Theo cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được phân công phụ trách công nghiệp nhẹ, trong đó có Sabeco nên trách nhiệm thuộc về bà Thoa.
Bộ trưởng khẳng định Sabeco do thứ trưởng Thoa quản lý
Trình bày tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 22.4 tại TAND TP.Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói rằng bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu thứ trưởng Bộ Công Thương) được phân công phụ trách một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp nhẹ, gồm công nghiệp chế biến, giấy, gỗ, diêm, thực phẩm… Trong công nghiệp nhẹ có Sabeco.
Trong khi đó, theo lời khai của cựu bộ trưởng thì lĩnh vực mà ông phụ trách không bao gồm hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nhẹ, trong đó có Sabeco. “Đây là lĩnh vực của các thứ trưởng được phân công, cho nên tôi chỉ nắm được thông tin khi các cấp liên quan báo cáo, xin ý kiến”, bị cáo Vũ Huy Hoàng nói.
Đối với văn bản do cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ký, trong đó có nội dung đồng ý về việc lựa chọn nhà đầu tư và phương án hợp tác như đề xuất của Bộ phận quản lý vốn nhà nước, bị cáo Hoàng khai rằng ông không tham gia nội dung, không chỉ đạo việc ban hành công văn này. Nói thêm về việc không nắm hết được các văn bản cấp dưới ký, cựu bộ trưởng cho biết, khoảng thời gian từ năm 2010 - 2015, ông chỉ tập trung vào việc đàm phán hiệp định thương mại tự do.
Chỉ xử lý công việc đúng thẩm quyền
Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sabeco, bị cáo Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (đang bị truy nã quốc tế) và bị cáo Phan Chí Dũng đã có ý kiến chỉ đạo đối với các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công Thương và Sabeco trong quá trình Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện dự án “Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê” trên khu đất ấy.
Sau khi Sabeco Pearl được UBND TP.HCM công nhận chủ đầu tư, cho thuê đất và chấp nhận bổ sung các chức năng officetel và căn hộ ở cho dự án, Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn góp) của Sabeco trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh.
Từ đó diễn ra việc hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng trị giá hơn 3.816 tỉ đồng là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Trả lời về 2 văn bản của nhóm nhà đầu tư Sabeco Pearl đề nghị cho Sabeco thoái vốn cũng như cho họ mua lại cổ phần của Sabeco, cựu bộ trưởng cho biết “các nhà đầu tư, trong đó các nhà đầu tư trong Sabeco Pearl, chắc chắn biết nên mới có văn bản gửi tôi đề nghị cho Sabeco thoái vốn. Cá nhân tôi về nguyên tắc không xử lý công việc mà không đúng chức năng thẩm quyền”.
Cụ thể, bị cáo Vũ Huy Hoàng giải thích rằng đã không trả lời 2 văn bản trên vì không đúng thẩm quyền nhưng đã chuyển Vụ Công nghiệp nhẹ để tham mưu, đề xuất xem xét, báo cáo lãnh đạo bộ.
Về cuộc họp ngày 29.3.2016, theo lời khai của bị cáo Hoàng, trong cuộc họp này ông thấy không có thông tin TP.HCM đã chấp thuận bổ sung chức năng căn hộ ở đối với dự án tại 2-4-6 Hai Bà Trưng. Đối với văn bản thông báo kết luận cuộc họp ngày 29.3.2016, trong đó có nội dung lựa chọn giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn, bị cáo Hoàng cho biết ông không phê duyệt giá khởi điểm đấu giá.