Chọn đúng đối tượng cần tiền, không cho vay số tiền quá lớn, là cách mà các đối tượng cho vay nặng lãi bước đầu đưa “con mồi” vào tròng. Sau đó, bằng đủ mọi cách, chúng thu đủ cả vốn lẫn lãi, tạo ra những quy định để phạt con nợ, đưa họ cuốn vào vòng xoáy khó mà thoát ra được.

Bài 2: Những 'cạm bẫy tiền' trong vòng xoáy tín dụng đen

Nguyên Việt | 23/01/2019, 06:29

Chọn đúng đối tượng cần tiền, không cho vay số tiền quá lớn, là cách mà các đối tượng cho vay nặng lãi bước đầu đưa “con mồi” vào tròng. Sau đó, bằng đủ mọi cách, chúng thu đủ cả vốn lẫn lãi, tạo ra những quy định để phạt con nợ, đưa họ cuốn vào vòng xoáy khó mà thoát ra được.

Cho vay nặng lãi, một vốn lời cả chục

Nhiều nạn nhân của các đối tượng cho vay nặng lãi cho biết, khi họ nhận ra rằng mình đang vướng vào mộttrò chơi tài chính không có lối thoát thì tất cả đã muộn. Họ muốn sống, làm ăn yên ổn thì chỉ còn cách xoay sở tiền bạc để đóng cho xong cả vốn lẫn lời. Điều đó càng làm cho túi tiền của những kẻ cho vay nặng lãi càng nặng thêm.

Những con nợ của tín dụng đen thường không có khả năng để góp mỗi ngày vài trăm ngàn, khi đó chỉ cần trễ 3 ngày thì sẽ bị phạt: đóng gấp đôi. Trễ nhiều hơn thì đóng lại từ đầu, nếutiếp tục trễ thì sẽ đóng lại từ đầu với thời gian gần… gấp đôi. Nhưng tại sao những người vay tiền lại dễ dàng để những đối tượng cho vay nặng lãi dẫn dắt, khống chế như thế?

Hàng ngàn tờ rơi giới thiệu cho vay bị Công an Cần Thơ thu giữ - Ảnh: Thanh Nguyên

Mộtnạn nhân của tín dụng đen cho biết, lúc làm hợp đồng người vay phải lăn tay hoặc ký tên trên tờ giấy trắng chưa ghi nội dung gì. Người thanh niên cho vaytiền nói, nếu con nợ không trả thì chủ nợ tự ghi số tiền nợ có thể là 30, 40 hoặc 60 triệu đồng và dọa làm bằng chứng đưa ra chính quyền giải quyết…

Nghe thì khó tin nhưng đó là những việc đã xảy ra với những người lao động hiền lành, ít hiểu biết. Dù rằng những đối tượng này không dám cầm tờ giấy đó để đưa ra cơ quan chức năng để giải quyết, nhưng đó sẽ luôn là nỗi ám ảnh dai dẳng của những con nợ. Và là cái cớ để những đối tượng cho vay cấu xé từng đồng bạc mồ hôi nước mắt của con nợ.

“Việc đánh đập, hăm doạ, ném chất bẩn vào nhà, đập phá quán xá làm ăn của con nợ là chuyện bình thường rồi. Họ dùng đủ cách để lấn át tinh thần những người lỡ vay tiền như tôi. Đóng trễ thì bị chửi lên chửi xuống, còn không đóng thì phải nhận cơn thịnh nộ của họ. Đường nào tụi tui cũng khổ”, bà M. - người trót vay nặng lãi ở Cần Thơ, chua xót kể.

Với số tiền cho vay ban đầu chỉ vài triệu đồng, tiền lãi cắt cổ, cộng thêm đó là những hình phạt, thì tổng số tiền mà con nợ phải trả thường gấp đôi, hoặc gấp 3 tiền gốc là chuyện dễ hiểu. Đó chính là cách thức mà các nhóm đối tượng cho vay nặng lãi làm giàu.

Những đối tượng này không hoạt động đơn lẻ, chúng là những nhóm anh chị quê từ miền Bắc vào miền Tây để hoạt động. Mỗi nhóm, từ 3 - 5 người, nhiều từ 7 - 15 người, và chia ra nhiều khu vực hoạt động liên tỉnh, từ thành thị đến nông thôn.

