Việc Bộ Công Thương đề xuất xây dựng nghị định riêng về “Made in Vietnam” là cần thiết, giúp các doanh nghiệp không còn lúng túng khi muốn ghi nhãn sản phẩm.

Xây dựng nghị định về “Made in Vietnam” liệu có cần thiết?

Lam Thanh | 19/10/2020, 15:53

Việc Bộ Công Thương đề xuất xây dựng nghị định riêng về “Made in Vietnam” là cần thiết, giúp các doanh nghiệp không còn lúng túng khi muốn ghi nhãn sản phẩm.

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLAW để làm rõ hơn vấn đề này.

luat-su.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLAW - Ảnh: Internet

Bộ Công Thương mới đây đề xuất xây dựng Nghị định riêng về “Made in Vietnam”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thời gian qua, Việt Nam tích cực đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế. Bằng chứng là chúng ta đã tham gia vào hàng loạt các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương (FTA).

Việc tham gia vào các hiệp định này đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi thế, tuy nhiên, trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng và hàng loạt các FTA có yêu cầu cao về xuất xứ thì rất cần các biện pháp xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ.

Không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả thị trường nội địa, các quy định về quy tắc xuất xứ cũng rất cần được làm rõ. Gần đây, vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ tại Việt Nam để bán tại thị trường trong nước được báo chí nhắc đến khá nhiều.

Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh, Bộ Tài chính xác định có dấu hiệu vi phạm cơ bản của đơn vị này trên nhiều mặt, trong đó có vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, với việc nhập linh kiện về lắp ráp thành sản phẩm, quy định về xuất xứ sản phẩm lại tương đối mở và chưa hề có tiêu chí xác định.

Chính bởi việc xác định xuất xứ hàng hóa chưa cụ thể, chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được gắn nhãn “Made in Vietnam” nên việc gắn nhãn sản xuất hoàn toàn áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai, doanh nghiệp tự đưa ra và đánh giá sản phẩm như thế nào là có xuất xứ Việt Nam. Người tiêu dùng cũng lựa chọn và phân biệt hàng “Made in Vietnam” dựa trên cơ sở tự nhận biết và tin tưởng vào các nhãn hàng.

Việc thiếu quy định về tiêu chí đánh giá nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa tạo ra nhiều kẽ hở khiến nhiều doanh nghiệp gian lận, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường, tới người tiêu dùng, làm giảm uy tín và sức cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

Vì vậy, việc Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Nghị định riêng về “Made in Vietnam” – “hàng hóa sản xuất tại Việt Nam” để quy định rõ là một điều cần thiết và giúp các doanh nghiệp không còn “lúng túng” khi muốn ghi nhãn sản phẩm.

Bộ Công Thương muốn xây dựng nghị định, nhưng nghị định phải hướng dẫn từ luật, trong khi hiện nay không có luật nào quy định về hàng hoá sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu để dưới dạng thông tư thì lại có nhiều vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ.

Ông nghĩ sao về điều này và theo ông, giải pháp nào là hợp lý cho vấn đề này?

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, Nghị định của Chính phủ được ban hành không chỉ với mỗi nhiệm vụ hướng dẫn luật.

Theo Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ ban hành nghị định để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội…

Như vậy, theo khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ có quyền ban hành nghị định để quy định vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành loại Nghị định này cần có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Nghị định là văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, vì vậy, Bộ Công Thương thấy cần thiết phải có một nghị định quy định về vấn đề “hàng hóa sản xuất tại Việt Nam” thì đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ xem xét tiến hành xây dựng nghị định là hoàn toàn phù hợp theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quyền ban hành thông tư để quy định về “biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình”.

Thực tế hiện nay đã có một số văn bản thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa như Thông tư số 03/2019/TT-BCT, Thông tư số 21/2019/TT-BCT, trong đó có việc quy định làm thế nào để một sản phẩm được xem là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này cũng mới chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm thực hiện các FTA.

Hiện nay, chưa có quy định chính thức về hàng hóa dán nhãn “Made in Vietnam” và nếu ban hành văn bản ở cấp Thông tư thì có nhiều bất cập. Văn bản quy định chính thức về vấn đề này thì cần phải chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam, tức là chứa đựng những quy định về điều kiện, mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thi không thể ban hành dưới hình thức Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, do chỉ có thể quy định về các biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình, thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương chưa quy định được nhiều vấn đề khác do liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành khác, ví dụ như các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa được thông qua ngày 18.6.2020 (có hiệu lực từ 1.1.2021) đã quy định bổ sung khoản 8a Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với quy định “Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”. Vì vậy cũng không thể ban hành thông tư liên tịch của các Bộ trưởng để giải quyết vấn đề này.

