Nhánh sông Hàm Luông qua địa phận H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, có nhiều dãy cồn như: cồn Linh, cồn Lá (xã Thạnh Phú Đông), cồn Ốc (xã Hưng Phong), cù lao Long Thành, cồn Đeo (xã Sơn Phú), cồn Cá (xã Phước Long)… đều bị “cát tặc” vây quanh, thay nhau rút ruột suốt hơn chục năm qua. Tốc độ sạt lở các cồn bãi, kể cả tình trạng lở sụp ăn sâu vào phía đất liền, luôn là nỗi lo của cư dân sống ven sông!
Hàng loạt hầm cát hình thành trước mắt công an!
Đứng trên cầu Phước Mỹ, hướng mắt về phía vàm Thủ Cửu (khu vực giáp ranh 2 xã Phước Long, Thạnh Phú Đông), sẽ thấy các phương tiện “cát tặc” ra vào nườm nượp. Tại khu vực này, người dân cho biết có tới 13 hầm cát dã chiến (sức chứa mỗi hầm từ 500 - 700m3). Các chủ hầm chỉ việc “canh me” đêm đến, cho phương tiện ra nhánh rẽ của sông Hàm Luông, đoạn từ chợ Phước Long (bến phà Hưng Phong) đến các trụ điện vượt sông sang cồn Ốc (dài khoảng 4km), vô tư ăn cắp cát. Cát hút trộm được bơm tốc hành lên hầm ngay trong đêm, sáng hôm sau là có thể thoải mái bơm ngược trở xuống tàu, bán thu lợi khủng.
“Cát tặc” tranh thủ lúc mưa bão, vắng bóng lực lượng chức năng, hành nghề luôn cả ban ngày tại khu vực cồn Ốc - Ảnh: Huy Phương
Thuộc hàng có máu mặt, làm ăn quy mô lớn phải kể hầm chứa cát của các ông: Kiệt (xã Thạnh Phú Đông), Bảo Xuyên (xã Phước Long), ông Trung và bà Chúc ở xã Long Mỹ… Tại H.Giồng Trôm, có 1 hầm trữ cát sức chứa lên đến trên chục nghìn mét khối. Theo giới “cát tặc”,đây là hầm cát lớn nhất vùng, do cậu ruột của Phó công an xã Hưng Phong làm chủ.
Chủ hầm cát (rộng hơn 5.000m2 tại ấp 1, xã Hưng Phong), không cần phải lái ghe đi lấy cát đâu xa cho mệt. Hằng đêm chỉ việc cho “lính” ra sông (trước mặt hầm), hút đầy ghe rồi tấp vô bờ bơm thẳng lên hầm. Lượng cát đang tích trữ hiện tại của ông “trùm cát” này, cũng xấp xỉ 7/10 so với sức chứa hầm cát của Công ty Sông Lam (báo điện tử Một Thế Giới đã phản ánh, tại xã Thanh Tân, H.Mỏ Cày Bắc - cạnh cầu Hàm Luông).
Một số “cát tặc thân cô thế cô”, không trụ được với nghề trộm cát, chuyển sang mưu sinh bằng nghề khác, bức xúc cho biết: “Nhan nhản những hầm cát hình thành ngay trước mắt công an xã, huyện… Hàng chục nhìn mét khối cát từ dưới lòng sông được bơm lên bờ mỗi ngày, đều là cát ăn trộm. Rõ rafng là cát lậu bởi cả tỉnh Bến Tre không địa phương nào còn mỏ cát được cấp phép hoạt động. Lấy đâu cát để ghe gỗ, tàu sắt, lớp chở đi bán trực tiếp, lớp thi nhau bơm lên hầm?”.
1 phương tiện khai thác cát trái phép áp sát cồn để hành nghề - Ảnh: Huy Phương
Ông D., 1 trong số những người dân sống trong khu vực đặt vấn đề: “Có hiện tượng lực lượng chức năng, mà cụ thể là số công an được giao trách nhiệm giám sát lĩnh vực này, thường xuyên ra vào “kiểm tra”, ăn nhậu với chủ các hầm cát vừa nêu. Như vậy thử hỏi nạn “cát tặc” tại “điểm nóng” trên bao giờ mới dẹp được?!”.
Lãnh đạo Sở TN&MT Bến Tre báo cáo: “Toàn tỉnh không có điểm nóng “cát tặc””!
