Pfizer-BioNTech sắp thay thế AstraZeneca trở thành nhà cung cấp vắc xin COVID-19 chính cho chương trình COVAX vào đầu năm 2022.
Đây là sự thay đổi cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của hãng dược Mỹ và công ty công nghệ sinh học Đức với các nước nghèo hơn.
Dù vậy, sự thay đổi này có thể dẫn đến nỗi lo của các nước nghèo thiếu tủ lạnh âm sâu để bảo quản vắc xin Pfizer–BioNTech trong bối cảnh thiếu ống tiêm cần thiết để tiêm vắc xin đó.
AstraZeneca hiện là loại vắc xin COVID-19 được COVAX phân phối nhiều nhất, theo dữ liệu từ Liên minh toàn cầu về vắc xin và Tiêm chủng (GAVI).
Đến nay COVAX đã cung cấp hơn 600 triệu liều vắc xin COVID-19 cho gần 150 quốc gia, trong đó hơn 220 triệu liều AstraZeneca và khoảng 160 triệu liều Pfizer-BioNTech.
Song trong quý 1/2022, Pfizer sẽ vượt AstraZeneca, theo số liệu của GAVI và WHO về liều lượng vắc xin do COVAX chỉ định về các nguồn cung trong tương lai.
Cuối tháng 3.2022, 150 triệu liều vắc xin Pfizer khác sẽ được COVAX phân phối cho các nước, theo một tài liệu của WHO.
Người phát ngôn của GAVI xác nhận rằng Pfizer đang vượt xa về số lượng vắc xin COVID-19 được phân bổ, với khoảng 470 triệu liều đã được phân phối hoặc sẵn sàng giao hàng, so với 350 triệu liều từ AstraZeneca.
Pfizer là nhà cung cấp vắc xin COVID-19 đầu tiên cho Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản.
Theo dữ liệu từ UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), Pfizer có các thỏa thuận song phương hơn 6 tỉ liều vắc xin và đến nay trở thành nhà cung cấp vắc xin COVID-19 lớn nhất cho COVAX.
Thế nhưng, AstraZeneca từng được coi là nhà cung cấp quan trọng cho các nước kém phát triển hơn, vì giá vắc xin COVID-19 rẻ hơn (chỉ 2,4 – 3 USD/liều) và dễ phân phối hơn (bảo quản ở 2 - 8 độ C).
COVAX đặt cược rất nhiều vào AstraZeneca khi bắt đầu đại dịch COVID-19, nhưng các vấn đề về nguồn cung và hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ (nước sản xuất vắc xin lớn nhất) đã dần dần giảm bớt sự phụ thuộc vào công ty Anh-Thụy Điển.
Khi COVAX gặp phải vấn đề trong việc đảm bảo liều lượng trực tiếp từ các nhà sản xuất trong bối cảnh tranh giành vắc xin COVID-19 trên toàn cầu, khoản tài trợ từ các nước giàu có trở nên quan trọng hơn, biến Pfizer thành nhà cung cấp chính cho chương trình do WHO và GAVI đồng lãnh đạo. Mỹ đang tặng hầu hết lượng vắc xin Pfizer cho COVAX.
Tủ lạnh âm sâu và ống tiêm tự khóa
Sự thay đổi này buộc GAVI phải gấp rút đầu tư nhiều hơn vào công suất dây chuyền lạnh ở những nước tiếp nhận không có đủ tủ lạnh âm sâu (-90ºC đến -60ºC) và thiết bị vận chuyển lạnh để bảo quản vắc xin Pfizer.
GAVI cảnh báo về việc không đủ năng lực dây chuyền lạnh ở một số nước nghèo, theo báo cáo nội bộ được đệ trình lên hội đồng quản trị của tổ chức này vào đầu tháng 12.2021.
GAVI cũng đề cập trong tài liệu này rằng vấn đề còn phức tạp hơn do nguy cơ thiếu ống tiêm đặc biệt cần thiết để tiêm vắc xin Pfizer.
Ngoài ra, theo tài liệu nội bộ của GAVI, vắc xin Pfizer gây khó khăn nhất để cung cấp các yêu cầu về dây chuyền cực lạnh và ống tiêm đặc biệt.
Các nước giàu tặng vắc xin COVID-19 có thời hạn sử dụng tương đối ngắn là một vấn đề lớn với COVAX vì nhiều liều đã bị lãng phí, theo Kate O'Brien - Giám đốc bộ phận vắc xin của WHO.
Bà Kate O'Brien nói tỷ lệ lãng phí vắc xin COVID-19 ở các nước nhận liều lượng qua COVAX nhỏ hơn nhiều so với các nước giàu.