Như vậy, nếu Bộ Công Thương muốn có một văn bản quy phạm pháp luật quy định về “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam” thì đề xuất với Chính phủ xây dựng nghị định là hợp lý.

Theo ông, tiêu chí nào thì hàng hóa được gọi là “Made in Vietnam”?

Nghị định 31/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa hiện nay đang là căn cứ để xác định thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam (made in Vietnam), được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế.

Khoản 1 Điều 3 của Nghị định này đưa ra định nghĩa “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.”

Theo đó, khái niệm “hàng hóa made in Việt Nam” có thể được hiểu - Hàng hóa được sản xuất với toàn bộ tại Việt Nam; Hàng hóa có công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng là Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy hiện tại việc đánh giá một sản phẩm hay hàng hóa liệu có được mang nhãn “made in Vietnam” hay không đã có nhưng chưa thống nhất về cách hiểu và định Ngoài ra, trong trường hợp cần xác định cụ thể hơn về hàm lượng giá trị khu vực (RVC), chúng ta vẫn đang rất thiếu quy định.

Một số ý kiến cho rằng việc xây dựng nghị định này là không cần thiết. Quan điểm của ông thế nào?

Mặc dù hiện nay Việt Nam đã có Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa; Nghị định 31/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, nhưng phạm vi điều chỉnh của văn bản này tập trung vào xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định cách xác định như thế nào là “Sản phẩm của Việt Nam”hay “Sản xuất tại Việt Nam”.

Vì thực tế hiện chưa có quy định cách xác định như thế nào là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam” nên việc sửa đổi các văn bản quy định hiện nay về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là không có cơ sở pháp lý để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.

Vì những lý do trên, việc dự kiến ban hành Nghị định về “Made in Vietnam” là điều vô cùng cấp thiết hiện nay của Bộ Công Thương, nhằm cụ thể hóa quy định về “Made in Vietnam” cũng như tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho thương hiệu.

Ở một số nước phát triển trên thế giới, họ quản lý vấn đề này như thế nào? Thưa ông?

Để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng về xuất xứ của hàng hóa, nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã yêu cầu các công ty đa quốc gia đặt trụ sở tại nước đó sử dụng “Made in...” (sản xuất tại...) cho các sản phẩm mà đa phần các linh kiện đầu vào cho quá trình lắp ráp được cung ứng từ chính quốc gia đó và “Assembled in...” (lắp ráp tại...) cho các sản phẩm mà đa phần các linh kiện đầu vào được nhập khẩu từ nước ngoài.

Chẳng hạn: Một chiếc điện thoại Samsung, có pin sản xuất tại Hàn Quốc, được đưa đến Trung Quốc hay Việt Nam lắp ráp thì trên cục pin sẽ được ghi là “Made in Korea, Assembled in...”; hay nhiều sản phẩm của hãng Apple nổi tiếng được lắp ráp tại Trung Quốc sẽ được ghi xuất xứ là “Designed by Apple in California, Assembled in China”.

Nhìn chung, các nước tiên tiến đều đã có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước đó quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể.Ví dụ: Quy định của Thụy Sỹ đối với đồng hồ, quy định của Mỹ đối với ô tô, hàng dệt may và len,…

Nhiều nước còn cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng hóa sản xuất thụ trong nước. Nhưng một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì đều bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chí và điều kiện đã được quy định.

Về chế tài xử phạt, một số nước trên thế giới xử phạt rất nặng đối với các nhân hay tổ chức có hành vi cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa. Ví dụ: theo quy định của Ý; tổ chức, cá nhân gắn nhãn “Made in Italy” vào sản phẩm đồ da mà không đáp ứng tiêu chí về thương hiệu “Made in Italy” có thể phải nộp phạt tới 100.000 Euro.

Hay như tại Canada, nếu tổ chức, cá nhân gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu đô-la Canada, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tù từ 1 đến 14 năm.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng nghị định về “Made in Vietnam” liệu có cần thiết?