Với những đối tượng cho vay nặng lãi, “con mồi” ưa thích của chúng là những người phụ nữ hiền lành. Có như vậy, chúng mới dễ dàng đe dọa, ép đóng tiền.

Tín dụng đen bủa vây dân nghèo- Bài 1: Tiền trao tay, rưng rưng nước mắt

Nguyên Việt | 22/01/2019, 15:02

Với những đối tượng cho vay nặng lãi, “con mồi” ưa thích của chúng là những người phụ nữ hiền lành. Có như vậy, chúng mới dễ dàng đe dọa, ép đóng tiền.

Không cần biết là ai, tiền cho vay luôn có

Đến bây giờ, khi đã thoát khỏi vòng xoáy của những kẻ cho vay nặng lãi, bà Phan Thị Hồng (40 tuổi, ngụ Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) vẫn cảm thấy kinh hoàng mỗi khi nhớ lại. Cuối năm 2017, khi mọi người đang háo hức đón Tết Nguyên đán, bà Hồng cũng dự tính xoay ít vốn buôn bán nhỏ, kiếm tiền ăn Tết.

Đang lúc không biết hỏi ai để vay mượn, bà Hồng tình cờ thấy 1 tờ giấy dán trên cột điện ở gần khu vực chợ Lê Bình (Q.Cái Răng). Đọc tờ giấy ghi sẵn sàn cho vay tiền mà không cần thế chấp, giải ngân nhanh chóng, bà Hồng mừng rơi nước mắt, nghĩ có quý nhân phù trợ.

“Tôi đâu ngờ rằng, từ khi nhận tiền từ họ, lại chất chồng đau khổ như vậy”, bà Hồng thổn thức. Hôm đó, không đắn đo nhiều, bà Hồng lấy điện thoại gọi theo số in trên giấy. Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau, người cho vay đã có mặt tại nhà bà Hồng, trao 5 triệu đồng cho bà với những điều kiện khá ngặt nghèo.

“Tôi vay 5 triệu, nhưng khi nhận chỉ có 4,3 triệu, trong khi đó phải trả góp đến 6 triệu mới dứt. Lúc đưa 5 triệu, người ta lấy lại 500.000 đồng coi là tiền lãi ban đầu gì đó, rồi lấy thêm 200.000 đồng tiền cò. Nhận tiền, tôi rưng rưng nước mắt”, bà Hồng xót xa kể.

Từ khi vay nặng lãi, mỗi ngày bà Hồng phải bóp bụng góp đủ 200.000 đồng trong 1 tháng để trả hết cả vốn lẫn lãi là 6 triệu đồng. Với nghề bán bánh ống dạo, nhiều ngày không bán được, bà Hồng không biết làm sao để kiếm tiền góp. Bà kể: “Tôi thường xuyên phải trốn vì không đủ tiền góp. Cuộc sống khổ cực hơn biết bao nhiêu khi chưa vay tiền”.

Rải vàng mã, nhang để đe dọa tinh thần con nợ - Ảnh: Thanh Vinh

Khổ hơn nữa là em gái của bà Hồng là bà Phan Thị Huệ cũng “dính” với những kẻ cho vay nặng lãi. Bà Huệ buôn bán rau cải ở chợ, ăn Tết xong hụt vốn lấy hàng, bà tính đường vay nóng, dự tính buôn bán, gói ghém để dành trả. Hỏi bạn bè người thân ai cũng không có, bà đành liên hệ “ngân hàng cột điện” để tìm lối thoát tài chính.

Bà Huệ cũng vay 5 triệu đồng với những điều kiện như của chị gái mình. Khi không đủ tiền góp, chị buộc phải vay mượn thêm chỗ khác để đắp qua đắp lại. Đến gần cuối năm 2018, bà Huệ đã vay tổng cộng của 7 người với số tiền gốc là 12 triệu đồng. Đến nay bà vẫn đang cố gắng để trả nợ.

“Tôi bán rau ngày nào lời nhiều thì ráng góp cho tụi nó, còn ít thì phải trốn chứ không tài nào gặp tụi nó được. Nó hung dữ lắm, nửa đêm còn đứng trước nhà kêu tôi đóng tiền. Tôi phải trốn, phải nhờ mẹ ra nói là tôi không có nhà. Tôi trốn ở trong buồng, không dám hó hé chỉ biết khóc”, bà Huệ kể.

Ở bất cứ nơi nào ở nội ô TP.Cần Thơ, và kể cả một số vùng trung tâm các huyện ở xa, không khó để bắt gặp những tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền ở trên đường phố, dán trên cột điện. Người ta vẫn thường ví von rằng, đó là ngân hàng cột điện, ngân hàng đường phố…

Công an TP.Cần Thơ qua nắm bắt tình hình cũng phát hiện tình trạng cho vay nặng lãi ở nhiều nơi. Những đối tượng cho vay này thường đến từ các tỉnh thành Hà Nội, Hải Phòng.

Những chiêu phạt khiến con nợ đứng ngồi không yên

Những con nợ vay nặng lãi cho biết, những kẻ cho vay đều có một đặc điểm chung là khi vay tiền chúng ngọt lịm, nói chuyện tử tế, dễ nghe lắm. Nhưng khi trễ tiền góp, chúng liền lộ bộ mặt thật.

