Dự báo sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo, Bộ NN-PTNT khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân trong nước.

Xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo năm nay, vẫn đủ nhu cầu trong nước

25/03/2020, 22:39

Dự báo sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo, Bộ NN-PTNT khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân trong nước.

Dự báo, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo - Ảnh: Internet

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết dự kiến kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước là 29,96 triệu tấn thóc. Cụ thể, người dân tiêu thụ 14,26 triệu tấn thóc; phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn thóc; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn thóc,...

Tính đến ngày 15.3, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 1,29 triệu tấn, tăng 26,5% và giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019. Bộ này dự báo, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 - 13,4 triệu tấn thóc).

Với tình hình xuất khẩu gạo khoảng 6 - 7 triệu tấn năm nay, Bộ NN-PTNT cho biết vẫn đảm bảo nhu cầu trong nước. Sản lượng xuất khẩu dù tăng mạnh nhưng luôn nằm trong sự kiểm soát.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương theo dõi sát nhu cầu xuất nhập khẩu của các thị trường để kịp thời tận dụng tốt những cơ hội, đặc biệt lưu ý tình hình xuất khẩu gạo của Ấn Độ và các nước xuất khẩu gạo trong khu vực.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo để đảm bảo dự trữ, lưu thông và bình ổn giá lúa gạo nội địa cũng như xuất khẩu, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trước đó ngày 23.3, Bộ Công Thương đã có đề xuất về việc tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5.2020 để đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.

Dựa trên đề xuất của Bộ Công Thương, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng, ban hành thông tư hướng dẫn để cụ thể hóa việc tạm dừng xuất khẩu gạo theo trình tự thủ tục rút gọn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạm dừng việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24.3. Ngay sau đó, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng các loại gạo xuất khẩu từ 0 giờ ngày 24.3.

Tuy nhiên, đến chiều 24.3, Bộ Công Thương lại có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chưa thực hiện việc tạm dừng xuất khẩu gạo, do sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp cho thấy đang có sự vênh về số liệu mà Bộ Công Thương đang có với số liệu thực tế ở các địa phương và doanh nghiệp, Bộ Công Thương thấy rằng cần có thêm thời gian để đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, rà soát lại lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục thực hiện bình thường.

Văn phòng Chính phủ ngày 25.3 đã có văn bản gửi các bộ Công Thương, Tài chính, NN-PTNT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ nói trên và các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.

Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định trước ngày 28.3.2020.

Trong khi chờ báo cáo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi đoàn kiểm tra liên ngành báo cáo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua. Các bộ Công Thương, Tài chính, NN-PTNT, Thủ tướng và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng gạo cho nhân dân trong nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo năm nay, vẫn đủ nhu cầu trong nước