Đưa ra một trong những giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc không thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp.
Chiều 23.12, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã tổ chức họp báo chuyên đề về Kết quả tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015, kế hoạch tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 và một số nội dung về Dự thảo Nghị định về chuyển DNNN thành công ty cổ phần.
Tại buổi họp báo, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 508 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 80 doanh nghiệp. Tổng giá trị thực tế doanh nghiệp của 508 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa là 760.774 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỉ đồng.
Đánh giá về tình hình cổ phần hóa DNNN, ông Tiến cho rằng hoạt động cổ phần hóa vẫn chưa được đồng đều, giai đoạn 2011-2015 mới đạt về số lượng nhưng chất lượng chưa cao.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, năm 2016 đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỉ đồng. Bên cạnh đó năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỉ đồng, thu về 6.840 tỉ đồng.
Theo đó, để tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN 2016-2020 như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước. Đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước;
Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt; Xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặcthực hiện khônghiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc xây dựng phương án và tiếp tục thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần, vốn góp sẽ được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020.
Các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả sẽ được rà soát, xử lý dứt điểm theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật.
Tuyết Nhung