Việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án giảm phí cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, khiến cánh tài xế và người dân không đồng tình… Trong ngày 24.5, trạm BOT T2 thất thủ “toàn tập”.

An Giang: Trạm BOT T2 ‘thất thủ’ liên tục vì nhiều tài xế chỉ trả đúng 2.000 đồng

Khang Duy | 25/05/2019, 06:19

Việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án giảm phí cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, khiến cánh tài xế và người dân không đồng tình… Trong ngày 24.5, trạm BOT T2 thất thủ “toàn tập”.

Chỉ giảm giá?

Ngày 24.5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, vừa ra công văn đề nghị giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, nằm trên quốc lộ 91 (thuộc Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ).

Theo công văn, Tổng cục ĐBVN đề nghị Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ, nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2 đối với các khu vực lân cận thuộc tỉnh Đồng Tháp. Tiếp tục cập nhật, xem xét giảm giá cho các phương tiện thuộc diện giảm giá đối với khu vực lân cận trên địa bàn An Giang và TP.Cần Thơ như phương án đã phê duyệt.

Nữ tài xế cũng tham gia phản đối - Ảnh: Tô Văn

Công văn này cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp căn cứ phạm vi tối đa 10 km quanh trạm thu phí T2 theo hướng dẫn của Bộ GTVT tại văn bản số 11519/BGTVT- ĐTCT ngày 11.10.2017, mức giảm giá đối với các phương tiện đã được Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN chấp thuận và hướng dẫn tương tự như đối với các tỉnh Kiên Giang, An Giang, TP.Cần Thơ. Thời gian đề nghị gửi văn bản cho Tổng cục ĐBVN trước ngày 5.6.2019.

Cũng theo công văn, ngoài vấn đề nêu trên, Tổng cục ĐBVN nhấn mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về an ninh, trật tự giao thông, phòng ngừa các tình huống gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông. Tổng cục ĐBVN cũng đề nghị UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan địa phương rà soát phương tiện thuộc diện giảm giá và phối hợp với nhà đầu tư để thực hiện giảm giá như phương án đã được duyệt.

Kẹt xe kéo dài buộc chủ đầu tư xả trạm - Ảnh: Tô Văn

Theo đó, Tổng cục ĐBVN giao cho Cục Quản lý đường bộ IV chủ trì thực hiện kiểm tra lưu lượng, chủng loại phương tiện qua trạm T2 trong 3 ngày tới và báo cáo kết quả trong ngày 28.5 cho Tổng cục ĐBVN.

Vì sao Trạm BOT T2 thất thủ trong ngày 24.5?

Sau khi Tổng cục ĐBVN đề nghị nhà đầu tư giảm giá và thu phí các phương tiện qua lại, thì trạm BOT T2 lại nóng lên khi nhiều tài xế tiếp tục đưa tiền mỗi lượt chỉ 2.000 đồng và phản đối bằng cách dừng xe khiến trạm BOT T2 phải xả trạm liên tục.

Theo ghi nhận, từ sáng sớm 24.5 đến 22 giờ đêm cùng ngày, lãnh đạo BOT T2 và các cơ quan chức năng dường như bất lực trước sự phản ứng gay gắt của cánh tài xế. Vì vậy, chủ đầu tư quyết định cho xả trạm liên tục.

Việc phản ứng gây kẹt xe cục bộ nên trạm phải xả liên tục - Ảnh: Tô Văn

Trong gần 24 tiếng có hơn chục lần tài xế phản ứng. Trước hết là đưa tiền mệnh giá 2.000 đồng qua trạm (theo họ, tương ứng với số mét đường BOT mà họ đi - PV), sau đó là phản đối gay gắt. Cụ thể, lúc 15 giờ, một tài xế đi xe biển số tỉnh An Giang đã đưa tờ tiền 2.000 đồng sau đó dừng xe phản đối, thấy vậy các tài xế đồng loạt dừng xe các làn kế bên, xuống xe la lối yêu cầu trạm phải xả để họ di chuyển do trên xe chở nhiều hàng hóa cần phải vận chuyển ngay.

Vụ việc đã làm khu vực này náo loạn. Nhiều người dân xung quanh hiếu kỳ đến xem, rất đông. Lực lượng chức năng phải can thiệp để đảm bảo trật tự tại đây. Mặc dù cả 4 làn xe đều kẹt cứng và các tài xế đồng loạt xuống xe phản đối, đến hơn 10 phút sau trạm mới chịu xả để giao thông thông thoáng. Tương tự từ lúc 17 giờ đến 22 giờ cùng ngày, trạm liên tục xả, đóng, do cánh tài xế liên tục la ó, xuống xe phản đối.