Công an Cần Thơ gỡ bỏ những tờ rơi dán trên tường, cột điện- Ảnh: Thanh Nguyên

Bọn chúng tiếp cận những người nghèo, buôn bán nhỏ hoặc những người cần tiền gấp trong thời gian ngắn để cho vay. Trong một nhóm, chúng phân công rõ ràng từng nhiệm vụ, địa bàn. Theo công an, những đối tượng này thường có nhiều tiền án, tiền sự. Chúng thuê nhà, phòng trọ rồi đẩy mạnh phát tán tờ rơi khắp nơi để quảng cáo.

Khi giao dịch cho vay tiền, chúng chỉ đi từ 1 - 2 người, nhưng đến khi cần đe doạ để đòi nợ, số người đông hơn sẽ được huy động. Thông thường, khi thuê nhà để ở một nơi thì nhóm đối tượng này lại hoạt động cho vay ở 1 địa phương khác, thậm chí mở rộng ra các tỉnh khác để dễ bề qua mặt lực lượng chức năng.

Nhân viên tín dụng “thập diện mai phục”

Chưa bao giờ việc vay tiền từ vài triệu đến vài chục triệu lại dễ dàng như những năm vừa qua. Từ việc mua trả góp đồ gia dụng, điện tử cho đến việc vay tiền mặt người tiêu dùng rất dễ để có được một số tiền mà không phải thế chấp, bảo lãnh.

Vào dịp tết Nguyên đán đang cận kề, việc vay, trả tiền đối với người dân càng vào giai đoạn rôm rả. Hiện nay, thông tin quảng cáo về các dịch vụ cho vay của các công ty tài chính đang được các nhân viên công ty đăng tải tràn lan trên mạng xã hội. Đây là kiểu tiếp cận rất dễ dàng với người có nhu cầu tài chính.

Anh D. ngụ H.Phụng Hiệp, Hậu Giang, người có thâm niên là nhân viên tín dụng của nhiều công ty tài chính cho biết, các công ty cho vay tài chính này rất nhạy bén, nắm rất nhiều thông tin về người có nhu cầu vay vốn.

4 đối tượng cho vay tiền, bắt giữ người trái pháp luật ở Phú Quốc (Kiên Giang)- Ảnh: Thanh Nguyên

“Thông qua nhiều kênh, có thể là người dân từng vay tiền, mở sổ tiết kiệm ở ngân hàng mà những công ty này nắm cụ thể thông tin. Hễ mình để lại thông tin ở một nơi nào đó, thì rất dễ dàng đến tay những nhân viên tín dụng này”, anh D. giải thích.

Sau khi nắm thông tin, số điện thoại của những người này, các nhân viên của công ty tín dụng sẽ phân ra để thay nhau gọi mời… vay tiền, với những lời mời hấp dẫn như lãi suất ưu đãi, chỉ cần hóa đơn tiền điện, sổ hộ khẩu, chứng minh, bằng lái, giải ngân trong 30 phút… Đối với những người có nhu cầu, thì khi nghe những lời mời chào này sẽ mừng như bắt được vàng. Còn nếu không có nhu cầu thì sẽ như cực hình vậy. “Tôi không biết vì sao mà họ có số điện thoại của tôi. Họ gọi rất nhiều lần. Lần nào tôi cũng trả lời không có nhu cầu vay, mà không hiểu sao họ vẫn cứ gọi”, anh Phạm Giao, ngụ Cần Thơ kể.

Bình luận việc trên, anh D. cho rằng, đó là việc hết sức bình thường của 1 nhân viên tín dụng của công ty tài chính. Họ phải làm tất cả để có hồ sơ vay, như vậy họ sẽ có phần trăm hoa hồng.

“Anh cứ thử đi khảo sát một số người đang có công ăn việc làm ổn định, từng mua đồ gia dụng trả góp, hay tham gia gửi tiền ngân hàng, phải trên 80% những người này từng bị nhân viên công ty tín dụng gọi điện mời vay vốn”, anh khẳng định.

Viên kẹo ngọt mang tên “vay tín chấp”

Là người trong nghề, anh D. tiết lộ: “Hình thức cho vay tín chấp của các công ty tài chính mang lại món lời rất khủng. Hầu như rất hiếm khi lỗ, mà nếu có lỗ thì chỉ rất ít mà sẽ nhanh chóng được các công ty tài chính này lấy lại. Họ cho vay tối đa khoảng 70 triệu/trường hợp, tùy công ty, nhưng thường chỉ dừng lại ở đó.

Thời hạn có thể là 1 năm, 2 năm mà có những mức lãi khác nhau. Hàng tháng người vay phải trả tiền góp có thể là ngày, tuần, tháng, nhân viên làm hồ sơ vay có nhiệm vụ phải đi thu số tiền này. Và tất nhiên, họ phải làm đủ mọi cách để thu được tiền. Chiêu thường dùng nhất là gọi điện thoại bất kể thời gian, gọi hàng chục lần trong ngày, nói chuyện thì “hình sự” vô, hăm dọa cũng có.

