Đầu tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các cố vấn quân sự của ông phản đối kế hoạch thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Ông trả lời báo giới sau khi đáp xuống căn cứ Andrews tại bang Maryland ngày 20.7: “Quân đội nghĩ rằng vào lúc này đây không phải ý hay”.
Một ngày sau Chủ tịch Pelosi trả lời rằng: “Tôi nghĩ ý của ngài Tổng thống có thể là quân đội lo máy bay chở chúng tôi bị Trung Quốc bắn hạ”.
Cựu tướng ba sao người Nhật Koichi Isobe lại không nghĩ vậy. Ông nhận định không có khả năng Trung Quốc dám bắn hạ máy bay chở một nhân vật quan trọng không kém Tổng thống Mỹ.
Tướng Isobe còn cho biết: “Quân đội Trung Quốc sẽ theo dõi chặt nơi mà máy bay Mỹ chở Chủ tịch Pelosi cất cánh. Trước đây các chuyến bay chở chính trị gia Mỹ đến Đài Loan thường khởi hành từ Hàn Quốc”.
Theo tướng Isobe cùng một số nhà phân tích, nếu đụng độ Mỹ - Trung xảy ra ở eo biển Đài Loan thì lực lượng Mỹ đồn trú Hàn Quốc có thể được điều động hỗ trợ. Vì vậy các chuyến bay từ Hàn Quốc đến Đài Loan được xem như động thái luyện tập.
Trước đó, trang The Financial Times đưa tin Chủ tịch Pelosi dự định dẫn một phái đoàn lần lượt thăm Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Indonesia và Malaysia. Nhóm cũng sẽ đến thăm Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii.
Tướng Isobe lưu ý chính quyền Tổng thống Biden vốn giữ kín các chuyến thăm cấp cao nhạy cảm. Kế hoạch công du của Chủ tịch Pelosi được tiết lộ trước không phù hợp với tác phong lâu nay của chính quyền nên Nhà Trắng không hoan nghênh.
Cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby nhận định tình hình Đài Loan đang ngày càng trở nên nguy hiểm nên Washington cần thận trọng với bất cứ thông điệp nào mà nước này gửi đi. Theo ông Colby, các chuyến thăm chỉ mang tính biểu tượng là không cần thiết. Thay vào đó Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan cần tăng cường năng lực phòng vệ để bảo vệ hòn đảo tự trị.
Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng có khả năng diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm: Chủ tịch Tập Cận Bình cùng nhiều quan chức đương nhiệm lẫn về hưu sẽ nghỉ dưỡng và họp kín thảo luận loạt quyết sách quan trọng hàng đầu cũng như bàn về công tác nhân sự tại quận Bắc Đới Hà (thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc).
Một lý do Trung Quốc thời gian qua muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ trực tuyến là để cho nhóm nhân vật lão thành thấy rằng Chủ tịch Tập đang kiểm soát mối quan hệ với Washington một cách thỏa đáng. Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ phá hỏng kế hoạch được lên kịch bản cẩn thận này, buộc nhà lãnh đạo Trung Quốc phải triển khai biện pháp đáp trả làm leo thang căng thẳng.
Học giả Ryan Hass thuộc Viện nghiên cứu Brookings đề xuất Chủ tịch Pelosi nên cân nhắc thời gian sang thăm Đài Loan. Nếu chuyến thăm diễn ra vào tháng 8 gần dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Trung Quốc (1.8) thì bà có thể khiến Bắc Kinh tung ra đòn trả đũa mạnh làm Đài Loan “lãnh đủ”.
Theo học giả Hass: “Chủ tịch Pelosi có thể tỏ ý ủng hộ Đài Loan vào tháng 8 và hứa sang thăm trong tương lai. Bất kể bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ xảy ra chuyện gì thì bà cũng giữ vị trí Chủ tịch Hạ viện đến tháng 1.2023, như vậy bà có thể sang thăm vào cuối năm – thời điểm ít tạo ra căng thẳng hơn”.
Nhà phân tích Derek Grossman thuộc tổ chức nghiên cứu RAND Corp cũng nhận xét chuyến thăm đặt tất cả các bên vào thế khó: Trung Quốc phải chọn giữa đáp trả hay bị mất mặt, trong khi Đài Loan bị xem là không tôn trọng Mỹ nếu từ chối chuyến thăm nhưng có nguy cơ bị trả đũa nếu tiếp đón Chủ tịch Pelosi. Mỹ sẽ bị đánh giá làm leo thang căng thẳng nếu cho phép chuyến thăm diễn ra nhưng nếu không cho phép thì bị xem là nhượng bộ Trung Quốc.