Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc COVID-19 mới và tử vong trên toàn cầu tiếp tục giảm trong tuần qua. Riêng chỉ có Tây Thái Bình Dương báo cáo sự gia tăng số ca COVID-19.

WHO: Số ca COVID-19 và tử vong tiếp tục giảm toàn cầu, các biến thể mới có thể xuất hiện

Sơn Vân | 10/03/2022, 11:39

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc COVID-19 mới và tử vong trên toàn cầu tiếp tục giảm trong tuần qua. Riêng chỉ có Tây Thái Bình Dương báo cáo sự gia tăng số ca COVID-19.

Trong báo cáo mới nhất về đại dịch được công bố hôm 9.3, WHO cho biết số ca mắc COVID-19 mới đã giảm 5% vào tuần trước, tiếp tục xu hướng giảm bắt đầu hơn 1 tháng qua. Số ca tử vong do COVID-19 cũng giảm 8% và đã giảm trên toàn cầu trong 2 tuần qua.

Chỉ Tây Thái Bình Dương là có sự gia tăng số ca mắc COVID-19, với mức tăng 46%. Trong tuần trước, Hồng Kông đã ghi nhận khoảng 150 người chết do COVID-19 mỗi ngày, là nơi có tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân cao nhất thế giới, theo dữ liệu từ Đại học Oxford (Anh).

Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao gần đây đã tràn ngập Hồng Kông, khiến các đợt cách ly diễn ra hàng loạt, mua sắm hoảng loạn trong siêu thị, bệnh viện và nhà xác quá tải, buộc các nhà chức trách phải cất giữ các thi thể trong các container vận chuyển lạnh.

Ở những nơi khác, số ca mắc COVID-19 đang giảm đáng kể; mức giảm lớn nhất được thấy ở Trung Đông và châu Phi, nơi giảm lần lượt là 46% và 40%.

Làn sóng dịch Omicron gây bệnh nhẹ, số người chết thấp và thực tế là nó đang biến mất nhanh chóng, đã tạo ra ấn tượng rộng rãi rằng COVID-19 đã kết thúc”, Salim Abdool Karim thuộc Đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi nói. Ông cho biết vẫn chưa rõ khi nào đại dịch kết thúc nhưng số người chết thấp trong đợt bùng phát dịch Omicron là rất đáng chú ý.

Nhiều nhà khoa học cho rằng điều đó gắn liền với chương trình tiêm mũi vắc xin tăng cường được thực hiện ở nhiều nước, phá vỡ mối liên hệ giữa mắc COVID-19 và bệnh nặng.

Đầu tuần này, nhóm chuyên gia do WHO triệu tập cho biết họ "ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp cận rộng rãi và khẩn cấp" với mũi vắc xin COVID-19 tăng cường trong bối cảnh Omicron lan rộng toàn cầu, đảo ngược quan điểm của cơ quan Liên Hợp Quốc từng lặp đi lặp lại vào năm ngoái rằng mũi vắc xin tăng cường không cần thiết cho những người khỏe mạnh.

Trong tuyên bố mới đây, WHO cho biết nhóm cố vấn gồm 18 thành viên của họ đã kết luận rằng việc tiêm vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại bệnh nghiêm trọng và tử vong.

Đã thay đổi quan điểm trước đó của mình, WHO cho biết mũi vắc xin tăng cường được khuyến khích sử dụng khi các quốc gia có đủ nguồn cung và sau khi bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

WHO nói tiêm vắc xin COVID-19, bao gồm cả việc sử dụng mũi tăng cường, đặc biệt quan trọng với những người có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Các khuyến nghị mới đến từ nhóm cố vấn của WHO tập trung vào tác động của những biến thể đáng lo ngại nhất như Omicron, Delta và đánh giá hiệu quả của vắc xin chống lại chúng.

who-so-ca-covid-19-va-tu-vong-tiep-tuc-giam-toan-cau.jpg
Nhân viên y tế tiêm mũi tăng cường AstraZeneca cho người dân tại trung tâm tiêm chủng ở Guatemala - Ảnh: AP

Vào năm ngoái, Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus từng khẩn cầu các nước giàu không tiêm mũi vắc xin tăng cường mà thay vào đó hãy gửi số vắc xin đó tới châu Phi. Thời điểm này, ông nói rằng không có lý do khoa học nào để tiêm mũi vắc xin tăng cường cho những người khỏe mạnh.

