không đồng minh NATO nào hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn Thổ Nhĩ Kỳ”, đề cập đến các cuộc tấn công của các nhóm chiến binh người Kurd.

Sau khi Nga tiến quân vào Ukraine hôm 24.2 thì hai nước Bắc Âu cùng có ý định bỏ thế trung lập, gia nhập NATO. Thậm chí, họ còn ngầm giao ước là vào chung một lượt cho đỡ lẻ loi.

Ngay cuối tháng 3, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson không loại trừ khả năng gia nhập NATO. Thụy Điển đang tiến hành đánh giá chính sách an ninh quốc gia để ra quyết định vào tháng 5. Tuy nhiên đài CNN dẫn lời một quan chức Thụy Điển tiết lộ nước này có thể hành động sớm hơn nếu nước láng giềng Phần Lan gia nhập sớm.

Đại sứ Phần Lan tại Mỹ Mikko Hautala cho biết Phần Lan và Thụy Điển đang tham vấn chặt chẽ nhưng mỗi quốc gia tự đưa ra quyết định.

Đến tháng 4, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã sang thăm Phần Lan để cùng Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin chốt việc gia nhập NATO.

Đến tháng 5, Phần Lan thông báo xin gia nhập NATO vào ngày 15 thì chỉ một ngày sau, Thụy Điển thông báo tương tự. Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Niinisto ngay sau đó, Thủ tướng Thụy Điển Andersson thông báo hai nước này sẽ cùng nhau nộp đơn xin gia nhập NATO trong ngày 18.5.

chung.jpg

Nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước ôngsẽ không tích cực hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh NATO, cho rằng sáng kiến này là một sai lầm.

Đồng thời mô tả các quốc gia Scandinavia giống như nhà khách của các tổ chức khủng bố". Điều đáng nói, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng tư cách là thành viên của NATO để phủ quyết các động thái từ hai nước.

Thực ra Thổ Nhĩ Kỳ không có vấn đề nhiều với Phần Lan, thậm chí thường duy trì quan hệ tốt với Helsinki. Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ lại có một số bất đồng với Thụy Điển do Stockholm ủng hộ hoạt động của đảng Công nhân người Kurd tại Syria là YPG, trong khi phản đối các hoạt động xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại nhóm khủng bố ở miền bắc Syria. Trong khi Thụy Điển vẫn cấm vận vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ - điều mà chính quyền Erdogan coi là sự sỉ nhục thì Phần Lan không có gì căng thẳng với Ankara cả.

Nếu chỉ duy nhất Phần Lan xin gia nhập NATO còn Thụy Điển khoan động thái này thì mọi việc có thể khá dễ dàng. Nhưng khi Phần Lan và Thụy Điển cùng xin gia nhập NATO thì mọi thứ sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Cho đến nay, để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ thì chỉ mới Phần Lan thực hiện tích cực. Cụ thể, tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã chủ động liên lạc với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ để trao đổi. Trên Twitter, ông Niinisto mô tả cuộc trò chuyện là "cởi mở và trực tiếp". Trong khi đó, cuộc nói chuyện với lãnh đạo Thụy Điển gần như là 2 bên tự độc thoại với nhau.

Xét thực tế, NATO mong Phần Lan gia nhập khối hơn là Thụy Điển. Trong khi Phần Lan giáp biên giới với Nga, chỉ cách St Peterbourgs khoảng 200 km thì Thụy Điển không có biên giới trên đất liền với Nga. Việc Thụy Điển gia nhập NATO chỉ mang ý nghĩa về ngoại giao hơn là quân sự. Do vậy, không ngạc nhiên khi TTK NATO đích thân đến Phần Lan với thông báo ngụ ý khó thay đổi về việc cho Thụy Điển gia nhập khối sớm.

Tuy nhiên, trước gợi ý này thì Phần Lan thẳng thừng tuyên bố sẽ không vào NATO một khi không có Thụy Điển vào cùng. Đây là tính toán khá chu toàn của Helsinki.

Thứ nhất, nếu gia nhập NATO một mình thì sẽ khó ăn nói với Thụy Điển khi đã ước hẹn nộp đơn chung một ngày.

Thứ hai, nếu một mình gia nhập NATO thì sẽ dễ trở thành mục tiêu duy nhất trong cơn tức giận của Nga.

Sau khi vấp phải thái độ cứng rắn của Phần Lan, người đứng đầu NATO vừa tới Thụy Điển.

Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Thụy Điển Andersson hôm 13.6, ông Stoltenberg cho biết: "Tôi hoan nghênh việc Thụy Điển đã bắt đầu thay đổi luật chống khủng bố. Họ cũng đảm bảo sẽ xây dựng khuôn khổ pháp lý hoạt động xuất khẩu vũ khí phù hợp với những cam kết của một thành viên NATO. Đây là hai bước quan trọng để giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra".

Tuy nhiên, sự nhượng bộ của Thụy Điển có đáp ứng được yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ hay không lại là điều khó nói trước. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ muốn Thụy Điển thay đổi luật chống khủng bố hay dỡ bỏ cấm vận vũ khí mà yêu cầu Stockholm phải trao trả những phần tử mà họ coi là khủng bố, những người thuộc đảng Công nhân người Kurd  PKK ở Thụy Điển.

Có một diễn biến mà báo chí chưa đề cập nhiều nhưng thể hiện rõ thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ với vấn đề nhạy cảm người Kurd như thế này. Cách đây 1 tuần, Tổng thống Erdogan đã kêu gọi Thủ tướng Thụy Điển Andersson nên cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hullqvist.

Lý do là ông Erdogan dựa trên bài phát biểu mà Hulqvist đã đưa ra tại một bữa tiệc cách đây... 11 năm. Năm 2011, Hultqvist khi đó là nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội đã tham dự một bữa tiệc tại Borlänge để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 33 của PKK. Vào thời điểm đó, Hultqvist nói ông tham dự sự kiện này vì muốn bảo vệ người Kurd. Chỉ vì việc Hultqvist phát ngôn cách đây 11 năm nhưng ông Erdogan vẫn găm trong lòng thì khi Thụy Điển còn dung dưỡng các tổ chức người Kurds, sẽ khó có chuyện hai nước tìm được tiếng nói chung.

Xử lý tổ chức người Kurds đã được Ankara nâng tầm là an ninh quốc gia, thứ không thể nhượng bộ. Còn với Thụy Điển, lật mặt với người Kurd là vấn đề lương tri và cả danh dự quốc gia nên họ cũng khó nhượng bộ. Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ còn đó thì Thụy Điển khó vào NATO.

Phần Lan cũng hiểu chuyện đó nên việc họ tuyên bố chờ đi chung với Thụy Điển thì cũng chẳng khác nào không hề tha thiết vào khối này bằng mọi giá.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao NATO dụ Phần Lan gia nhập trước nhưng Phần Lan cự tuyệt thẳng thừng?