Chiều 13.4, TAND TP.Hà Nội tiếp tục tiến hành xét xử vụ án Gang thép Thái Nguyên.
Có văn bản giới thiệu từ Bộ Công Thương
Dự án mở rộng giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được triển khai năm 2007 và do Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) chỉ đạo, kiểm soát; đơn vị trúng thầu là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).
Đại diện TISCO là ông Trần Trọng Mừng - Tổng giám đốc đã ký hợp đồng số 01 EPC với đại diện của MCC. Giá trị hợp đồng hơn 160 triệu USD, là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng được ấn định là 30 tháng.
Nội dung hợp đồng EPC thể hiện, MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao công nghệ, sửa chữa lỗi (nếu có)... trong vòng 30 tháng. Tuy nhiên, MCC sau đó không thi công và đòi tăng giá. Các bị cáo tại TISCO và VNS chấp thuận yêu cầu này đồng thời giới thiệu Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C…
Liên quan đến năng lực của nhà thầu phụ VIANINCON, trả lời những câu hỏi của luật sư Trương Anh Tú, bị cáo Trần Văn Khâm (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TISCO, người kế nhiệm bị cáo Trần Trọng Mừng) cho biết qua báo cáo của Trưởng ban thực hiện dự án, qua xem xét tình hình thực tế, các chuyên gia của TISCO thấy rằng nhà thầu phụ có đủ năng lực để triển khai phần C của hợp đồng.
Ngoài ra, bị cáo Khâm cũng cho biết căn cứ vào việc thi công giai đoạn 1, qua thực tế, phía TISCO thấy rằng VINAINCON là đơn vị xây dựng thuộc Bộ Công Thương, là doanh nghiệp có khả năng trong lĩnh vực xây dựng.
Về phần mình, bị cáo Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS) một lần nữa nhắc lại việc lựa chọn VINAINCON là căn cứ vào văn bản từ TISCO gửi lên, có văn bản của Bộ Công Thương giới thiệu; VNS chỉ giới thiệu theo các văn bản trên.
“Tính thiệt hại chưa hợp lý”
Liên quan đến việc xác định thiệt hại là hơn 830 tỉ đồng, theo bị cáo Trần Văn Khâm, dù dự án đang bị dừng nhưng hiệu lực hợp đồng vẫn chưa dừng.
Tiếp tục trả lời những câu hỏi của luật sư Trương Anh Tú, bị cáo Đỗ Xuân Hòa (nguyên Kế toán trưởng TISCO) cho biết cho đến thời điểm năm 2014, TISCO chưa phải thanh toán lãi trả chậm.
Thiệt hại trong vụ án được cơ quan điều tra xác định là hơn 830 tỉ đồng, bị cáo Hòa thấy rằng đây là khoản lãi tính theo lãi thông thường, không phải lãi trả chậm. Riêng với số tiền này, nguyên Kế toán trưởng TISCO đề nghị HĐXX xem xét lại bởi số tiền được vay đều thực hiện cho dự án, thiệt hại tính như vậy là chưa hợp lý.
Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra vụ án và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch của Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp thì hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là số tiền lãi suất thực tế mà TISCO đã phải trả cho các ngân hàng kể từ khi dự án chậm tiến độ (từ ngày 31.5.2011) đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 830 tỉ đồng.
Về phía TISCO, người đại diện của TISCO có mặt tại phiên tòa cho biết hiện TISCO và MCC vẫn đang đàm phán để thực hiện các phần còn lại mà MCC chưa thực hiện. Về khoản thiệt hại 830 tỉ đồng, đại diện TISCO cũng đề nghị xem xét lại bởi số tiền lãi thực tế phải căn cứ vào hợp đồng tín dụng và thời gian đáo hạn vẫn còn; nghĩa là phía công ty vẫn đang vay thông thường và phải trả lãi.