Metaverse (vũ trụ ảo) của Trung Quốc sẽ phát triển như thế nào? Sạch sẽ, kiểm duyệt, tuân thủ và không dùng tiền điện tử là quan điểm từ các chuyên gia.
Nhà chức trách Trung Quốc sẽ kiểm soát sát sao metaverse mà một số người lo ngại sẽ kìm hãm sự phát triển của nó.
Từ việc Facebook đổi tên thành Meta Platforms đến thương vụ Microsoft chi gần 69 tỉ USD mua Activision, phần lớn giới công nghệ đang nhảy vào xây dựng những gì nhiều người mong đợi sẽ là thế hệ internet tiếp theo: Thế giới ảo tái tạo nhiều khía cạnh cuộc sống thực.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang tụt hậu về metaverse so với Mỹ và Hàn Quốc vì các hãng công nghệ lớn trong nước ít chịu đầu tư hơn. Các sản phẩm hàng đầu trong ngành như headset Oculus VR (thực tế ảo) Oculus của Meta bị cấm ở Trung Quốc và sự phát triển các VR headset trong nước chậm chạp có nghĩa là Trung Quốc vẫn chưa thấy nền tảng VR hoặc metaverse trở nên phổ biến đáng kể.
Thế nhưng, sự quan tâm đã bắt đầu tăng lên. Theo công ty theo dõi kinh doanh Tianyancha, trong năm qua, hơn 1.000 công ty bao gồm cả Alibaba Group Holding và Tencent Holdings đã nộp đơn đăng ký cho khoảng 10.000 nhãn hiệu liên quan đến metaverse.
Baidu tạo bước đột phá hồi tháng 12.2021 với sự ra mắt của XiRang, được mô tả là nền tảng metaverse đầu tiên ở Trung Quốc dù nó bị chê bai rộng rãi vì không cung cấp trải nghiệm nhập vai cấp cao. Baidu cho biết ứng dụng của họ đang được hoàn thiện.
Các công ty khởi nghiệp cũng đang nhận được nhiều đầu tư hơn. Theo Sino Global, một công ty đầu tư mạo hiểm về tiền điện tử đang tập trung vào Trung Quốc.
"Các nhà đầu tư và nhà quản lý đầu tư mạo hiểm đã không nói chuyện với tôi trong nhiều năm bỗng nhiên nhắn tin - hỏi tôi có muốn đi ăn và nói chuyện không. Tất cả họ đều muốn nói về metaverse", theo Pan Bohang, người có công ty khởi nghiệp ở Bắc Kinh dự định tung ra nền tảng game xã hội VR.
Nhiều quy định
Các chuyên gia cho rằng giai đoạn sơ khai của metaverse cho phép Trung Quốc có nhiều khoảng trống để hợp tác phát triển, đặc biệt là vì sự bùng nổ của metaverse hiện tại trùng thời điểm đàn áp bằng quy định chưa từng có với công nghệ và các ngành công nghiệp khác.
"Các doanh nghiệp internet truyền thống của Trung Quốc phát triển trước và sau đó được quản lý. Các ngành như metaverse sẽ được quản lý khi chúng được xây dựng", Du Zhengping, người đứng đầu ủy ban ngành metaverse của Hiệp hội Truyền thông Di động Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn, cho biết.
Thế nhưng, cách tiếp cận độc đoán của Trung Quốc trái ngược với cách metaverse đang phát triển ở những nước khác trên thế giới, nơi người dùng bị thu hút bởi những cách thể hiện bản thân mới, theo Eloi Gerard, doanh nhân VR đã làm việc tại Trung Quốc 10 năm trước khi chuyển đến thành phố Los Angeles (Mỹ) gần đây. Qua đó, Eloi Gerard cho rằng Trung Quốc sẽ kìm hãm sự phát triển của metaverse.
"Metaverse là một nơi mà bạn có các nhóm tôn giáo, phong trào LGBT, tập hợp nhiều người khắp thế giới và sử dụng thế giới ảo để chia sẻ ý tưởng. Đây là những gì mọi người đang làm trên VRChat ngay bây giờ, tiến bộ và tự do điên cuồng", Eloi Gerard nói, đề cập đến VRChat - nền tảng thế giới ảo trực tuyến phổ biến.
"Ý tưởng của metaverse là con người di chuyển giữa các thế giới ảo. Điều này đi ngược lại ngay lập tức với ý tưởng về một bên, một tiếng nói, một tầm nhìn", ông nhận định.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng chơi game - được coi là công nghệ cửa ngõ vào metaverse - được quản lý chặt chẽ ở Trung Quốc.
Game phải được chính phủ Trung Quốc phê duyệt và trò chiến đấu với nội dung bạo lực mạnh như mô tả máu, xác chết sẽ bị cấm cùng bất kỳ nội dung nào có thể bị hiểu là khiêu dâm.
Là một phần của chiến dịch trấn áp bằng quy định gần đây, các nhà chức trách Trung Quốc cũng tìm cách kiềm chế việc chơi game của trẻ vị thành niên cũng như việc quá sùng bái người nổi tiếng và tiền bạc.
Những gã khổng lồ trong lĩnh vực game như Tencent và NetEase đã nhanh chóng tuyên bố công khai rằng sẽ tuân thủ bất kỳ quy tắc nào trong khi phát triển các dịch vụ metaverse.
Tầm tay của chính phủ Trung Quốc
Cánh tay dài của chính phủ Trung Quốc cũng có thể được cảm nhận theo những cách khác.
Xuexi Qiangguo, ứng dụng có sức ảnh hưởng chủ yếu được thiết kế để dạy Tư tưởng Tập Cận Bình, đã đăng một bài viết vào tháng 11.2021 rằng metaverse nên được sử dụng để nâng cao chất lượng của các lớp giáo dục tư tưởng bắt buộc cho học sinh.
Tại cuộc họp hồi tháng 1.2022 của cơ quan cố vấn chính trị thành phố Bắc Kinh, nơi thảo luận về sự phát triển của metaverse, xuất hiện đề xuất có hệ thống đăng ký cho các cộng đồng metaverse nhằm ngăn chặn chúng ảnh hưởng đến dư luận rộng lớn hơn và gây ra các cú sốc về kinh tế hoặc tài chính.
Khi đang trở thành đặc điểm nổi bật của nhiều cộng đồng metaverse phương Tây, các loại tiền điện tử không có trong metaverse của Trung Quốc vì bị chính phủ cấm. Thay vào đó, các hình thức thanh toán kỹ thuật số đa dạng ở Trung Quốc có thể sử dụng để thay thế, như đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của chính phủ.
Bất chấp nhiều hạn chế có thể xảy ra, một số doanh nhân nói rằng metaverse của Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ đơn giản vì người tiêu dùng nước này sẵn sàng thử các hình thức giải trí trực tuyến mới.
Đang đàm phán về các dự án metaverse dựa trên câu chuyện Trung Quốc sẽ sử dụng các yếu tố như thư pháp và trang phục truyền thống, Nikk Mitchell là một trong những người tin tưởng điều đó, ghi nhận sự tiến bộ trong kính VR và nội dung ở nước này.
Ông nói: “Khi người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng trải nghiệm công nghệ liên quan đến metaverse thì sẽ có sự áp dụng hàng loạt ở mức độ mà tôi không nghĩ sẽ diễn ra nhanh chóng ở phương Tây".