Vụ 4 người Việt bị Facebook kiện cho thấy trong môi trường mạng hay sự cách biệt về mặt biên giới không phải là nơi trú ẩn an toàn, loại trừ rủi ro pháp lý cho hành vi vi phạm pháp luật.
4 người Việt bị Facebook kiện
Ngày 29.6.2021, Facebook đã nộp Đơn khởi kiện lên Tòa án Phía Bắc bang California (U.S. District Court for the Northern District of California) đối với 4 cá nhân người Việt Nam (đang cư trú tại Việt Nam).
Theo tố cáo từ Facebook, tháng 10.2020, nhóm người trên đã đưa lên kho ứng dụng trực tuyến chính thức Google Play của hệ điều hành Android phần mềm có tên Ads Manager (quản lý chiến dịch quảng cáo).
Cuối tháng 12.2020, nhóm người bắt đầu tiến hành đổi tên ứng dụng của mình thành "Ads Manager for Facebook" song song với chạy quảng cáo trên chính nền tảng của mạng xã hội này. Đối tượng chiến dịch quảng cáo nhắm đến người dùng ở Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Brazil.
Theo tài liệu từ Facebook, chỉ sau 4 ngày chạy chiến dịch, khoảng 1.700 người dùng đã bấm vào quảng cáo. Những người dùng ứng dụng nêu trên chủ yếu là nhân viên các đại lý quảng cáo hoặc những người hay thực hiện chạy các chiến dịch quảng cáo trên Facebook cho những chương trình riêng của mình (quảng cáo bán hàng, livestream, sản phẩm...).
Khi sử dụng ứng dụng "Ads Manager for Facebook", họ phải dùng tài khoản chạy quảng cáo (thường gắn liền với tài khoản Facebook) của mình để đăng nhập. Khi đó, các thông tin đăng nhập (gồm tên tài khoản, mật khẩu, xác thực) của nạn nhân sẽ được gửi về tài khoản quản lý ứng dụng của các đối tượng trên.
Khi có được thông tin cần thiết, họ sẽ đăng nhập và sử dụng các tài khoản của nạn nhân để chạy các chương trình quảng cáo của mình trên Facebook. Thông thường, các tài khoản chạy quảng cáo đều được tích hợp sẵn thông tin của các thẻ thanh toán quốc tế (Visa, Mastercard...) của chủ tài khoản với chức năng thanh toán tự động trong quá trình chạy quảng cáo.
Facebook khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên xử các bị đơn đã vi phạm pháp luật Mỹ, vi phạm Điều khoản và điều kiện sử dụng Facebook; yêu cầu Tòa án buộc các bị đơn bồi thường thiệt hại do hành vi chạy quảng cáo trái phép gây ra, tối thiểu là 36 triệu USD.
Đồng thời, yêu cầu bồi thường các chi phí hợp lý cho vụ kiện, kể cả phí luật sư; yêu cầu Tòa án ban hành lệnh cấm vĩnh viễn đối với các bị đơn trong việc truy cập, cố gắng truy cập hệ thống máy tính và các nền tảng của Facebook và một số yêu cầu khác.
Không bắt buộc phải khởi kiện tòa án ở Việt Nam
Về thẩm quyền xét xử, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 của Việt Nam, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt đối với những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài (tức là tòa án nước ngoài không được xét xử) nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam; vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam; vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.
Như vậy, đối với vụ kiện của Facebook như nêu trên thì không thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam nên không bắt buộc phải khởi kiện tại tòa án Việt Nam.
Tuy vậy, theo ông Vũ, nếu Facebook (nguyên đơn) lựa chọn khởi kiện tại Tòa án Việt Nam thì tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền xét xử theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam vì các bị đơn là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, thực tế Facebook đã lựa chọn khởi kiện tại Tòa án bang California. Về thẩm quyền của Tòa án bang California, chính Tòa án này sẽ xem xét thẩm quyền của mình khi thụ lý, xét xử vụ kiện.
Ngoài ra, theo ông Vũ, Facebook cũng chỉ ra rằng khi các bị đơn sử dụng Facebook thì đã chấp nhận các điều khoản và điều kiện sử dụng Facebook (Facebook’s Terms of Service and Commercial Terms), trong đó có điều khoản tranh chấp sẽ được giải quyết tại Tòa án bang California (the U.S. District Court for the Northern District of California).
Như vậy, cũng có thể nói rằng giữa nguyên đơn và bị đơn đã có thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là tòa án tại Mỹ nên tòa án này sẽ có thẩm quyền giải quyết. Thực tế, tòa án đã tiếp nhận vụ kiện, đã phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.
Trong trường hợp tòa án có thẩm quyền có thẩm quyền tại Mỹ xét xử vụ án trên và đã ban hành bản án có hiệu lực thì bản án đó không đương nhiên có hiệu lực và thi hành tại Việt Nam.
Nếu các bị đơn bị tuyên xử thua kiện mà không tự nguyện thi hành bản án thì để thi hành bản án đó tại Việt Nam, nguyên đơn (Facebook) phải thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành Bản án của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Theo ông Kiều Anh Vũ, với thông tin hiện tại, Facebook chỉ mới khởi kiện đối với các bị đơn tại Tòa án bang California theo thủ tục, trình tự của một vụ kiện dân sự (civil). Tuy vậy, với các cáo buộc của Facebook, Facebook cũng cho rằng các bị đơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự California.
Đối với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, các bị đơn đang cư trú tại Việt Nam nên với những thông tin đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì đó có thể xem là tin báo về tội phạm.
Các cơ quan chức năng có thể vào cuộc xem xét, làm rõ và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi phạm tội. Trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể không cần phải có đơn tố giác của Facebook hay các nạn nhân mà các cơ quan chức năng có thể chủ động vào cuộc.
Về dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong vụ việc trên, có thể có dấu hiệu của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
“Vụ kiện cho thấy trong môi trường mạng hay sự cách biệt về mặt biên giới, lãnh thổ không phải là nơi trú ẩn an toàn, loại trừ rủi ro pháp lý cho hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, phải luôn giữ ý thức tuân thủ pháp luật, dù là trên không gian mạng hay bất kỳ đâu”, ông Vũ nói.
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05, Bộ Công an), nguyên tắc xử lý vụ án hình sự là người phạm tội hoặc khách thể bị xâm hại phải có quốc tịch Việt Nam và đang ở Việt Nam; hậu quả xảy ra tại Việt Nam, hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam...
Trong vụ 4 người Việt Nam bị Facebook cáo buộc, thiệt hại xảy ra ở Mỹ, đối tượng thực hiện hành vi ở Việt Nam và hiện đang ở Việt Nam, thì Việt Nam vẫn có thể xử lý hình sự nếu hành vi đó cấu thành tội phạm theo luật Việt Nam. Việc xử lý sẽ theo yêu cầu của Facebook hoặc của tòa án, cảnh sát Mỹ thông qua Interpol Việt Nam.
Trong trường hợp cơ quan công an ở Việt Nam phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm và quyết định điều tra, thì vẫn xử lý hình sự nhóm đối tượng này bình thường theo luật Hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, hậu quả xảy ra ở Mỹ thì việc điều tra sẽ gặp khó khăn nên cần đến sự hỗ trợ của Mỹ thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước sở tại.