Có ít nhất 2 lần trong năm 2019, khi báo cáo đánh giá về công tác quản lý lĩnh vực khai thác sa khoáng (cát sông) trên địa bàn tỉnh Bến Tre trước các ngành, ông Lê Văn Đáo, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh đều khẳng định: “Trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng về “cát tặc”!”. Sau khi báo điện tử Một Thế Giới khởi đăng loạt bài đầu tiên, qua 2 tháng cao điểm tăng cường kiểm tra xử phạt, tấn công tội phạm khai thác cát trái phép, tại tỉnh Bến Tre mặc dù tình hình có tạm lắng dịu, nhưng các điểm nóng “cát tặc” vẫn tiếp tục tồn tại và tái phát trở lại.
Hầm cát trung chuyển qua cống Hưng Lễ, chứa nguồn cát ăn cắp từ sông Hàm Luông - Ảnh: Huy Phương
Có thể dẫn ra những điểm nóng như: đoạn sông Hàm Luông, từ vàm Mỹ Thành (xã Mỹ Thành) đến khu công nghiệp An Hiệp (H.Châu Thành giáp ranh với H.Mỏ Cày Bắc) - báo điện tử Một Thế Giới từng thông tin. 2 điểm nóng khác được người dân địa phương ví như “chợ nổi cát tặc” đó là: khu vực vàm sông Thom - bến đò Nhuận Phú Tân (trên sông Cổ Chiên), khu vực bến phà Hưng Phong - Phước Long - Sơn Phú (dọc theo các cồn trên sông Hàm Luông, thuộc H.Giồng Trôm).
Trong tháng 8 vừa qua, PV đã 3 lần đi ghi hình trên sông tại thủy phận H.Giồng Trôm. Số phương tiện thay phiên nhau trộm cát đông gần gấp đôi so với mật độ phương tiện trên sông Cổ Chiên (chủ yếu là ghe gỗ). Tận dụng cơ hội mưa bão, lực lượng tuần tra “án binh”, không cần chờ đến đêm tối khuất mặt, “cát tặc” lao ra sông hút trộm cả ban ngày.
Tại cống Hưng Lễ, xã Hưng Lễ (H.Giồng Trôm) phía ngoài cống cách không xa sông Hàm Luông, các phương tiện bơm hút cát neo đậu dày đặc. Cạnh cống có cả hầm chứa cát trung chuyển, để bơm chuyền đi tiêu thụ sâu bên trong. Do các phương tiện tàu ghe lớn không thể chui qua cống.
Nghịch lý: nơi siết chặt tuần tra, nơi bỏ ngỏtha hồ trộm…!
Hơn chục năm về trước, đoạn sông Hàm Luông ngang qua bến phà Hưng Phong nối xã Phước Long với xã Hưng Phong, giao cho Công ty Cơ khí Công nông tỉnh khai thác, nạo vét thông luồng phà chạy. Công ty này đã bán phiếu để các ghe hút cát vào hút suốt cả ngày lẫn đêm. Khoảng chục năm trở lại đây, do nguồn cát bồi lắng trải dài về phía thượng nguồn, đã thành ổ “cát tặc” rất khó khống chế.
Bờ sông Hàm Luông bị sạt lở nghiêm trọng, do biến đổi khí hậu vànạn khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy - Ảnh: Huy Phương
Công an H.Giồng Trôm cử cán bộ luân phiên tuần tra kiểm soát, bắt và xử phạt rất nhiều trường hợp. Tuy nhiên, một vài cá nhân được giao nhiệm vụ có biểu hiện kết thân với những đối tượng khai thác các trái phép. Từ đó xuất hiện tin đồn “hình thành đường dây chung, chi bảo kê…”, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an.
Giữa lúc “điểm nóng” trên sông Cổ Chiên gần như bỏ ngõ, mặc cho “cát tặc” tung hoành, thì phía thượng nguồn sông Hàm Luông, đầu cồn Cái Gà, vàm kênh Tổng Đường khu vực giáp giới giữa 2 H.Chợ Lách và Châu Thành (Bến Tre), vắng bóng các đối tượng khai thác cát trái phép, lại được giám sát tuần tra rất chặt. Từ đó, nảy sinh băn khoăn tại saolực lượng chức năng lại nhất bên trọng, nhất bên khinh như vậy?.
So với các tỉnh ĐBSCL, Bến Tre là tỉnh có tổng số phương tiện khai thác cát nhiều nhất. Toàn tỉnh hiện có hơn 700 phương tiện hoạt động (khoảng 600 tàu gỗ lớn nhỏ, trên 100 tàu sắt) tải trọng từ 10 - 200 tấn. Tình trạng khai thác cát trái phép phát triển rầm rộ nhiều năm qua, đã làm biết đổi dòng chảy, gây sạt lở đất ven sông nghiêm trọng tại những điểm nóng nơi có “cát tặc” tập trung khai thác đông và kéo dài trong nhiều năm.
Tâm Phúc -Huy Phương