Quảng cáo cho vay của các công ty tài chính- Ảnh: Thanh Nguyên

Không được thì tìm tới tận nhà, thuyết phục, hăm dọa, chửi bới... có hết. Nói thật bản thân tôi cũng từng gọi điện để nặng nhẹ với người vay như thế, nhưng càng làm tôi càng thấy bất mãn với nghề nên nghỉ, kiếm việc khác làm”, anh D. tâm sự.

Trở lại với món lời khủng của các công ty tín dụng, anh D. lấy ví dụ, 1 công ty tài chính thuê 10 nhân viên tỏa ra 10 xã của 1 huyện để cho vay. Hàng tháng, mỗi nhân viên chỉ cần làm hồ sơ cho vay năm bảy chục triệu là đã nhận hoa hồng sống khỏe, chưa kể các khoản lương thưởng.

Vào cuối năm, khi tổng kết 1 chi nhánh, các nhân viên sẽ còn được thưởng tiếp một khoản không hề nhỏ, khoảng 20 - 30 triệu tùy năng suất công việc.

“Nhân viên tín dụng không cần trình độ, chuyên môn gì. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các công ty tín dụng là luôn luôn có. Sử dụng những nhân viên này họ rất lời, khi trả lương chỉ vài ba triệu, nếu nhân viên muốn thu nhập nhiều thì tự kiếm hồ sơ, hợp đồng vay về làm lợi cho họ.

Đa số người làm nghề này không gắn bó lâu được, họ sẽ chuyển nơi làm, hoặc đổi nghề vì nhận ra bản chất cho vay nặng lãi, bóc lột người khác của nó”, anh D. phân tích.

Việc cho vay tín chấp đến thời điểm này càng ngày càng thuận lợi, dễ dàng cho người có nhu cầu vay tiếp cận. Ngoài hóa đơn tiền điện, giấy tờ xe, bảng lương thì nay còn có thêm vay tín chấp qua sim điện thoại, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ…

“Mục đích của những công ty tín dụng là làm sao cho nhiều người vay nhất cho nên họ tạo mọi điều kiện tốt nhất. Thậm chí những người đang thiếu nợ 2 - 3 ngân hàng họ vẫn cho vay như thường, miễn sao chứng minh được thu nhập. Mức lãi trung bình hàng tháng của các hợp đồng tín dụng hiện giờ theo tôi biết là vào khoảng 1,66 - 3,2%/tháng, còn tính hàng năm thì phải gần 5%.

Tôi đã từng tính nếu những công ty này bị giựt nợ gây dư nợ xấu thì họ cũng không thể nào lỗ vì số người giật nợ này không quá nhiều. Điều quan trọng là số tiền vay không lớn, nên người vay vì uy tín với hàng xóm, thường cố gắng trả chứ không bỏ xứ mà đi chỉ vì vài chục triệu đồng”, anh D. lý giải.

Luật sư Trần Hữu Độ (Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang), cho biết, hợp đồng của những công ty tài chính cho vay so với những bản hợp đồng của các ngân hàng thương mại thì mức lãi suất và những điều khoản thưởng phạt trong đó rất là cao so với ngân hàng thương mại.

Bởi vì người dân rất ngán ngại về thủ tục đi vay ngân hàng thương mại. Nhất là phải đi chứng hồ sơ vay tiền, nhiều người trong xã, ấp sẽ biết, nên ngại ngùng. Họ sẽ tìm đến những công ty tài chính cho vay tín chấp chỉ cần chứng minh và hộ khẩu của người đi vay thôi thì người ta có thể vay được một khoản tiền kha khá so với yêu cầu của họ.

Tuy nhiên, người dân chưa thật sự quan tâm đến những điều khoản trong hợp đồng nhất là ở mức lãi suất vay, bảo hiểm tiền vay và trường hợp bị phạt nếu trả chậm. Khi người dân vi phạm về thời hạn trả hoặc không trả thì mới xem lại hợp đồng thì những khoản này rất là cao so với những ngân hàng thương mại cho vay tiền.

Nếu người dân vi phạm hợp đồng không trả nợ thì sẽ bị khởi kiện, vì họ đã ký vào bản hợp đồng này rồi thì bắt buộc họ phải trả do đây là hợp đồng dân sự và trên tinh thần tự nguyện nên được pháp luật công nhận.

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Những 'cạm bẫy tiền' trong vòng xoáy tín dụng đen