Theo Science.org, sau khi Ukraine bị tấn công, các nhà ngoại giao khoa học kỳ cựu nói rằng việc hợp tác nghiên cứu với Nga nên chấm dứt.

Các nước phương Tây cắt đứt quan hệ với khoa học Nga dù nhiều tổ chức giữ thái độ trung lập

Sơn Vân | 09/03/2022, 22:55

Theo Science.org, sau khi Ukraine bị tấn công, các nhà ngoại giao khoa học kỳ cựu nói rằng việc hợp tác nghiên cứu với Nga nên chấm dứt.

Năm 2011, Nga đã ký một thỏa thuận sẽ trả cho Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ 300 triệu USD để giúp thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo (Skoltech), một trường đại học nghiên cứu sử dụng tiếng Anh ở ngoại ô thủ đô Moscow.

Hàng chục nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã chớp lấy cơ hội nhận nhiệm vụ ở nước ngoài, điều mà họ nghĩ sẽ giúp hàn gắn những rạn nứt kéo dài từ thời Xô Viết, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới ở một nơi khao khát trở thành Thung lũng Silicon của Nga.

Đó là một khoảng thời gian rất thú vị”, theo Ed Seidel, nhà khoa học máy tính và hiện là Chủ tịch Đại học Wyoming (Mỹ), người được giao nhiệm vụ xây dựng năng lực nghiên cứu của Skoltech.

Trích dẫn "cuộc tấn công của Nga với nước láng giềng", MIT vào ngày 25.2 đã từ bỏ quan hệ đối tác với Skoltech, một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công Ukraine. Quyết định này gây tiếng vang cho cá nhân Chủ tịch MIT - L. Rafael Reif, người từng kể rằng cha mẹ ông đã chạy trốn khỏi khu vực miền tây Ukraine - Moldova vào trước Thế chiến thứ hai.

Việc rút lui của MIT chỉ ảnh hưởng đến một số giảng viên và sinh viên, nhưng sẽ là tổn thất lớn về uy tín cho Skoltech, theo Keith Stevenson, nhà điện hóa đã chuyển đến Nga từ Đại học Texas (Mỹ) để thành lập một trung tâm công nghệ lưu trữ năng lượng.

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi phương Tây cắt đứt các mối quan hệ với khoa học Nga. Ủy ban châu Âu đã đình chỉ sự tham gia của Nga vào chương trình nghiên cứu hàng đầu của họ là Horizon Europe. Các hội đồng nghiên cứu quốc gia của một số nước châu Âu, bao gồm Pháp, Đức, Ý và Hà Lan, đã ngừng hợp tác với Nga.

Augusto Marcelli, nhà vật lý tại Viện Vật lý Hạt nhân quốc gia Ý và là cố vấn của Bộ Ngoại giao Ý, nhận định: “Trong khi có xung đột và người dân đang chiến đấu, quyết định duy nhất là dừng mọi thứ lại”.

Các nhà ngoại giao khoa học kỳ cựu từng dành sự nghiệp của mình để xây dựng mối quan hệ với Nga cũng đồng ý điều này. "Điều quan trọng là phải nhất quán trong chính sách của chúng ta với Nga, đó là cô lập và trừng phạt họ”, theo Cathleen Campbell, cựu Chủ tịch CRDF Global, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về hoạt động không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học ở Liên Xô cũ.

Tại sao chúng ta phải đối xử với các cuộc trao đổi khoa học khác với các trận bóng Champions League, các buổi biểu diễn ba lê, các giao dịch tài chính hay các dự án đầu tư - tất cả đều bị hủy bỏ trong những ngày gần đây?”, Alfred Watkins, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Giải pháp Toàn cầu và một cựu quan chức Ngân hàng Thế giới, người đã dẫn đầu các dự án nâng cao năng lực khoa học ở Nga và Ukraine, đặt câu hỏi.

Các tổ chức khoa học khác đã chống lại việc bị lôi kéo vào những gì họ coi là "bãi mìn chính trị". Ví dụ, vào tuần trước, Liên minh Thiên văn quốc tế (IAU) đã bác bỏ kiến ​​nghị của các nhà thiên văn học Ukraine về việc cấm các nhà thiên văn Nga tham gia các hoạt động của IAU.

