Theo công ty tư vấn Pareto Economics, các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc có thể lựa chọn thành lập cơ sở tại Mỹ, chịu ảnh hưởng bởi thuế quan hoặc tìm thị trường mới ở nơi khác.
Thế giới số

Việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ khiến các hãng ô tô điện Trung Quốc đối mặt thêm nhiều khó khăn

Sơn Vân 12/11/2024 09:05

Theo công ty tư vấn Pareto Economics, các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc có thể lựa chọn thành lập cơ sở tại Mỹ, chịu ảnh hưởng bởi thuế quan hoặc tìm thị trường mới ở nơi khác.

Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể làm phức tạp thêm triển vọng của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập thị trường Mỹ sau khi bị chính quyền Joe Biden áp thuế mới.

Tổng thống đắc cử đã hứa sẽ tăng thuế với hàng nhập khẩu từ các “quốc gia đã lợi dụng chúng ta trong nhiều năm” để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô Mỹ.

Ông Trump cũng cam kết sẽ hủy bỏ các chính sách thúc đẩy ô tô điện của Biden ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, tuyên bố rằng xe điện “không hiệu quả”.

"Có một vấn đề mà hầu hết đảng viên Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý là Mỹ không nên để Trung Quốc thống trị ô tô điện hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác. Đó là điều mà có sự đồng thuận rộng rãi của lưỡng đảng và tôi nghĩ bạn sẽ thấy điều đó được phản ánh trong các chính sách thậm chí còn quyết liệt hơn sau khi ông Trump nhậm chức", theo Robert McNally - người sáng lập kiêm Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group tại Washington (Mỹ).

Robert McNally là trợ lý đặc biệt cho Tổng thống Mỹ tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông George W. Bush tại Nhà Trắng.

Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ​​những chính sách của Biden khi ông tăng thuế suất từ ​​25% lên 100% vào tháng 8. Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc đã làm tràn ngập thị trường ô tô của mình bằng xe điện giá rẻ được nhà nước trợ cấp, một phần trong động thái nhằm đánh vào 18 tỉ USD hàng xuất khẩu Trung Quốc, gồm cả chip bán dẫn.

Ông Trump cam kết chấm dứt tài trợ từ luật khí hậu đặc trưng của đảng Dân chủ, gồm các khoản tín dụng thuế và hoàn thuế để cắt giảm chi phí mua ô tô điện của người tiêu dùng Mỹ. Thay vào đó, tổng thống sắp nhậm chức tuyên bố sẽ tăng nguồn cung năng lượng trong nước để đưa giá xăng xuống dưới 2 USD/gallon, khiến ô tô điện trở nên kém hấp dẫn hơn với người Mỹ.

Elon Musk, người ủng hộ ông Trump nhiệt thành và là Giám đốc điều hành Tesla, có thể giúp giảm bớt lo ngại về sự phản ứng tiêu cực tiềm tàng. Thị trường đã phản ứng tích cực với mối quan hệ giữa ông Trump và Elon Musk bằng cách đẩy giá cổ phiếu Tesla tăng đến 22% hôm 7.11 sau khi chính trị gia đảng Cộng hòa thắng cử.

“Có thể Musk sẽ là một yếu tố tích cực làm dịu Trump”, Gaurav Sharma, nhà phân tích thị trường năng lượng độc lập tại London (thủ đô Anh), cho biết.

Giá cổ phiếu các hãng ô tô Trung Quốc như BYD, Li Auto và Nio giảm từ 0,4 đến 4,1% hôm 11.11, sau khi giảm từ 1,4 đến 3,5% ngày 8.11 do Trung Quốc không đưa ra bất kỳ biện pháp kích thích tài chính bổ sung nào để hỗ trợ thị trường bất động sản và chứng khoán.

Theo, Klisman Murati, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn Pareto Economics có trụ sở tại London (Anh), nói các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc có ít nhất ba lựa chọn: "Hoặc là chuyển hoạt động sang Mỹ để tránh phải trả thuế này; chịu tác động từ thuế này; hoặc tìm thị trường mới cho hoạt động sản xuất của mình. Có một lựa chọn thứ tư, đó là vận động hành lang để các sản phẩm của bạn được miễn thuế này, nhưng không phải ai cũng chấp nhận điều đó".

