Do dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh, tác động của đại dịch COVID-19 và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam giảm số lượng, tăng về chất lượng làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.

Vì sao số dự án đầu tư nước ngoài cấp mới giảm?

Lam Thanh | 26/09/2021, 06:30

Do dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh, tác động của đại dịch COVID-19 và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam giảm số lượng, tăng về chất lượng làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.

Tính đến 20.9.2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 13,28 tỉ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính lũy kế đến ngày 20.8.2021, cả nước có 34.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 245,14 tỉ USD, bằng 60,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp những tháng gần đây dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 13,28 tỉ USD trong 9 tháng năm 2021, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,5 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2021.

Tính chung trong 9 tháng năm 2021, khu vực ĐTNN xuất siêu gần 18,2 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 17,1 tỉ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 21,8 tỉ USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỉ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nếu xét về số lượng dự án mới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu, chiếm lần lượt 33,2%, 28,2% và 14,9% tổng số dự án.

fd.jpg
Dự án đầu tư nước ngoài cấp mới giảm

Đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỉ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 7,2% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản, đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỉ USD, chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư, tăng 23,4% so với cùng kỳ.

Xét về số dự án, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả về số dự án mới (33,3%), số lượt dự án điều chỉnh (17,4%) và GVMCP (59,5%).

Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút ĐTNN trong 9 tháng, song xếp thứ 2 về số dự án mới (21,1%), số lượt dự án điều chỉnh (14%).

Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tiếp tục có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ (tương ứng 37,8% và 15%).

Việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 9 tháng năm 2021.

Xuất nhập khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng trong 9 tháng đầu năm. Khu vực ĐTNN xuất siêu gần 18,2 tỉ USD kể cả dầu thô. Tuy nhiên, mức xuất siêu của khu vực ĐTNN không đủ bù đắp phần nhập siêu 21,8 tỉ của khu vực trong nước. Vì vậy cả nước nhập siêu 3,6 tỉ USD trong 9 tháng.

Mức độ nhập siêu của cả nước đã giảm chút ít so với 8 tháng, song vẫn tăng hơn so với 7 tháng và 6 tháng năm 2021, là dấu hiệu tiếp tục cảnh báo tác động tiêu cực và sức chống chịu của khu vực trong nước trước đại dịch.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng lý giải rõ một số nguyên nhân làm giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và mua phần vốn góp. Nguyên nhân khách quan do dòng vốn ĐTNN toàn cầu suy giảm mạnh, làm ảnh hưởng đến dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam.

Ngoài ra, sự cạnh tranh trong thu hút ĐTNN giữa các quốc gia ngày càng gia tăng và hoạt động M&A toàn cầu giảm sút cũng là nguyên nhân cho tình trạng này.

Nguyên nhân chủ quan là chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam (giảm số lượng, tăng về chất lượng) làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.

Việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các KCN làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Một nguyên nhân khác là do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác.

Bài liên quan
Đầu tư nước ngoài sẽ kích thích thị trường bất động sản công nghiệp
PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Xu thế bùng nổ của bất động sản công nghiệp và đô thị hóa trong thời gian tới sẽ thu hút dòng vốn FDI

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao số dự án đầu tư nước ngoài cấp mới giảm?