Đó chắc chắn sẽ là một tuyên bố chính trị, điều mà IAU không thể làm được. IAU được thành lập ngay sau Thế chiến thứ nhất để gắn kết các đồng nghiệp lại với nhau. Vì vậy chúng tôi không muốn chia rẽ họ bằng cách quyết định hỗ trợ ai dựa trên những gì chính phủ của họ làm”, Chủ tịch IAU - Debra Elmegreen đã viết trong email ngày 1.3 cho Yaroslav Yatskiv, Chủ tịch Hiệp hội Thiên văn học Ukraine.

Lò phản ứng nhiệt hạch ITER thử nghiệm ở Pháp hiện không có kế hoạch trục xuất Nga, quốc gia là thành viên chính thức của một trong những hợp tác khoa học lớn nhất thế giới.

Đại diện các đại học ở Vương quốc Anh đã khuyên các thành viên của mình xem xét các hợp tác với Nga trong từng trường hợp cụ thể: "Chúng tôi không ủng hộ một cuộc tẩy chay toàn diện".

Dù Đức đang có lập trường cứng rắn là cắt nguồn tài trợ cho các nhà nghiên cứu được hỗ trợ ở Nga, nhưng Peter-André Alt - Chủ tịch của Hiệp hội Hiệu trưởng Đức, khuyến khích các nhà khoa học mở các kênh hợp tác không chính thức. Ông lưu ý rằng nhiều nhà khoa học ở Nga đã lên tiếng phản đối chiến tranh, ít nhất là cho đến tuần trước, khi Tổng thống Putin ký luật dọa phạt tù với bất kỳ ai tung tin sai sự thật về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine mà họ mô tả là “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Chúng tôi muốn hỗ trợ những đồng nghiệp này”, ông Peter-André Alt nói.

CERN, phòng thí nghiệm vật lý hạt lớn nhất thế giới ở Thụy Sĩ, từ lâu đã tự hào là ngã tư Đông Tây. “Một trong những phương châm của CERN là khoa học vì hòa bình”, theo John Ellis, nhà vật lý lý thuyết từ Đại học Hoàng gia London, người làm việc tại CERN và là nhân viên của phòng thí nghiệm hơn 40 năm. Ông lưu ý rằng CERN đã không trục xuất các nhà khoa học Nga khi Liên Xô tấn công Tiệp Khắc vào năm 1968 hoặc Afghanistan vào năm 1979.

Hội đồng quản lý CERN dường như đang đi đúng hướng này. Trong phiên họp đặc biệt vào ngày 8.3, đại diện từ 23 quốc gia thành viên của CERN đã bỏ phiếu đình chỉ tư cách quan sát viên từ Nga và cấm đại diện của họ kiểm tra các cuộc thảo luận của hội đồng, nhưng không trục xuất hơn 1.000 nhà khoa học Nga, vốn chiếm khoảng 8% người dùng quốc tế của CERN. Trong một tuyên bố, Hội đồng quản lý CERN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và "sẵn sàng thực hiện các biện pháp tiếp theo nếu thích hợp".

Nhiều nhà khoa học Ukraine chỉ trích các đồng nghiệp phương Tây vì cố gắng giữ thái độ trung lập. Cái chết của dân thường Ukraine ngày càng gia tăng sau khi Nga thay đổi chiến lược và bị tố tăng cường pháo kích vào các mục tiêu dân sự. "Chúng tôi cần sự giúp đỡ trong việc cô lập chính phủ và người dân Nga khỏi thế giới. Và chúng tôi cần thêm vũ khí", Sergiy Ryabchenko của Viện Vật lý Ukraine nói.

Anatoly Zagorodny, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Ukraine, cho biết: “Chúng tôi đang kêu gọi cộng đồng khoa học thế giới ngay lập tức ngăn chặn sự đổ máu và tàn phá với một quốc gia châu Âu văn minh”.

Dẫn đầu các nỗ lực thu hút các nhà khoa học Nga sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, chuyên gia an ninh toàn cầu Gerson Sher nói: “Các tổ chức phương Tây phải có lập trường. Đó là vấn đề đạo đức và im lặng không phải là một lựa chọn”.

cac-nuoc-phuong-tay-cat-dut-quan-he-voi-khoa-hoc-nga.jpg
Những người Ukraine cố gắng chạy trốn khỏi thủ đô Kyiv đứng dưới một cây cầu bị phá hủy bắc qua sông Irpin - Ảnh: AP

Tình cảnh ở thủ đô Kyiv và các thành phố Ukraine bị bao vây khác đang xấu đi nhanh chóng. Tuần trước, các mảnh vỡ tên lửa đã làm hỏng một đường ống cung cấp nhiệt và nước nóng cho trung tâm Kyiv, nơi Sergei Mosyakin - Giám đốc Viện Thực vật học cư trú.

