Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nêu nền kinh tế Myanmar tiếp tục suy yếu do nội chiến, lạm phát, làm tăng thêm những rắc rối mà người nghèo và doanh nghiệp phải đối mặt.

Kinh tế Myanmar suy yếu, lạm phát làm khổ người nghèo

Bảo Vĩnh | 22/07/2022, 17:05

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nêu nền kinh tế Myanmar tiếp tục suy yếu do nội chiến, lạm phát, làm tăng thêm những rắc rối mà người nghèo và doanh nghiệp phải đối mặt.

myanmar.jpeg
Tài xế trả tiền mua xăng ở Myanmar - Ảnh: AP

Dù các điều kiện đã được cải thiện từ năm ngoái, ngay sau khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, nhưng Myanmar “vẫn còn một con đường dài trước khi phục hồi vì kinh tế nước này vẫn còn mong manh”, theo lời nhà kinh tế học cao cấp Kim Alan Edwards của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo AP, Myanmar là một trong nhiều quốc gia ở châu Á, gồm cả Sri Lanka và Lào, có nền kinh tế bị lâm nguy bởi tình trạng vật giá leo thang và đồng tiền yếu. Cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2.2021 cùng dịch COVID-19 đã đảo ngược một thập niên cải cách và tăng trưởng kinh tế mạnh, đẩy 40% dân số Myanmar vào cảnh sống nghèo khó.

Báo cáo cập nhật của WB viết: “Tình trạng bất bình đẳng được đánh giá là càng nghiêm trọng, với những người vốn đã nghèo lại bị đẩy vào cảnh cùng cực hơn.

Có nhiều ý kiến khác nhau về tình trạng kinh tế của Myanmar, phần nào do không thể tiếp cận thông tin cập nhật từ sau khi quân đội nắm quyền lực ở nước này.

WB dự báo rằng nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng với tốc độ 3% hằng năm trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9 tới, sau khi giảm 18% trong năm trước.

Nhưng vài nhà kinh tế học ở lĩnh vực tư nhân không tỏ ra lạc quan như WB. Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions nêu sức tăng trưởng trong năm tài chính hiện tại ở mức âm 5,5%, sẽ phục hồi lên 2,5% trong năm tới. Công ty không mong đợi nền kinh tế Myanmar sẽ phục hồi trở về mức trước đại dịch COVID -19 trong ít nhất 6 năm nữa.

Myanmar từng sống dưới chế độ quân đội nắm quyền gần 70 năm qua. Cuộc đảo chính năm ngoái của quân đội đã làm gián đoạn quá trình chuyển đổi dần dần sang chính phủ dân sự dân chủ và một nền kinh tế mở, hiện đại hơn, đồng thời dẫn đến một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại quân đội Myanmar vốn kiểm soát nhiều ngành công nghiệp.

Đầu tư nước ngoài của Myanmar đã bị sụp đổ khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi nước này, trong đó có nhiều công ty năng lượng lớn như Total SA của Pháp và Telenor của Na Uy.

Nhà kinh tế học Edwards nói khâu sản xuất đã phục hồi, sau thời gian nhiều xí nghiệp phải đóng cửa do dịch COVID-19, cũng như vì các cuộc biểu tình lớn phản đối việc quân đội chiếm quyền lực. Nhưng người lao động nói chung chỉ được nhận lương thấp, ít việc làm.

Ông Edwards còn nói các ngân hàng có khả năng tiếp cận tiền mặt tốt hơn so với những tháng đầu tiên sau khi quân đội nắm quyền kiểm soát, nhưng tín dụng lại khan hiếm.

Không thể rõ tình trạng chính xác của nguồn ngoại hối dự trữ của Myanmar. Dữ liệu chính thức được ghi nhận lần cuối cùng là vào cuối năm 2020, khi nguồn này được ước tính khoảng từ 6 đến 7 tỉ USD. Khoảng 1 tỉ USD đã bị niêm phong theo lệnh cấm vận của Mỹ.

Nhà kinh tế học Edwards nói vì thiếu nguồn doanh thu từ du lịch, thu nhập từ xuất khẩu yếu hơn, chi phí nhập khẩu dầu khí và nguyên vật liệu cần thiết cho sản xuất tăng cao nên “rất có thể tình hình dự trữ đã xấu đi khá nghiêm trọng. Không có nhiều sự minh bạch”. Dù vậy, ông không tin nguồn ngoại hối dự trữ của Myanmar đã cạn kiệt giống như ở Sri Lanka, nơi mà kinh tế sụp đổ dẫn đến nổi loạn chính trị và không có ngoại tệ để có thể thanh toán cho những hàng hóa thiết yếu như lương thực, nhiên liệu và thuốc men.

Trong nỗ lực bảo vệ nguồn ngoại tệ quý giá, nhất là đồng USD, ngân hàng trung ương Myanmar đã phát nhiều lệnh yêu cầu các doanh nghiệp gửi ngoại tệ vào ngân hàng và chuyển đổi chúng sang đồng nội tệ kyats.

Trong khi đó, những người nghèo nhất ở Myanmar đang phải chịu những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng, đặc biệt là những người sống ở các vùng nông thôn, nơi các lực lượng kháng chiến đang chiến đấu với quân đội.

Báo cáo của WB cho biết 20% tổng số doanh nghiệp được khảo sát và 40% doanh nghiệp nông nghiệp cho biết nội chiến là thách thức lớn nhất của họ, làm gián đoạn hoạt động canh tác và vận chuyển sản phẩm đến thị trường. Giá nhiên liệu tăng 70% và chi phí phân bón và vận tải cao hơn cũng đang gây ra thiệt hại. Nhà kinh tế học Edwards nói: “Về nông nghiệp, điểm mấu chốt là chúng tôi không nghĩ điều tồi tệ nhất đã qua”.

Bài liên quan
Nhật cho phép xả nước nhiễm phóng xạ ra biển
Giới chức quản lý hạt nhân Nhật Bản đã thông qua kế hoạch xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ra biển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Myanmar suy yếu, lạm phát làm khổ người nghèo