Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết ngày 2.3, đại diện Cục Lãnh sự đã có cuộc gặp gia đình công dân Đoàn Thị Hương, nghi phạm đang bị xét xử tại Malaysia về tội giết người, để giải thích tiến trình tố tụng của vụ án, hướng dẫn về việc hỗ trợ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.

Vụ Kim-Jong-nam: Hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương như thế nào?

Theo Người lao động | 03/03/2017, 06:19

Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết ngày 2.3, đại diện Cục Lãnh sự đã có cuộc gặp gia đình công dân Đoàn Thị Hương, nghi phạm đang bị xét xử tại Malaysia về tội giết người, để giải thích tiến trình tố tụng của vụ án, hướng dẫn về việc hỗ trợ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.

Do Việt Nam và Malaysia chưa có hiệp định tương trợ tư pháp nên rất khó dẫn độ Đoàn Thị Hương về nước xét xử. Theo pháp luật Malaysia, các luật sư Việt Nam không được trực tiếp bào chữa cho bị cáo này

Nhiều luật sư muốn vào cuộc

Trước đó, sáng 1.3, sau khi hết thời hạn tạm giữ 14 ngày, các nghi phạm trong vụ sát hại “công dân Triều Tiên Kim Chol”, trong đó có Đoàn Thị Hương, đã được đưa ra Tòa án quận Sepang, bang Selangor - Malaysia để nghe công tố viên đọc bản luận tội. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có mặt để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho công dân Đoàn Thị Hương tại phiên tòa.

Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết đang tiếp tục triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong phạm vi thẩm quyền để bảo đảm tiến trình tố tụng diễn ra công bằng, khách quan, trong đó có việc hỗ trợ tìm luật sư (LS) phù hợp với quy định pháp luật của nước sở tại.

Trao đổi với phóng viênngày 2.3, Tiến sĩ Luật sưĐỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam, cho biết cơ quan này đang xem xét hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương, đồng thời sẽ sớm bàn bạc với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp về vấn đề này.

Song song đó, LĐLS đã trao đổi với các LS và hầu hết cho biết sẵn sàng tham gia khi các cơ quan nhà nước thẩm quyền Việt Nam cho phép. “Các LS muốn tham gia hỗ trợ pháp lý trong vụ án này đều có kinh nghiệm quốc tế, có đầy đủ khả năng về tiếng Anh” - LS Thịnh khẳng định.

Trả lời về việc có thể đề xuất dẫn giải bị cáo Đoàn Thị Hương về Việt Nam xét xử hay không, LS Thịnh cho rằng nếu hai nước đã có hiệp định tương trợ tư pháp thì mới dẫn độ được. Do Malaysia và Việt Nam chưa ký hiệp định này nên việc dẫn độ rất khó được chấp thuận. Còn về nguyên tắc, vụ án phải xử theo luật pháp Malaysia vì hành vi phạm tội xảy ra ở nước sở tại.

TS Đinh Thế Hưng, Trưởng Phòng Pháp luật Hình sự Viện Nhà nước và Pháp luật, phân tích: Hiến pháp Việt Nam quy định công dân Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ. Do đó, Đoàn Thị Hương sẽ có sự hỗ trợ của cơ quan đại diện Việt Nam ở Malaysia để bảo vệ quyền lợi. Dù LS Việt Nam không được tham gia trực tiếp trong quá trình tố tụng phiên tòa nhưng có vẫn hơn không, nhất là về mặt tâm lý.

Thông qua con đường ngoại giao

Giới chuyên môn cho rằng để các LS Việt Nam tham gia bảo vệ cho Đoàn Thị Hương thì phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao và có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, theo pháp luật của Malaysia, LS nước ngoài sẽ không được trực tiếp tham gia vào việc bào chữa cho bị cáo. Do đó, trong trường hợp được cơ quan chức năng cho phép, LS Việt Nam chỉ có thể phối hợp với các LS và cơ quan chức năng phía Malaysia, thông qua việc cung cấp bằng chứng, tài liệu có lợi cho Đoàn Thị Hương để tòa án xem xét.