Tôi không quan tâm lắm vì tôi chịu lạnh khá tốt”, Sergei Mosyakin nói. Thay vào đó, ông lo lắng nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người già và trẻ nhỏ.

Sergei Mosyakin cho biết nhiều đồng nghiệp đã cầm vũ khí để bảo vệ ngôi nhà của họ. Những người khác tìm cách ẩn náu ở nước ngoài.

Irina Belskaya, chuyên gia về tiểu hành tinh và sao chổi tại Đại học quốc gia V.N. Karazin Kharkiv (Ukraine), đã đến Ba Lan và nhờ sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp tại Đài quan sát của Poznan.

Một số người đang tìm kiếm nơi cất giữ các giải thưởng khoa học của họ. Trong đó, nhà côn trùng học Valery Kyersev thuộc Viện Động vật học II Schmalhausen ở Kyiv đã cố gắng đến Berlin (Đức) với hai chiếc duffel bằng nhựa chứa các mẫu vật.

Các nhà khoa học Ukraine khác vẫn chưa thoát khỏi vùng chiến sự. “Tôi không còn sức lực để đứng hàng giờ đồng hồ ở nhà ga xe lửa" là chia sẻ từ Irina Yehorchenko, nhà vật lý toán học tại Viện Toán học Ukraine. Irina dành những ngày qua để di chuyển giữa hầm trú bom và căn hộ ở Kyiv của mình. Cô hy vọng sẽ được tham gia một đoàn xe nhân đạo tới thành phố Lviv, miền tây Ukraine.

Các phòng thí nghiệm ở châu Âu, Mỹ và các nơi khác đang mở cửa đón các nhà khoa học tị nạn. Taras Oleksyk, nhà sinh vật học tiến hóa người Ukraine tại Đại học Oakland (Mỹ) và các đồng nghiệp đã tổng hợp một danh sách hơn 1.000 phòng thí nghiệm sẵn sàng tiếp nhận các nhà khoa học tị nạn.

Học viện Trẻ Ba Lan, một bộ phận của Học viện Khoa học Ba Lan (PAN), đã tìm được chỗ ở và việc làm cho hàng chục nhà nghiên cứu Ukraine.

Các nhà khoa học Nga cũng nằm trong số những người tị nạn. Có tin đồn rằng Tổng thống Putin sẽ tuyên bố thiết quân luật và đóng cửa biên giới. Một số nhà khoa học Nga phản đối chiến tranh đang chạy trốn trước khi mắc kẹt.

Họ bỏ đi trong sợ hãi vì những gì sắp xảy ra”, theo Igor Krichever, nhà toán học người Mỹ gốc Nga tại Đại học Columbia (Mỹ). Ông từng dành vài tháng mỗi năm ở thủ đô Moscow với tư cách là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp của Skoltech và là 1 trong hơn 500 nhà toán học Nga đã ký bức thư ngỏ lên án cuộc tấn công Ukraine.

Mỹ là một trong những nước đi đầu trong việc ban hành các biện pháp trừng phạt tài chính với Nga và áp dụng các giới hạn mới với việc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, chính sách của Mỹ trong hợp tác với Nga về nghiên cứu và phát triển vẫn chưa được ban hành công khai.

Một số quyết định không thể chờ chỉ thị. Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã can thiệp vào một cuộc thám hiểm đang diễn ra với Canada và Nga để hiểu rõ hơn về hệ sinh thái cá hồi ở Bắc Thái Bình Dương, nơi cá hồi tập trung trước khi sinh sản trên các con sông ở cả ba quốc gia.

Một nhà khoa học Mỹ dự định sẽ đi trên tàu Tinro của Nga, nhưng vào ngày 24.2, NOAA đã cấm người này lên tàu. Tuần trước, Eric Regehr, nhà sinh vật học thuộc Đại học Washington (Mỹ), đã từ bỏ kế hoạch tham gia cùng các nhà nghiên cứu Nga trên Đảo Wrangel (Nga) trong một chiến dịch hàng năm được hỗ trợ bởi Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ, để nghiên cứu cuộc di cư của gấu Bắc Cực từ Alaska đến Siberia.

