Một số loại thuốc vừa được Sở Y tế TP.HCM đề xuất Bộ Y tế bổ sung vào danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế, đại diện của Sở đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Vì sao Sở Y tế TP.HCM đề xuất mở rộng danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế?

Hồ Quang | 06/04/2023, 17:35

Một số loại thuốc vừa được Sở Y tế TP.HCM đề xuất Bộ Y tế bổ sung vào danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế, đại diện của Sở đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Liên quan đến việc đề xuất mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) tại trạm y tế, chiều 6.4, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngày 1.3.2023 vừa qua, Thông tư 20 của Bộ Y tế về danh mục điều kiện, tỷ lệ thanh toán đối với các thuốc, hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và các chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực.

vi-sao-so-y-te-de-xuat-mo-rong-danh-muc-thuoc-bhyt-tai-tramy-te-hinh-anh(1).png
Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM chia sẻ với báo chí vào chiều 6.4 - Ảnh: PV

Trong Thông tư 20 này có bổ sung 29 mặt hàng thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT tại trạm y tế gồm: nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp, chống huyết khối, điều trị đái tháo đường, hormon tuyến giáp, cận giáp. “Đây là tiền đề vững chắc để đảm bảo quyền lợi về thuốc cho người bệnh BHYT tham gia khám, chữa bệnh BHYT khi điều trị bệnh mạn tính tại trạm y tế”, bà Như nói.

Theo bà Như, dự kiến Sở Y tế sẽ có công văn lấy ý kiến của các đơn vị liên quan và đề xuất bổ sung danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT tại y tế cơ sở làm căn cứ để trình Bộ Y tế bổ sung một số thuốc như: thuốc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng; bệnh phổi mạn tính; một số bệnh lý phổ biến khác tại trạm y tế… “Đề xuất này sẽ tạo hành lang pháp lý, tăng quyền lợi cho người khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế, đúng với định hướng xây dựng phát triển y tế cơ sở”, bà Như nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện tuyến TP không được khám tại phòng khám vệ tinh, bà Như cho biết, theo Điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung quy định các trường hợp tự đi khám bệnh không đúng tuyến thì được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú bệnh viện tuyến Trung ương, 100% chi phí điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh (từ ngày 1.1.2021) và 100% chi phí khám chữa bệnh theo mức hưởng (từ ngày 1.1.2016).

“Như vậy, các trường hợp có thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại các Bệnh viện TP.Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Quân dân Y Miền Đông, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đều được khám ngoại trú và hưởng BHYT đầy đủ tại 5 phòng khám vệ tinh ở TP.Thủ Đức”, bà Như cho biết.

Bài liên quan
Sở Y tế TP.HCM thông tin về trường hợp người phụ nữ 64 tuổi làm đẹp bị tử vong
Người phụ nữ 64 tuổi sau khi phẫu thuật hút mỡ bụng, cấy mỡ vùng mông, thay túi độn ngực… tại Bệnh viện đa khoa Tân Hưng có dấu hiệu mệt, khó thở, huyết áp tụt. Sau đó bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch và tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Năm nay sẽ có 5 - 7 cơn bão đổ vào đất liền
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan của thời tiết nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Sở Y tế TP.HCM đề xuất mở rộng danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế?