Năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gặt hái thành công khi đạt mốc 11 tỉ USD. Tuy nhiên, một số dự báo cho thấy bước sang năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản sẽ gặp không ít khó khăn.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tìm hướng đi giải bài toán khó trong năm 2023

Hồ Đông | 19/01/2023, 19:19

Năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gặt hái thành công khi đạt mốc 11 tỉ USD. Tuy nhiên, một số dự báo cho thấy bước sang năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản sẽ gặp không ít khó khăn.

Năm 2022, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu và đạt kết quả ấn tượng. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỉ USD, trong đó, tôm mang về 4,3 tỉ USD, cá tra đạt 2,4 tỉ USD, cá ngừ và hải sản khác lần lượt mang về 1 tỉ USD và 3,2 tỉ USD. Riêng thị trường Mỹ, lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch trên 2 tỉ USD. 

Đây là mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới và kết quả nỗ lực của các bên liên quan trong chuỗi giá trị cung ứng ngành thủy sản, trong đó có các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. Với kết quả của năm 2022, ước tính thuỷ sản Việt Nam sẽ chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, sang năm 2023 thì Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ đề ra mục tiêu, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn, bằng 96,7% so với ước thực hiện năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Đồng thời, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỉ USD.

Việc ngành thủy sản chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD, kém 1 tỉ USD so với năm ngoái lường trước sự bất ổn của thị trường nhập khẩu . Thậm chí, để đạt kim ngạch 10 tỉ USD thì đó cũng cần nỗ lực lớn trong việc tìm kiếm thêm thị trường. 

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến năm 2023 ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Những lợi thế về thị trường trong quý IV/2022 và quý I/2023 sẽ không còn vì lạm phát đã “ngấm sâu” vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới, xuất khẩu trong quý I/2023 sẽ bị sụt giảm. Hiện nay các đơn hàng gần như bị sụt giảm rất mạnh, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng cho cho quý I/2023.

Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm đơn hàng của ngành thủy sản là do biến động về tỷ giá, lạm phát khiến nguồn chi của người tiêu dùng bị thắt chặt. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước gặp khó vì thiếu vốn, lại thêm khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đặc biệt, cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%. Nếu doanh nghiệp không đủ vốn để mua nguyên liệu dẫn đến doanh nghiệp chậm trễ đơn hàng cho khách hàng.

Chưa hết, doanh nghiệp Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh từ những đối thủ xuất khẩu mặt hàng thủy sản với chi phí thấp và giá bán rẻ hơn như Ecuador hay Ấn Độ. Lượng hàng tồn kho tăng, trong khi đó, khâu bảo quản, logistics của phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn còn hạn chế.

Bà Hằng cho biết trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn trong năm 2023, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Lý do là nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác. Khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ bùng nổ.

Trong các mặt hàng xuất khẩu, cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc. Thời gian gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ cá tra và các loại cá nước ngọt khác nhiều hơn cá rô phi, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.

Đối với mảng tôm, Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn nhưng tôm Việt Nam khó cạnh tranh ở Trung Quốc ở cả phân khúc cao cấp và nguyên liệu. Do vậy, các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng sang các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, châu Âu...

Ngoài ra, thủy sản Việt Nam vẫn có thể giữ hoặc tăng thị phần tại các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông… là những thị trường có nền kinh tế ít bị ảnh hưởng hơn so với các thị trường lớn khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
34 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tìm hướng đi giải bài toán khó trong năm 2023