Đến 20 giờ ngày 24.5, người dân vẫn còn tụ tập để xem cánh tài xế phản ứng - Ảnh: Tô Văn

Chị Loan (chủ quán cà phê T.H.) cho biết: “Tôi thấy từ sáng đến giờ, trạm xả liên tục khoảng hơn 10 lần, người dân hiếu kỳ đến xem rất đông. Việc đặt trạm T2 tại đây, tôi thấy cũng không ổn nên việc cánh tài xế phản đối là đúng, tôi thấy họ phản đối cũng văn minh, không đập phá, đánh người. Mong chính quyền xem xét mang sự công bằng cho họ”.

Trước đó, ngày 23.5, Tổng cục ĐBVN, chủ đầu tư và đại diện các tỉnh thành như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… đã họp bàn chuyện trạm T2. Theo đó, phía An Giang đề xuất: những xe từ Kiên Giang hoặc từ cầu Vàm Cống rẽ về An Giang thì sẽ phát cho 1 thẻ, khi tới trạm T2 thì họ sẽ trả cái thẻ đó và họ mua cái vé với số tiền 2.000 đồng để qua trạm - tương đương với 300 m đường.

Còn những xe đi hướng An Giang đi về Kiên Giang hoặc qua cầu Vàm Cống về Cần Thơ thì có 2 phương án: có thể phát cho họ cái vé 2.000 đồng khi qua trạm T2. Đến ngã rẽ, nếu xe đi Kiên Giang và lên cầu Vàm Cống thì đi tự do, còn xe về Cần Thơ thì xuống tới trạm BOT T1 Cần Thơ họ mua thêm 1 vé 33.000 đồng - tổng cộng họ mất phí 35.000 đồng.

Cô nhân viên thu phí nhìn cảnh xả trạm rồi lắc đầu ngao ngán - Ảnh: Tô Văn

Còn phương án 2, nếu nhà đầu tư sợ thất thu thì có thể bán cho cánh tài xế 35.000 đồng ở trạm T2, nhưng khi cánh tài xế không về Cần Thơ mà về Kiên Giang hoặc lên cầu Vàm Cống thì phải trả lại cho cánh tài xế 33.000 đồng. Các địa phương đều ủng hộ giải pháp này, nhưng cuối cùng Tổng cục ĐBVN là yêu cầu chủ đầu tư tìm cách… giảm giá! Tổng cục ĐBVN làm việc theo ý ai?

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 có tổng mức đầu tư 1.588 tỉ đồng, đi qua địa phận TP.Cần Thơ. Sau khi được nâng cấp, toàn tuyến có chiều dài khoảng 28 km, gồm 2 làn xe cơ giới, bề rộng mặt đường 11 m. Có 2 trạm thu phí T1 (thuộc Q.Ô Môn) và T2 (Q.Thốt Nốt) đặt trên tuyến này.

Nhưng Trạm T2 thay vì đặt trước ngã ba Lộ Tẻ, thì cuối cùng Bộ GTVT lại cho phép đặt sau ngã ba. Nên trước đây, xe qua phà Vàm Cống, từ An Giang muốn rẽ qua ngã ba Lộ Tẻ về Kiên Giang- chỉ đi vài trăm mét đường quốc lộ 91, cũng phải đóng phí, và ngược lại.

Trạm xả liên tục không thu phí trở lại - Ảnh: Tô Văn

Do đó, sau khi chủ đầu tư tiến hành thu phí vào năm 2016 cho đến nay, nhiều tài xế cùng người dân, chính quyền tỉnh An Giang đã phản đối trong thời gian dài và yêu cầu dời trạm T2 về đúng vị trí.

Và sau khi cầu Vàm Cống khánh thành phía hạ lưu sông Hậu (so với phà Vàm Cống), thì xe từ hướng Đồng Tháp, qua cầu, rẽ về An Giang, đi vài trăm mét đường quốc lộ 91 phải đóng phí toàn tuyến, và ngược lại!

Tô Văn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Trạm BOT T2 ‘thất thủ’ liên tục vì nhiều tài xế chỉ trả đúng 2.000 đồng