Tòa án ở Boston đã buộc tội giáo sư Charles Lieber của Đại học Harvard, Mỹ vì che giấu mối quan hệ với một chương trình tuyển dụng của Trung Quốc.

Bắc Kinh lên tiếng biện hộ vụ giáo sư Harvard nhận tiền từ Đại học Vũ Hán

Hoàng Vũ | 23/12/2021, 16:18

Tòa án ở Boston đã buộc tội giáo sư Charles Lieber của Đại học Harvard, Mỹ vì che giấu mối quan hệ với một chương trình tuyển dụng của Trung Quốc.

Bồi thẩm đoàn liên bang ở Boston kết luận rằng, ông Charles Lieber, một nhà khoa học nổi tiếng về công nghệ nano và là cựu trưởng khoa Hóa học của Đại học Harvard, đã nói dối giới chức, gian lận trong khai báo thuế và không báo cáo về một tài khoản ở ngân hàng Trung Quốc.

Theo các công tố viên, ông Lieber, trong hành trình tìm kiếm giải thưởng Nobel, vào năm 2011 đã đồng ý trở thành "nhà khoa học chiến lược" tại Đại học Công nghệ Vũ Hán và thông qua đó, Lieber đã tham gia vào đợt tuyển dụng Chương trình Ngàn nhân tài của Trung Quốc.

Các công tố viên cũng cáo buộc Trung Quốc dùng chương trình này nhằm tuyển dụng các nhà nghiên cứu nước ngoài, để họ chia sẻ kiến thức với Trung Quốc. Dù việc tham gia chương trình không cấu thành tội hình sự, nhưng các công tố viên cho rằng ông Lieber, 62 tuổi, đã nói dối các nhà chức trách về sự tham gia của mình.

f2-2f0-2f38030297-3-eng-gb-2fcropped-16401344392021-12-21t174400z_524853779_rc2der9bau2a_rtrmadp_3_usa-china-crime-harvard.jpg
Giáo sư Charles Lieber tại phiên tòa kết tội ông nói dối quan hệ với Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Các công tố viên còn nói rằng, ông Lieber nói dối với Bộ Quốc phòng và Viện Y tế quốc gia Mỹ về vai trò của ông trong chương trình tuyển dụng của Trung Quốc, dù hai cơ quan này đã trao cho ông 15 triệu USD tiền thưởng cho kết quả nghiên cứu.

Sau khi bị bắt giữ, trong cuộc thẩm vấn của FBI, cựu giáo sư Harvard nói rằng, ông đã “ngu ngốc và thiếu chín chắn” khi thiết lập quan hệ với Đại học Công nghệ Vũ Hán vì tin rằng sự hợp tác này sẽ giúp uy tín của ông tăng lên.

Trong thời gian hợp tác, ông Lieber được trả 50.000 USD/tháng cộng với 158.000 USD chi phí sinh hoạt. Ông nhận một nửa bằng tiền mặt và một nửa thông qua tài khoản tại ngân hàng Trung Quốc, các công tố viên cho biết và tiết lộ thêm rằng Lieber đã không khai báo mức lương của mình trên các tờ khai thuế thu nhập năm 2013 và 2014 và trong hai năm đã không báo cáo tài khoản ngân hàng.

Luật sư biện hộ của cựu giáo sư Harvard, ông Marc Mukasey đã phản bác rằng các công tố viên đã "vơ vét" bằng chứng để chứng minh tội danh của Lieber mà thiếu các tài liệu quan trọng để chứng minh cho tuyên bố của họ.

Ông Lieber - người đang chiến đấu với bệnh ung thư - đã phản ứng một cách "vô cảm" khi tòa công bố bản án sau phiên xét xử kéo dài 3 giờ đồng hồ.

Được biết, ông Lieber bị buộc tội vào tháng 1.2020 - một phần trong chiến dịch "Sáng kiến ​​Trung Quốc" của Bộ Tư pháp Mỹ, được đưa ra dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm chống lại nghi ngờ gián điệp kinh tế và trộm cắp nghiên cứu. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục sáng kiến này, dù Bộ Tư pháp cho biết họ đang xem lại cách tiếp cận.

Những người chỉ trích cho rằng, sáng kiến này gây tổn hại đến các nghiên cứu học thuật, phân biệt chủng tộc đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc và khiến một số nhà khoa học sợ hãi. Trong năm nay, một giáo sư ở bang Tennessee (Mỹ) được tuyên trắng án sau một phiên toà sai lầm và các công tố viên đã hủy bỏ buộc tội đối với 6 nhà nghiên cứu khác liên quan tới Trung Quốc.

Phản ứng trước bản án của tòa án Mỹ đối với cựu giáo sư Đại học Harvard về tội che giấu mối quan hệ với một chương trình tuyển mộ của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22.12 đã lên tiếng biện hộ về các chương trình giao lưu khoa học quốc tế của họ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, nước này quản lý các chương trình giao lưu đó không khác gì các nguyên tắc của Mỹ và các quốc gia khác.

"Các cơ quan và quan chức Mỹ không nên kỳ thị các chương trình như vậy, và thay vào đó hãy làm những điều có lợi cho giao lưu và hợp tác giữa nhân dân hai nước Trung Quốc - Mỹ”, người phát ngôn Trung Quốc nói.

Bài liên quan
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Kinh lên tiếng biện hộ vụ giáo sư Harvard nhận tiền từ Đại học Vũ Hán