Viện Skoltech vẫn tồn tại sau các sự cố trước đó. Nga sáp nhập Crimea vào 2014 và cuối năm đó, quân ly khai do Nga hậu thuẫn bị tố bắn rơi máy bay Malaysia Airlines đi qua miền đông Ukraine. Giám đốc người Hà Lan của trung tâm nghiên cứu tế bào gốc Skoltech đã chết trong vụ tai nạn. “Skoltech vẫn kiên cường”, Ed Seidel nói, nhưng ông lo sợ lần này sẽ khác.

Skoltech hy vọng rằng việc tiếp nhận tài năng trẻ của Nga sẽ giúp vượt qua sự cô lập sắp xảy ra. Tuần trước, Skoltech đã mời các ứng viên là các sinh viên người Nga tốt nghiệp ở nước ngoài, vốn đang đối mặt với những khó khăn từ cuộc xung đột. Thế nhưng, chừng nào Nga vẫn bị xem là "kẻ xấu" thì Skoltech vẫn sẽ tê liệt, theo Ed Seidel.

"Điều đó khiến tôi rất đau lòng. Tôi không biết họ sẽ phục hồi như thế nào sau điều này", ông thổ lộ.

Bài liên quan
Giá kim loại tăng cao do Nga tấn công Ukraine, các hãng ô tô và khách hàng gánh hậu quả
Việc Nga tấn công Ukraine đang làm tăng giá kim loại được sử dụng trong ô tô, từ nhôm trong thân xe, palladium ở bộ chuyển đổi xúc tác đến niken cao cấp trong pin ô tô điện.

(2) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hoang mang về thực phẩm chức năng: Trách nhiệm của Bộ Y tế
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Các đại biểu quốc hội cho biết trên thị trường tràn lan sản phẩm chức năng, dược, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, thổi phồng công dụng… dẫn đến rủi ro cho người tiêu dùng. Trách nhiệm của Bộ Y tế đối với những tồn tại, hạn chế trong quản lý các mặt hàng này là gì?
Đừng bỏ lỡ
  • Bắt 2 phụ nữ liên quan vụ vận chuyển trái phép hơn 700 viên kim cương
    2 giờ trước Theo dòng thời sự
    Ngày 11.11, Công an TP.HCM đã thông tin về việc điều tra mở rộng vụ người ngoại quốc mang hơn 700 viên kim cương nhập cảnh vào Việt Nam không khai báo.
  • 10 loại thực phẩm 'trị bệnh' thiếu canxi
    2 giờ trước Thông tin Y học
    Thiếu canxi lâu dài trong khẩu phần ăn, ngoài dẫn đến nguy cơ thiếu xương, loãng xương còn có thể dẫn tới những bệnh lý nghiêm trọng như cao huyết áp và ung thư ruột…
  • Màn hình kéo giãn có thể mở rộng đến 50%
    3 giờ trước Khoa học - công nghệ
    LG Display - một trong số công ty hàng đầu thế giới về công nghệ hiển thị - vừa ra mắt nguyên mẫu màn hình kéo giãn có thể mở rộng đến 50%, gấp đôi kỷ lục 20% trước đó.
  • Sóc Trăng: Rộn ràng đêm nhạc ngũ âm
    3 giờ trước Du lịch
    Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần lễ VHTT-DL Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024 và tiến tới tới sự kiện xác lập kỷ lục về trình diễn nhạc ngũ âm quy mô lớn nhất Việt Nam, tối 11.11, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Sóc Trăng tổ chức biểu diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng.
  • Gắn du lịch với sản phẩm OCOP - hướng đi mới của du lịch Cà Mau
    4 giờ trước Du lịch
    Lãnh đạo UBND huyện U Minh (Cà Mau) cho biết, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là 1 trong 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có điểm du lịch sinh thái, cộng đồng nào đạt tiêu chuẩn này. Từ đó, sản phẩm OCOP của huyện U Minh thuộc lĩnh vực du lịch vẫn còn bị bỏ ngỏ, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nước phương Tây cắt đứt quan hệ với khoa học Nga dù nhiều tổ chức giữ thái độ trung lập