Một số nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu Trung Quốc đang thiết lập các cơ sở sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU), Mexico và tìm kiếm cơ hội ở các khu vực như châu Phi và Đông Nam Á. Tháng trước, EU đã tăng thuế với ô tô điện được sản xuất tại Trung Quốc lên tới 45,3% sau cuộc điều tra chống trợ cấp kéo dài một năm.

He Xiaopeng, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Xpeng, cho biết hãng ô tô điện cao cấp Trung Quốc này có kế hoạch thành lập thêm các cơ sở sản xuất tại các quốc gia mà họ bán xe để "đóng góp vào nền kinh tế địa phương".

Một số nhà phân tích cho biết các chính sách mới từ ông Trump có thể cản trở sự tăng trưởng của thị trường ô tô điện tại Mỹ. Dưới thời ông Trump, ô tô điện sẽ chiếm 28% thị phần vào năm 2030 thay vì 33%, công ty GlobalData đã sửa đổi dự báo của mình vào tuần trước.

GlobalData là công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu có trụ sở tại London, chuyên cung cấp các báo cáo thị trường, dự báo và dữ liệu về nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu. Công ty này hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức trong việc đưa ra các quyết định chiến lược bằng cách cung cấp các thông tin chi tiết về thị trường, phân tích ngành, xu hướng phát triển và dự báo tương lai. Các lĩnh vực mà GlobalData tập trung gồm chăm sóc sức khỏe, năng lượng, công nghệ, tài chính, bán lẻ và nhiều ngành công nghiệp khác.

Tuy nhiên, Mỹ không phải là thị trường lớn cho xuất khẩu ô tô điện Trung Quốc, Gao Deng, nhà phân tích tại Guolian Securities, cho biết trong một báo cáo hôm 9.11.

Guolian Securities là công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại Trung Quốc, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính như môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư, quản lý tài sản và các dịch vụ ngân hàng đầu tư. Guolian Securities có vai trò quan trọng về cung cấp các phân tích tài chính, nghiên cứu thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình huy động vốn hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Guolian Securities hoạt động chủ yếu tại thị trường Trung Quốc nhưng cũng có tầm ảnh hưởng và cung cấp dữ liệu cho các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến các thị trường châu Á.

Trung Quốc đã vận chuyển khoảng 10.000 ô tô điện chở khách đến Mỹ vào năm 2023, ít hơn 1% tổng lượng xe điện xuất khẩu của nước này, theo dữ liệu hải quan. Trong 7 tháng đầu năm 2024, lượng ô tô điện xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và Canada đã giảm 10% xuống còn 28.000 chiếc, chỉ chiếm 2,4% tổng lượng xe điện xuất khẩu, theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe Chở Khách Trung Quốc.

Dù triển vọng còn nhiều u ám, nhưng thuế quan khó có thể ngăn cản các công ty Trung Quốc bán ra nhiều ô tô điện cạnh tranh hơn, Zhang Xiang - Tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật Xe Thông Minh Quốc tế tuyên bố.

"Ngoài ra, cách tiếp cận thực dụng của ông Trump nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước cũng có thể mang lại cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, vì họ có thể đàm phán để mở nhà máy tại Mỹ và tạo ra việc làm”, Xu Haidong, Phó kỹ sư trưởng của Hiệp hội Các Nhà Sản Xuất Ô Tô Trung Quốc, nói với truyền thông.

“Bất kể thế nào, có một điều chắc chắn là tình hình sắp tới sẽ rất khó khăn và đầy thách thức cho các hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc trong bối cảnh các chính sách mới của Mỹ”, Robert McNally nhận định.

Bài liên quan
Ngành chip Trung Quốc có kế hoạch ứng phó với Mỹ dưới thời ông Trump thế nào?
Ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đang chuẩn bị cho 4 năm đấu tranh căng thẳng với Mỹ dưới thời ông Donald Trump khi cố mua thiết bị sản xuất chip từ nước ngoài, tìm cơ hội để tuyển dụng nhân tài ngoại quốc và hình thành các liên minh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại đô thị lớn của Việt Nam
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TP.HCM có chiều hướng gia tăng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ khiến các hãng ô tô điện Trung Quốc đối mặt thêm nhiều khó khăn