Kể từ đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng mũi vắc xin tăng cường giúp khôi phục khả năng miễn dịch đang suy yếu và bảo vệ chống lại mắc COVID-19 nghiêm trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Omicron lây lan toàn cầu.

WHO đang tiếp tục theo dõi sự lây lan của Omicron, bao gồm cả phiên bản BA.2 (còn gọi là biến thể Omicron “tàng hình”) đã gây tái nhiễm ở một số người mắc BA.1 (biến thể Omicron ban đầu). Một số nhà khoa học đang nghiên cứu liệu BA.2 có gây ra bệnh nặng hơn BA.1 không, nhưng vắc xin vẫn hiệu quả chống lại bệnh nặng.

WHO lưu ý rằng các loại vắc xin COVID-19 được phê duyệt hiện tại đều dựa trên chủng vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hơn 3 năm trước.

Cơ quan này cho biết: “Kể từ đó đã có quá trình tiến hóa vi rút liên tục và đáng kể. Có khả năng quá trình tiến hóa này sẽ tiếp tục, dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể mới”.

"Số ca COVID-19 và tử vong giảm ở châu Mỹ nhưng còn quá sớm để hạ thấp cảnh giác"

Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) hôm 9.3 cho biết số ca mắc COVID-19 đã giảm 26% trên toàn châu Mỹ vào tuần trước, trong khi tử vong do SARS-CoV-2 giảm gần 19%, nhưng cảnh báo rằng cần duy trì một số biện pháp hiệu quả để hạn chế lây nhiễm vi rút.

Khu vực này đã ghi nhận 1,1 triệu ca mắc COVID-19 trong tuần trước với 18.000 người tử vong liên quan đến SARS-CoV-2.

Giám đốc PAHO - Carissa Etienne nói: "Tất cả chúng ta đều muốn đại dịch kết thúc, nhưng sự lạc quan không thể kiểm soát được vi rút. Còn quá sớm để hạ thấp cảnh giác".

Bà Carissa Etienne cũng lưu ý rằng số ca mắc COVID-19 được báo cáo ở các quốc gia có thể không phản ánh con số thực do giảm xét nghiệm.

Bà nói: “Vẫn có một số quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo sự gia tăng số ca liên quan đến đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất".

who-so-ca-covid-19-va-tu-vong-tiep-tuc-giam-toan-cau1.jpg
Nhiều người chờ đợi để được tiêm vắc xin AstraZeneca trong chiến dịch tiêm chủng cho những người vô gia cư, ở trung tâm thành phố Rio de Janeiro, Brazil - Ảnh: Reuters

Đã hơn 2 năm kể từ khi đại dịch bắt đầu, hơn 6 triệu người đã tử vong do COVID-19 trên khắp thế giới, trong đó châu Mỹ chiếm gần một nửa, với gần 1 triệu người ở Mỹ.

"Với hơn 2,6 triệu sinh mạng ra đi, chúng tôi báo cáo số người chết vì COVID-19 nhiều nhất so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới", Giám đốc PAHO nói.

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2022, 63% ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu được ghi nhận ở châu Mỹ.

"Tôi e rằng không thể trở lại bình thường vào lúc này, chúng ta cần tiếp tục với một số biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả và đặc biệt cần tăng cường phạm vi tiêm vắc xin", bà Carissa Etienne nhận định.

Bài liên quan
Trưởng nhóm khoa học WHO: Đại dịch vẫn chưa kết thúc, sẽ có thêm nhiều biến thể đáng sợ
Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn chưa kết thúc vì sẽ có thêm nhiều biến thể SARS-CoV-2.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO: Số ca COVID-19 và tử vong tiếp tục giảm toàn cầu, các biến thể mới có thể xuất hiện