Bà Hồng kể: “Tụi nó hăm he tôi nhiều lần chứ, nói là nếu không trả thì tao đâm mày chết. Mình quanh năm buôn bán, không nặng nhẹ với ai một lời, nghe vậy thì hồn vía lên mây”.

“Tôi mới xin họ 10 ngày nữa sẽ trả cả vốn lẫn lời, họ đứng dậy chỉ tay vô mặt tôi quát: 'Trong vòng 5 ngày không trả, thì đốt quán bà đang buôn bán'. Vay có mấy triệu đồng mà khổ như vậy, tâm trí tôi không còn để mà làm ăn buôn bán, khổ gì đâu”, mộtnạn nhân của những kẻ cho vay nặng lãi kể.

Bà Nguyễn Thị Mỹ (Q.Cái Răng) cho biết: “Không cần biết mình vay bao nhiêu tiền thì cũng chỉ trả trong 30 ngày. Thiếu một vài ngày chưa đóng kịp là tụi nó sẽ phạt. Kiểu phạt của tụi nó ai cũng kêu trời, ăn trên đầu trên cổ người nghèo.

Có đâu mà trễ 15 ngày thì phải đóng lại từ đầu, mà đóng đợt 2 này phải đóng suốt 50 ngày chứ không còn đóng 1 tháng như đợt đầu nữa. Đó là lý do vì sao có người chỉ vay vài triệu đồng mà khi trả xong lên đến mười mấy triệu cả vốn lẫn lãi”.

Công an lập hồ sơ xử lý mộtkẻ đòi nợ thuê- Ảnh: Thanh Vinh

Những nạn nhân của kiểu tín dụng đen kể, đa số các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ đẩy mạnh đòi nợ vào giai đoạn gần cuối hoặc giai đoạn con nợ đang bị phạt. Thời điểm đó, nhiều con nợ đã quá hoảng sợ, chán ngán nên sẽ tìm đủ mọi cách để trả nợ. Còn đối với những người lánh mặt, những kẻ cho vay này cũng sẽ tìm đủ mọi cách để moi ra.

“Hù dọa, hăm he đủ hết, mà sao nhìn họ dữ tợn lắm. Họ nói ra mộtcâu là đàn bà như tụi tôi sợ hết hồn. Mình sống đây bao đời, phải chạy mà trả nợ, chứ bỏ đi đâu giờ, mà số nợ cũng không đáng là bao”, mộtcon nợ giải bày.

Từ những suy nghĩ, hoàn cảnh đó, những người phụ nữ hiền lành này rất dễ trở thành con mồi ngon của các đối tượng cho vay nặng lãi. Chỉ đến khi họ bừng tỉnh, nhận ra mình đang bị kẻ gian lợi dụng, trục lợi thì những lá đơn tố cáo mới được gửi đến cơ quan chức năng. Và trong năm 2018, hàng chục đối tượng cho vay nặng lãi đã sa lưới pháp luật, phần nào giải tỏa những bức xúc của những nạn nhân.

Cho vay nặng lãi núp bóng công ty tài chính

Nhưng những “vòi bạch tuộc” của những kẻ cho vay nặng lãi đã vươn đi rất xa. Những chân rết của chúng vẫn ngày đêm hoạt động ở những tỉnh thành khác. Đáng ngại hơn, khi một số công ty tài chính uy tín cũng đang bị tố cáo có hình thức cho vay nặng lãi. Đó là một trường hợp ở Kiên Giang khi vay tín chấp 20 triệu đồng mà phải tả đến 46 triệu trong 2 năm.

Năm 2016, đang lúc gia đình gặp khó khăn về tài chính, cần có một số tiền để giải quyết việc nhà. Bà Muội, ngụ tỉnh Kiên Giang đã vay 20 triệu đồng dưới hình thức tín chấp. Theo người phụ nữ này kể, thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần cung cấp sổ hộ khẩu, giấy CMND là bà đã nhận tiền mặt ngay.

Mộtkẻ đòi nợ thuê ở Trà Vinh bị bắt - Ảnh: Thanh Vinh

Và chính sự đơn giản tiện lợi đó khiến gia đình bà Muội phải lãnh trái đắng khi biết được số tiền gốc và lãi sau 24 tháng là 46 triệu đồng. Hoàn cảnh đã khó, nay còn phải gánh thêm khoản tiền nợ lớn khiến gia đình bà khó càng thêm khó.

“Họ nói 1 tháng đóng 1.914.000 đồng chứ không có nói nhiêu tháng nữa. Tính vay về cho con nó trả nợ, nhưng mới đóng được 3 - 4 tháng rồi nó mới lật giấy ra coi, ăn cái này quá trời rồi, 20 triệu ra thành gần 50 triệu”, bà Muội chua xót kể.

Đối với những đối tượng cho vay nặng lãi, lực lượng chức năng sẽ có biện pháp, chế tài để ngăn chặn, xử lý. Nhưng những tổ chức, công ty tín dụng cũng có hình thức lập lờ, cho những người dân vay với số tiền gốc và lãi gần như gấp đôi. Ai sẽ đòi lại công bằng cho họ?

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tín dụng đen bủa vây dân nghèo- Bài 1: Tiền trao tay, rưng rưng nước mắt