Vì lý do này, LS Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LS Hà Nội) nhận định cách tốt nhất là vẫn phải thông qua con đường ngoại giao. “Theo kinh nghiệm của tôi, cũng là người được mời bảo vệ cho một số bị cáo người nước ngoài tại Việt Nam, việc tiếp cận hồ sơ vụ án ở nước ngoài là không thể, kể cả đại sứ quán cũng như LS Việt Nam. Nhất là trong hoàn cảnh đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, mang tính quốc tế vì nạn nhân không phải người Malaysia” - LS Thơm nhấn mạnh.

Theo LS Thơm, trong trường hợp phía Việt Nam muốn tăng cường LS bảo vệ cho Đoàn Thị Hương thì buộc phải thuê LS ở nước sở tại. Tuy nhiên, chi phí LS nước ngoài khá đắt, cần tính toán khoản này. Việc hỗ trợ của LS tốt nhất và hiệu quả nhất chính là tư vấn cho phía gia đình, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để có cách ứng xử có lợi nhất đối với bị cáo.

“Giờ gia đình chẳng biết làm sao...”

Ngày 2.3, phóng viênđã đến gia đình Đoàn Thị Hương để tìm hiểu thêm thông tin vụ việc. Tuy nhiên, căn nhà cấp 4 nằm bên con kênh nhỏ ở xóm 3, thôn Quần Phương, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đóng kín cửa.

Theo một người hàng xóm, khi nghe tin Đoàn Thị Hương bị cho là phạm tội giết người ở Malaysia, lo ngại nhiều người đến hỏi chuyện, ông Đoàn Văn Thạnh (bố của Hương) cùng người thân đã bỏ đi đâu không rõ. Tại chợ Nghĩa Bình, nơi ông Thạnh trông giữ xe, quét dọn vệ sinh nhưng mấy hôm nay ông không đến làm.

Liên lạc qua điện thoại, ông Thạnh cho biết ông đi Hà Nội làm việc với đại diện Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, ông từ chối thông tin về cuộc làm việc. Khi được hỏi về nguyện vọng của gia đình, ông Thạnh nói đã nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ.

“Giờ gia đình chẳng biết làm sao cả, chỉ trông chờ vào chính quyền, nhà nước giúp đỡ để con tôi được giảm tội, chứ sang Malaysia cũng không được” - ông thở dài rồi tắt luôn điện thoại.

Đoàn Thị Hương đối mặt 5 phiên tòa

TS Đinh Thế Hưng cho biết khác với Việt Nam, mô hình tố tụng của Malaysia là mô hình tranh tụng triệt để của hệ thống pháp luật Anh - Mỹ (common- law), nghĩa là một vụ án có thể có tối đa 5 phiên tòa.

Theo đó, phiên tòa diễn ra ngày 1.3 vừa qua là phiên tòa sơ bộ (pretrial), mục đích là thông báo cho Đoàn Thị Hương và LS biết bị cáo bị buộc tội gì để chuẩn bị bào chữa. Trong phiên tòa này, nếu bị cáo nhận tội thì sẽ được áp dụng nguyên tắc thỏa thuận nhận tội giữa bị cáo và bên công tố. Nếu bị cáo không nhận tội, sẽ có phiên tòa thứ 2 để xem xét tính hợp pháp của các chứng cứ do công tố và LS cung cấp. Trong phiên tòa này, LS của bị cáo đưa ra chứng cứ gỡ tội.

Phiên tòa thứ 3 là phiên xét xử chính thức có bồi thẩm (preliminary hearing). Lúc này, các bên sẽ chính thức tranh tụng với nhau về quan điểm buộc tội, gỡ tội. Dựa trên kết quả tranh tụng, tòa sẽ có phán quyết về tội danh và hình phạt cho bị cáo. Sau phiên tòa bồi thẩm thì bị cáo có quyền kháng cáo lên tòa phúc thẩm (Cour d’appel). Nếu có sai sót, oan sai thì bản án sơ thẩm, phúc thẩm sẽ bị xem xét lại. Thời hạn xem xét giữa các phiên tòa có thể rất dài.

Theo Nguyễn Quyết - Dương Ngọc/Người lao động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Kim-Jong-nam: Hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương như thế nào?