Gần 1 năm trôi qua, vấn đề nợ xấu luôn được xem là đề tài "nóng hổi", chắn đường nhiều kế hoạch phát triển của ngành ngân hàng nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm. Trong bức tranh này, "nút thắt" cần được tháo gỡ chính là nguồn lực xử lý nợ xấu.

Bức tranh nợ xấu 2016: Đi một đường dài, rào cản vẫn là nguồn lực

tuyetnhung | 23/12/2016, 08:02

Gần 1 năm trôi qua, vấn đề nợ xấu luôn được xem là đề tài "nóng hổi", chắn đường nhiều kế hoạch phát triển của ngành ngân hàng nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm. Trong bức tranh này, "nút thắt" cần được tháo gỡ chính là nguồn lực xử lý nợ xấu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 9.2016, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức 2,62% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, báo cáo từ Tổng công ty quản lý tài sản (VAMC) cũng chỉ ra từ năm 2013 đến nay, VAMC đã mua 52.062 khoản nợ tại 42 TCTD với tổng dư nợ gốc 262.054 tỉ đồng, giá mua nợ lũykế 227.848 tỉ đồng.

Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản đảm bảo. Sau khi mua nợ, VAMC và các TCTD đã cơ cấu lại nợ 55.603 tỉ đồng, bán nợ 841 tỉ đồng, đôn đốc thu hồi nợ 15.875 tỉ đồng... tổng cộng đã xử lý được 155.362 tỉ đồng liên quan đến 8.400 khách hàng.

Theo báo cáo của các bên liên quan, năm 2012 tỉ lệ nợ xấu là 4,2%, sau khi thực hiện các biện pháp xử lý thì đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 2,55% nhưng đến tháng 6.2016 lại có xu hướng tăng lên 2,7% và hiện giờ, tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 2,62%.Đáng chú ý, số nợ xấu liên quan đến vụ án chiếm tỉ trọng khácao trong tổng nợ xấu. Đây là những khoản nợ khó xử lý, phần lớn chưa thu hồi được.

Từ những con số trên, đại diện NHNN thừa nhận, nợ xấu trong kho vẫn còn nhưng hệ thống ngân hàng phải tập trung xử lý trong bối cảnh nguồn lực để xử lý nợ xấu đang bị giới hạn rất nhiều. Theo các chuyên gia, xử lý nợ xấu vẫn đa phần sử dụng "cơ chế"mà không có "tiền tươi, thóc thật"nên vẫn trong vòng luẩn quẩn, chưa dứt điểm nên khó có thể hình thành thị trường mua bán nợ như kỳ vọng. Do đó, cần phải có những giải pháp mang tính đột phá với sự hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC từng chia sẻ, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường còn rất nhiều "nút thắt". "Nút thắt"từ nội tại VAMC là sự hạn chế về nguồn nhân lực, tài chính. VAMC không thể xử lý triệt để nợ xấu nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các TCTD, khách hàng. Ngoài ra, hành lang pháp lý để vận hành thị trường mua bán nợ còn nhiều hạn chế.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nguồn lực nhà nước sẽ là giải pháp xử lý nợ xấu hiệu quả nhất hiện nay. Trong những năm qua, một nửa số nợ xấu đã được bán qua VAMC, nửa còn lại thì ở chỗ các ngân hàng thương mại. Những ngân hàng này đã cố gắng thu hồi nợ và xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro cũng như là thu hồi tài sản bảo đảm, nhưng cũng không giải quyết được vấn đề.

Không những vậy, các ngân hàng lại còn phát sinh ra các khoản nợ xấu mới. Phía VAMC cho đến bây giờ mới giải quyết được khoảng 50% trong số nợ hơn 250.000 tỉ đồng từ các ngân hàng thương mại. Số nợ còn tồn tại đang tiếp tục gây ra những tác hại cho hệ thống ngân hàng, cụ thể là số nợ đáng lý ra phải thu hồi thì không thu hồi được, nên ngân hàng phải huy động từ thị trường để lấy vốn mới bù vào các khoản vốn thất thu. Theo đó, lãi suất cứ phải tăng lên để hấp dẫn người gửi tiền. Tình trạng này ngày càng chứng tỏ rằng việc giải quyết nợ xấu đang rất trì trệ.

"Tôi cho rằng giải pháp bây giờ là dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Vấn đề này đã gây nên những ý kiến trái chiều, nhưng chúng ta phải hiểu cho đúng, thế nào là dùng ngân sách để xử lý nợ xấu? Chính phủ dùng ngân sách để xử lý nợ xấu không có nghĩa là chính phủ trả nợ thay cho các doanh nghiệp đã mắc nợ xấu", ông Hiếu nói.

Còn với TS Cấn Văn Lực - Phó tổng giám đốc,cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, hiện nay có 3 con số về nợ xấu. Cụ thể, BIDV tính toán nợ xấu hiện khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng, theo tính toán của Thuỵ Sĩ là khoảng 8% còn theo IMF là 10-11%. Đã đến lúc phải có cơ chế đột phá để xử lý nợ xấu một cách có hiệu quả vì 3 năm qua, nợ xấu mới được dẹp sang một bên khi bán cho VAMC.

Theo đó, TS Lực đề xuất cần có đạo luật riêng để xử lý nợ xấu vì hiện nay liên quan đến quá nhiều luật, nếu chờ sửa từng luật thì không có thời gian. Bên cạnh đó, cần hình thành thị trường mua bán nợ, cho phép VAMC bán lỗ và phải có cơ chế tài chính từ ngân sách để xử lý nợ xấu.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bức tranh nợ xấu 2016: Đi một đường dài, rào cản vẫn là nguồn lực