Hôm 8.12, Reuters đưa tin có tới 1 triệu vắc xin COVID-19 ước tính đã hết hạn ở Nigeria vào tháng trước mà không được sử dụng. Những liều vắc xin hết hạn do AstraZeneca sản xuất và được chuyển đến từ châu Âu thông qua COVAX.
Đây là một trong những vụ mất lượng vắc xin lớn nhất, cho thấy các nước châu Phi gặp khó khăn trong việc triển khai tiêm phòng.
Theo WHO, tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi và là nơi sinh sống của hơn 200 triệu người, chưa đến 4% người trưởng thành đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ.
Tuy nhiên, sự gia tăng nguồn cung gần đây đã gây ra một vấn đề mới: Nhiều nước châu Phi nhận thấy không có đủ năng lực để quản lý vắc xin COVID-19, một số có thời hạn sử dụng ngắn.
Nguồn tin khác cho biết một số liều vắc xin đã đến Nigeria trong vòng 4 đến 6 tuần trước khi hết hạn và không thể sử dụng kịp thời, bất chấp những nỗ lực của cơ quan y tế.
Một nguồn tin nói với Reuters: "Nigeria đang làm mọi thứ có thể, nhưng họ đang phải vật lộn với vắc xin có thời hạn sử dụng ngắn. Bây giờ không thể đoán trước nguồn cung và họ đang gửi quá nhiều".
WHO cho biết 800.000 liều vắc xin bổ sung có nguy cơ hết hạn vào tháng 10 nhưng đã được sử dụng kịp thời.
"Việc lãng phí vắc xin là điều có thể xảy ra ở bất kỳ chương trình tiêm chủng nào và trong bối cảnh việc triển khai chủng ngừa COVID-19 là vấn đề toàn cầu", WHO cho hay.
Số lượng vắc xin hết hạn của Nigeria dường như là một trong những khoản thất thoát lớn nhất ở khoảng thời gian ngắn, thậm chí còn vượt xa tổng số vắc xin mà một số quốc gia châu Phi khác nhận được. Tuy nhiên, Nigeria không đơn độc trong việc lãng phí vắc xin.
Trên khắp châu Âu, các quốc gia như Đức và Thụy Sĩ đã phải vật lộn để tối đa hóa việc sử dụng vắc xin. Vào tháng 1, các quan chức ở Anh dự báo tình trạng lãng phí vắc xin khoảng 10%. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Y tế Pháp nói với truyền thông địa phương rằng 25% vắc xin AstraZeneca, 20% Moderna và 7% vắc xin Pfizer đang bị lãng phí vào thời điểm đó.
Một quan chức EU nói trong cuộc họp báo vào tuần trước rằng hoạt động tài trợ vắc xin Pfizer của EU cho COVAX đã bị chậm lại do thiếu ống tiêm. Một quan chức thứ hai quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters rằng, GAVI phải hoãn việc vận chuyển số lượng vắc xin Pfizer từ châu Âu vì thiếu ống tiêm.
Pfizer từ chối bình luận về ống tiêm vì không trực tiếp sản xuất hoặc mua chúng.
Khi có nhiều liều lượng vắc xin COVID-19 hơn được cung cấp cho các nước nghèo hơn, UNICEF và WHO từ lâu cảnh báo về việc cung cấp đủ các ống tiêm tự khóa, vốn rất quan trọng với việc tiêm chủng ở các nước nghèo hơn.
Ống tiêm này có khả năng tự khóa nên chỉ sử dụng một lần duy nhất. Việc dùng lại ống tiêm thường phổ biến ở các nước nghèo hơn và có thể làm lây lan dịch bệnh.
Theo UNICEF, ống tiêm tự khóa là cần thiết cho vắc xin Pfizer, khác với ống tiêm tiêu chuẩn.
Moderna cung cấp thêm 20 triệu liều vắc xin COVID-19 cho COVAX
Hôm 10.12, Moderna cho biết sẽ cung cấp thêm 20 triệu liều vắc xin COVID-19 của mình cho Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) để phân phối thông qua cơ sở COVAX vào quý 2/2022.
Với số lượng vắc xin COVID-19 bổ sung này, Moderna nói sẽ cung cấp tổng cộng 136,5 triệu liều cho GAVI.
Sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX do GAVI, WHO và Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) đồng lãnh đạo.
Moderna cũng cho biết sẽ tăng tốc cung cấp 20 triệu liều vắc xin COVID-19, qua đó giao 54 triệu liều cho COVAX tính đến cuối năm nay.
Những liều vắc xin COVID-19 này là một phần trong thỏa thuận trước đó của Moderna với GAVI và ban đầu dự kiến được giao vào quý 1/2022, công ty cho biết.
Moderna nói GAVI vẫn giữ các lựa chọn cho phép họ mua tới 650 triệu liều vắc xin của hãng này để phân phối đến năm 2022.