Bắc Giang đang thiếu trang thiết bị y tế và không đủ bác sĩ hồi sức, tỉnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ; đề nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp 500 tỉ đồng để mua vật tư, trang thiết bị y tế.

Bắc Giang đang thiếu trang thiết bị y tế và bác sĩ hồi sức

Lam Thanh | 30/05/2021, 10:50

Bắc Giang đang thiếu trang thiết bị y tế và không đủ bác sĩ hồi sức, tỉnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ; đề nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp 500 tỉ đồng để mua vật tư, trang thiết bị y tế.

Thiếu trang thiết bị y tế và bác sĩ

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết dịch xảy ra trong khu công nghiệp (KCN) nên kiểm soát khó khăn do mật độ công nhân tập trung lớn, làm việc trong môi trường yếm khí, di chuyển rộng, nhiều F0 đã di chuyển bằng phương tiện công cộng, sống cùng trong các khu nhà trọ, tốc độ lây lan nhanh.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Bắc Giang chiều 29.5 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực hiện các giải pháp “4 tại chỗ”, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã bố trí 13 khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với tổng công suất 3.600 giường. Đồng thời tiếp tục khảo sát, chuẩn bị các cơ sở mới đáp ứng thêm khoảng 1.800 giường.

Cùng với đó, đã hoàn thành 1 đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng (ICU) tại Bệnh viện Phổi 50 giường và đang khẩn trương xây dựng thêm 1 trung tâm ICU tại Bệnh viện Tâm thần (100 giường) để điều trị bệnh nhân nặng.

Dự báo trong những ngày tới, số lượng ca F0 tiếp tục tăng do hiện nay tỉnh đang tập trung xét nghiệm lần 3, lần 4. Qua kết quả test nhanh, số lượng công nhân bị phơi nhiễm cao.

Ông Dương Văn Thái cho biết tỉnh Bắc Giang lần đầu có dịch trong KCN nên chưa có kinh nghiệm ứng phó. Giai đoạn đầu, năng lực xét nghiệm của tỉnh còn hạn chế; lực lượng y tế mỏng không đáp ứng được tiến độ lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, khối lượng lớn.

Bên cạnh đó, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch thiếu. Năng lực điều trị hạn chế do đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Chưa có đủ khu điều trị tích cực cho bệnh nhân nặng.

Ông Thái đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 500 tỉ đồng để mua vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch và xử lý môi trường; hỗ trợ tiền ăn cho công nhân, người cao tuổi, trẻ em bị nhiễm phải điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung cách ly.

"Bắc Giang đang thiếu trang thiết bị y tế và không đủ bác sĩ hồi sức, đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực để vận hành hoạt động đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng tại tỉnh", ông Thái nói.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo hỗ trợ tiếp nhận công nhân về cách ly tập trung tại một số đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thêm lực lượng quân đội để quản lý các cơ sở cách ly tập trung.

Hỗ trợ tỉnh phun khử khuẩn 4 KCN và một số khu dân cư xung quanh KCN - nơi tập trung đông công nhân cư trú do bị ô nhiễm bởi vi rút SARS-CoV-2. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.

Thương nhân Trung Quốc mua vải qua cửa khẩu?

Về tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều đang gặp khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết khi có thông tin 190 thương nhân Trung Quốc tạm dừng vào Bắc Giang thu mua, Bộ đang nghiên cứu đề xuất tổ chức vận chuyển vải thiều Bắc Giang đến tận các cửa khẩu; theo đó các thương nhân Trung Quốc sẽ đón hàng qua cửa khẩu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cùng với giải quyết các vướng mắc trong xuất khẩu quả vải, Bộ chủ trương đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh, thông thoáng các thủ tục. Bộ đã có hướng dẫn về khởi động lại các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp đều phải xây dựng kế hoạch hoạt động trở lại với các tiêu chí an toàn… Bộ Giao thông - Vận tải có thể điều xe vận tải từ tỉnh khác sang hỗ trợ tỉnh Bắc Giang.

Trả lời các kiến nghị của Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết Bộ đã ưu tiên 4 labor xét nghiệm cho Bắc Giang, giúp tỉnh phát hiện gần 1.000 ca dương tính. Quân đoàn 2 sẽ tiếp nhận ngay 2.300 công nhân đang được cách ly trong khu công nghiệp Vân Trung theo đề nghị của tỉnh. Quân đội cũng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phun khử khuẩn cho Bắc Giang và các địa phương khác hết khả năng của mình.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay lực lượng 1.400 người gồm cán bộ y tế, sinh viên, quân đội, công an đang có mặt trên mặt trận chống dịch tại Bắc Giang.

Trong bối cảnh dịch bệnh có khả năng lây lan rộng, các trường đại học y trên cả nước có khoảng 23.000 sinh viên sẵn sàng lên đường và tất cả các địa phương cũng sẵn sàng hỗ trợ cho Bắc Giang. Riêng về công tác hồi sức cấp cứu, các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy đã chi viện và BV Trung ương Huế cũng đã chuẩn bị sẵn sàng.

Thứ trưởng cho biết, trong vòng từ 7 đến 10 ngày tới, phải hoàn tất tiêm xong lượng vắc xin đã được phân bổ cho công nhân tại Bắc Giang, huy động 1.000 sinh viên của Cao đẳng điều dưỡng Bạch Mai cho việc này.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cơ bản đồng ý với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, trong đó Bộ đồng ý sử dụng ngay quỹ bảo trợ trẻ em để lo cho toàn bộ 4.803 trẻ em đang được cách ly trên cả nước.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tỉnh tiếp tục rà soát lại các F1; “dứt khoát không được thiếu” trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế… phục vụ chống dịch; tiếp tục tổ chức sản xuất kinh doanh; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị…

"Không được nói không có tiền"

Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần “3 không”: “Không được nói không có tiền, không được nói không có người, không được nói không có cơ chế, chính sách, thiết bị y tế, sinh phẩm…”, các Bộ trưởng quyết định xử lý các kiến nghị của địa phương, các vấn đề phát sinh trong phạm vi thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành được Thủ tướng Chính phủ phân công phụ trách trực tiếp, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bắc Giang cần tự lực, tự cường, tự vươn lên để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Thống nhất bổ sung phương châm phòng chống dịch là “5K + vắc xin + công nghệ”, Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các giải pháp công nghệ mới bắt buộc để phục vụ phòng chống dịch tại Bắc Giang và nhân rộng ra cả nước.

“Các kiến nghị được giải quyết mà Bắc Giang không ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm. Việc nào làm tốt phải khen, đồng thời tìm thấy, chỉ ra, cùng nhau sửa những việc chưa làm tốt, tất cả vì lợi ích chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc, đặt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết trong lúc này”, Thủ tướng nêu rõ.

Bài liên quan
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Giang đang thiếu trang thiết bị y tế và bác sĩ hồi sức