Liên quan đến việc bà Phạm Thị Tuyết Nhung - GĐ Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư Angel Lina bị Công an TP.HCM khởi tố, tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc ký kết các hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc mua bán đất của 9 dự án không có thật, các luật sư cho rằng cần xem xét trách nhiệm chính quyền của địa phương trong việc buông lỏng quản lý.

Vụ Angel Lina: Chính quyền địa phương có buông lỏng quản lý?

Bùi Trí Lâm | 04/11/2019, 20:54

Liên quan đến việc bà Phạm Thị Tuyết Nhung - GĐ Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư Angel Lina bị Công an TP.HCM khởi tố, tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc ký kết các hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc mua bán đất của 9 dự án không có thật, các luật sư cho rằng cần xem xét trách nhiệm chính quyền của địa phương trong việc buông lỏng quản lý.

Có thể bị phạt tù từ 12 năm đếnchung thân

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng, Công ty Luật sư Gia đình cho biết, để thực hiện thủ đoạn lừa đảo của mình, đầu tiên công ty bất động sản dưới sự chỉ đạo của bà Nhung đã gom các loại đất nông nghiệp, đất ở…

Sau khi thực hiện việc gom đất, bà Nhung cho người quảng cáo, vẽ dự án, đặt tên dự án. Mặc dù chưa làm thủ tục xin phép thực hiện dự án, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được phân lô tách thửa nhưng vẫn thực hiện việc nhận đặt cọc, hợp đồng góp vốn, cam kết sẽ bàn giao đất đúng hạn.

Theo ông Hùng, quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 cho thấy, để được chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở thì điều kiện chuyển nhượng là phải hoàn thành xong kết cấu hạ tầng và nghĩa vụ tài chính về đất đai (căn cứ điều 194 Luật đất đai 2013).

Do đó, các dự án do bà Nhung tự vẽ, quảng cáo cho khách hàng chưa thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết nên không đủ điều kiện chuyển nhượng. Bà đã “lách luật” bằng cách ký kết các hợp đồng góp vốn, đặt cọc… để lấy lòng tin của khách hàng. Từ đó, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng''.

Nói thêm về phương thức hoạt động củacông ty này, ông Hùng cho rằng, hành vi của bà Nhung là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mô hình kinh doanh là góp vốn chứ không phải là đa cấp

Cũng trao đổivới Một Thế Giới, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp) cho rằng, đối với những người khác trong công ty biết rõ là dự án không có thật nhưng vẫn giúp sức, xúi giục người đứng đầu công ty này thực hiện hành vi phạm tội thì những người giúp sức, xúi giục và những người trực tiếp thực hiện hành vi đưa ra thông tin gian dối, thủ đoạn gian dối đối với khách hàng để chiếm đoạt tài sản đều bị xử lý cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ về hành vi rửa tiền, chứa chấp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đối với những người khác trong trường hợp số tiền chiếm đoạt được của khách hàng đem đầu tư vào các dự án khác hoặc thực hiện các hoạt động rửa tiền.

Do đó, ông Cường nêu quan điểm, đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, quy định tại khoản 4 điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực sẽ bị áp dụng mức hình phạt cao hơn, còn đối với những đối tượng phạm tội với vai trò xúi giục, giúp sức thì sẽ chịu mức hình phạt thấp hơn. Ngoài ra cơ quan điều tra cũng sẽ điều tra làm rõ các hành vi khác có liên quan như rửa tiền, chứa chấp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, làm giả tài liệu con dấu (nếu có)”, ông Cường nói.

Rủi ro cao trong việc lấy lại tài sản

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, về nguyên tắc thì những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo có nghĩa vụ phải bồi thường, khắc phục hậu quả cho nạn nhân, đồng thời những người bị hại trong vụ án lừa đảo có quyền yêu cầu đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

Trong trường hợp đối tượng lừa đảo không tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thì tòa án sẽ tuyên buộc các đối tượng lừa đảo phải có trách nhiệm bồi thường hậu quả, khắc phục thiệt hại cho những người bị hại khi tòa án tuyên án.

Tuy nhiên, những người bị hại chỉ có thể lấy lại được tài sản khi cơ quan điều tra thu giữ được những tài sản đó theo quy định của pháp luật về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự. Trong trường hợp các đối tượng đã tẩu tán tài sản, tài sản không còn thì rủi ro cho những người bị hại là rất cao.

Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho người bị hại là một trong những tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên trong vụ án này có đến hàng ngàn người bị hại bởi vậy ai sẽ được trả lại tiền, được trả lại bao nhiêu là vấn đề khó đoán định”, ông Cường cho hay.

Bởi theo vị luật sư này, khi đối tượng bị bắt, người thân sợ trách nhiệm sẽ ngại tham gia bồi thường khắc phục hậu quả. Hơn nữa số tiền, tài sản chiếm đoạt được có thể đã bị tẩu tán bằng các giao dịch khác.

Do đó, nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và người thân của họ không tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả cho các nạn nhân thì các nạn nhân chỉ còn trông chờ vào cơ quan điều tra và tòa án. Nếu cơ quan điều tra phát hiện, niêm phong phải kê biên, thu giữ được tài sản thì mới có cơ hội để tòa án tuyên buộc phải trả lại tài sản đó cho những người bị hại và có cơ hội thi hành án.

“Trong trường hợp tài sản không còn, không thu giữ được tài sản thì không có cơ hội để thi hành án. Trong tình huống này người bị hại nên thương lượng với những người có liên quan hoặc thương lượng với người thân gia đình của bị can đang bị tạm giam, tạm giữ.

Trong quá trình thương lượng để đòi tài sản thì người bị hại cũng cần thu thập các thông tin về tài sản của công ty này và những đối tượng cầm đầu để cung cấp cho cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp ngăn chặn để tránh trường hợp tẩután tài sản, đảm bảo cho việc thi hành án sau này.” Ông Cường nêu rõ.

Chính quyền địa phương có thiếu trách nhiệm?

Ông Cường cũng nêu quan điểm, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các cơ quan quản lý đất đai, xây dựng, trên địa bàn; xử lý trách nhiệm của các cán bộ, cá nhân có liên quan trong việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bất động sản để các đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo với hàng ngàn người dân trong suốt thời gian dài.

Trong trường hợp phát hiện có sự tiếp tay, cấu kết, mua chuộc của các đối tượng này với cán bộ địa phương thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ trách nhiệm hình sự.

Luật sư này cũng nhấn mạnh, khách hàng có nhu cầu mua nhà đất để sử dụng cần phải tìm hiểu kỹ về pháp lý của dự án, hiểu rõ về thủ tục đầu tư, điều kiện huy động vốn để ký kết những văn bản có giá trị pháp lý, khi đó pháp luật mới bảo vệ nếu có tranh chấp xảy ra.

“Đối với những dự án chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền thì chủ dự án này không được phép huy động vốn. Hành vi huy động vốn với hình thức vốn vay, cam kết chuyển nhượng, hợp đồng góp vốn mà chưa đủ điều kiện huy động vốn thì đều bất hợp pháp và có rủi ro cao về pháp lý”, ông Cường nói.

Thiên Mỹ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Angel Lina: Chính quyền địa phương có buông lỏng quản lý?