Chiều 22.1, sau khi nghị án, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã quyết định tuyên phạt các bị cáo nguyên là lãnh đạo Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn từ 4 – 8 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, HĐXX nhận định các bị cáo khai báo thành khẩn. Hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, dùng tài sản chung để trục lợi cá nhân; gây thiệt hại cho ngân hàng. Hành vi của các bị cáo tác động xấu đến hoạtđộng kinh tế của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Tuy nhiên, khi lượng hình, HĐXX đã xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như thành khẩn khai báo, khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt, có nhiều thành tích trong công tác… để xử dưới khung hình phạt.
Vì vậy, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Vũ Mạnh Tùng (nguyên Phó TGĐ BSR) 8 năm tù; Nguyễn Hoài Giang (nguyên Chủ tịch HĐTV BSR) 7 năm tù; Phạm Xuân Quang (nguyên Kế toán trưởng BSR) 6 năm tù; Đinh Văn Ngọc (nguyên TGĐ BSR) 4 năm tù.
HĐXX tuyên bố bản án - Ảnh: T. Anh
Cũng trong phần tuyên án, HĐXX kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các lãnh đạo BSR giai đoạn 2011- 2013; nếu đúng phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định số tiền mà các bị cáo được nhận là tiền chi lãi ngoài của OceanBank.Vì vậy, các bị cáo phải trả lại cho ông Hà Văn Thắm số tiền hơn 10 tỉ đồng.Theo HĐXX, do ông Hà Văn Thắm phải thực hiện nghĩa vụ với OceanBank nên số tiền này sẽ được trừ vào khoản tiền mà bản án phúc thẩm đã buộc ông Hà Văn Thắm phải trả lại cho ngân hàng.
Ai nhận tiền hãy trả lại
Trước đó, nói những lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Hoài Giang (nguyên Chủ tịch HĐTV BSR) trình bày: “Sự việc xảy ra là bài học đắt giá và hiện nay bị cáo đang phải trả giá cho những sai lầm. Các bị cáo ở đây đều là những ngườiđã từng cống hiến và hy sinh rất nhiều cho công việc, nếu được tiếp tục đóng góp cho xã hội thì tốt hơn rất nhiều”. Vì vậy, bị cáo Giang mong HĐXX xem xét để có mức án nhân văn và nhân đạo cho các anh em, những người có nhiều kinh nghiệm để sớm trở lại cống hiến cho đất nước.
Về phần mình, bị cáo Đinh Văn Ngọc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty BSR) nghẹn giọng: “Bị cáo đã từng từ chối rất nhiều lời mời của những chuyên gia nước ngoài để ở lại cống hiến cho đất nước. Bị cáo mong muốn được tiếp tục cống hiến, được truyền đạt những kinh nghiệm cho các kỹ sư trẻ”.
Đặc biệt, trong lời nói sau cùng, bị cáo Ngọc cũng nhắc nhở đến những cá nhân đã “chót” cầm tiền của OceanBank hãy thành khẩn và nhanh chóng hoàn trả để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo của BSR cũng ý thức được sai phạm của bản thân và mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt để các bị cáo sớm có cơ hội quay trở về xã hội, tiếp tục cống hiến trí tuệ cho ngành dầu khí, cho đất nước.
Bị cáo Đinh Văn Ngọc - Ảnh: T. Anh
Thực hiện việc chiếm đoạt tiền đến cùng
Trong phần tranh luận, các luật sư đã đưa ra những quan điểm bào chữa cho các bị cáo, đồng thời có đề nghị VKS và HĐXX xem xét điều kiện, vai trò của từng bị cáo trong vụ án này.
Đối đáp lại quan điểm của các luật sư, theo VKS, việc truy tố các bị cáo là có căn cứ bởi các bị cáo là những người có chức vụ quyền hạn, là chủ thể đặc biệt, là người quyết định việc gửi tiền tại OceanBank. Khi nhận tiền, các bị cáo phải biết và buộc phải biết đó là quà của OceanBank, bởi số tiền các bị cáo được nhận lớn bất thường; số lần nhận lên tới 4 lần.
Trong giai đoạn xét xử vụ án OceanBank (giai đoạn I – PV), VKS nhận định các bị cáo đã từ chối khai báo; đến khi bị khởi tốcác bị cáo mới thừa nhận. Điều đó cho thấy việc chiếm đoạt tiền của các bị cáo được thực hiện đến cùng.
Bị cáo Nguyễn Hoài Giang - Ảnh: T. Anh
Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố và xét xử, VKS đã đánh giá toàn diện, kháchquan hoàn cảnh phạm tội cũng như xem xét những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Vì vậy, mức án mà VKS đưa ra đối với các bị cáo là rất thấp, dưới khung hình phạt (khung hình phạt: tù 20 năm hoặc chung thân – PV), thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Về số tiền các bị cáo chiếm đoạt, VKS đề nghị sung công quỹ nhà nước. Tuy nhiên, bị án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch OceanBank) được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã đề nghị HĐXX tuyên trả số tiền đó cho OceanBank.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ của Ngân hàng thương mại CP Đại Dương (OceanBank) là ngân hàng mà PVN góp 20% vốn điều lệ, Công ty BSR đã gửi tiền có kỳ hạn và không kỳ hạn tại OceanBank chi nhánh Quảng Ngãi.
Với vai trò là lãnh đạo của Công ty BSR, trong 2 năm (2013 – 2014), Vũ Mạnh Tùng, Nguyễn Hoài Giang, Phạm Xuân Quang và Đinh Văn Ngọc đã quyết định việc gửi tiền của Công ty BSR vào Ngân hàng OceanBank, do đó đã được Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) chi tiền ngoài hợp đồng (tiền chi chăm sóc khách hàng).
Cụ thể, Vũ Mạnh Tùng đã nhận và chiếm đoạt 2,9 tỉ đồng và 40. 000 USD (tổng số tương đương hơn 3,7 tỉ đồng); Nguyễn Hoài Giang đã nhận và chiếm đoạt 2,9 tỉ đồng; Phạm Xuân Quang đã nhận và chiếm đoạt 1,8 tỉ đồng và 20.000 USD (tổng số tương đương hơn 2,2 tỉ đồng); Đinh Văn Ngọc đã nhận và chiếm đoạt 1,5 tỉ đồng.
Nhã Thanh
Nhận tiền ‘lại quả’, nguyên lãnh đạo công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn bị đề nghị từ 5 - 9 năm tù
Xét xử vụ án BSR: Chỉ biết rõ nguồn tiền khi vụ án OceanBank bị khởi tố