Người mẫu, diễn viên Duy Nhân đã trút hơi thở cuối cùng vào 0h30 ngày 7.5.2015 sau một thời gian kiên cường chiến đấu với bạo bệnh, trải qua 3 đợt điều trị hóa chất và ca phẫu thuật ghép tủy...
Một ngày trước khi bắt đầu liệu trình chăm sóc đặc biệt tại phòng cách ly, Viện Huyết học truyền máu Tp.HCM, Duy Nhân dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện bằng cách “chat”, vì cổ họng Nhân đau rát, không thể mở lời... Những gì anh chia sẻ khiến chúng tôi vô cùng cảm phục trước tinh thần của Duy Nhân - tinh thần của một chiến binh trong cuộc chiến cam go chưa hồi kết...
Tôi còn nợ vợ một chuyến trăng mật
- Lúc này đây, điều Duy Nhân nghĩ tới nhiều nhất là gì?
- Tôi chỉ muốn làm sao rút ngắn khoảng thời gian điều trị xuống mức nhanh nhất có thể. Nghĩ tới thời gian 2 năm sẽ chỉ ăn rồi nằm trong bệnh viện, tôi lại thấy ở ngoài kia cuộc sống có biết bao điều đáng làm, cần đôi bàn tay mình, sự xuất hiện của mình, vậy là thoáng buồn.
Nhưng có bệnh thì phải chữa, xác định như thế nên khi bước vào đây, tôi luôn cố gắng phấn chấn để có tinh thần tốt nhất. Tôi tin, với tinh thần này, mình sẽ rút ngắn được tối đa thời gian điều trị.
Người mẫu Duy Nhân trong phòng bệnh
- Điều gì đã giúp anh đứng dậy sau khoảnh khắc phát hiện mình bị bệnh?
- Khi có kết quả ban đầu là ung thư vòm họng, tôi không tin và cũng tưởng mình sẽ quỵ ngã, nhưng sau đó tôi đã mở lòng tiếp nhận sự thật. Nhìn ra quanh mình, tôi còn có mẹ và vợ, tôi là một người đàn ông, tôi không thể suy sụp được. Nén nước mắt, tôi trở thành người động viên tinh thần cho người thân. Tôi luôn nói với vợ, có bệnh thì chữa và muốn mọi người đừng nghĩ về bệnh tật của mình một cách nghiêm trọng. Vốn là người quen tự lo mọi việc trong cuộc sống, nên điều đó cũng giúp tôi ít nhiều trong lần này.
Bệnh của tôi thực sự rất đau đớn vào mỗi sáng, khi thức dậy. Toàn cổ họng lúc đó khô rát và cứng đơ. Hầu như cả đêm tôi chỉ ngủ được vài tiếng, thời gian còn lại là ho và khạc máu mủ. Buổi sáng là khoảng thời gian tôi phải đối diện với căn bệnh của mình nhiều nhất, cũng là lúc sống thật với mình nhất. Tôi đã khóc nhiều, dù khóc lén một mình. Nhưng rồi tôi nhận ra, mình cần phải vững vàng hơn.
- Hẳn không ai hiểu được sự quý giá của câu nói “nếu còn một ngày để sống” như Nhân lúc này?
- Đúng là khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, người ta mới thấm thía những điều bình thường chỉ thoảng qua tai mình.
Tôi còn nợ vợ một chuyến trăng mật. Nhưng tôi sẽ lỡ cả đời với cô ấy, nếu không cố gắng hơn để đi qua những giây phút này. Và một ngày để sống với tôi lúc này là dành hết sức lực chỉ để nghĩ về những điều tích cực.
|
Anh vẫn luôn giữ nụ cười |
- Tôi nhớ câu danh ngôn của Martin Luther: "Cho dù tôi biết ngày mai thế giới này sẽ tan thành mảnh vụn, tôi vẫn sẽ trồng cây táo của mình". Tôi từng không thể tin mình mắc căn bệnh này, tôi đã tìm đủ lý do rằng tôi không thể nào lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu đến thế. Nhưng khi vào bệnh viện, gặp nhiều người mắc bệnh giống mình, có người hoàn cảnh còn khó khăn hơn mà họ vẫn vui cười, tôi hiểu mình không phải là người kém may mắn nhất.
Mỗi ngày nhận được rất nhiều sự thăm hỏi, tôi hiểu mình có nhiều lý do để nỗ lực. Sống, với tôi, ở giây phút này, không chỉ là để được hoàn thành giấc mơ giản đơn: được ở cạnh người phụ nữ mình yêu, báo hiếu mẹ già, mà còn có một ý nghĩa lớn hơn là báo đáp tình yêu thương của nhiều người đang dõi theo, động viên mình. Lúc này đây, tôi càng thấm thía hơn bao giờ rằng, nhiều người đang cần đến sự chung sức, chung lòng như tôi đang nhận được. Nó không đơn thuần là món quà vật chất, mà còn là sự động viên, thắp lửa.
Vậy nên, dù cổ họng vẫn đau nhưng mỗi ngày tôi đều cố ăn thật nhiều để có sức khỏe tốt hơn. Khi bước chân vào phòng cách ly, tôi bắt đầu ăn chay, niệm Phật. Tôi có niềm tin rất lớn, mình sẽ vượt qua thử thách này. Và tôi cũng cần phải trồng một cây táo cho mình, biết đâu nó sẽ trổ hoa. Bằng không, nó cũng là một mầm non đáng giá để tôi dành thời gian chăm sóc.
Sẽ dành thời gian đi bắt cầu vồng...
- Nhìn showbiz tưởng như toàn đố kị, thế nhưng mỗi khi có những câu chuyện như của anh, tôi lại thấy nó lấp lánh ánh sáng của tình yêu thương. Nên mới nói, chẳng có việc gì trên đời xuất hiện vô nghĩa cả!
- Tôi cảm động trước những điều nhận được từ anh em bạn bè. Tôi nghĩ, sau tất cả những cái gọi là “tham-sân-si”, chúng tôi đều là nghệ sĩ, là những con người, và khi mỗi người đặt mình vào hoàn cảnh phải lựa chọn, thì tình yêu, niềm vui vẫn là điều người ta muốn trao đi, gửi lại chứ không phải sự đố kị.
Xung quanh tôi toàn người bệnh, có nhiều người đã phải bật khóc khi bị cơn đau hành hạ. Nhưng đa số thời gian ở đây chúng tôi nói chuyện, vui đùa. Khóc - cười trở thành hai trạng thái quen thuộc, nhưng ai dường như cũng cố gắng để được cười nhiều hơn. Nó cứ tự nhiên như vậy.
- Anh mệt chưa, có muốn nói gì thêm vào lúc này không?
- Có phải sau cơn mưa nào trời cũng có cầu vồng không nhỉ?
- Đúng vậy! Nhưng không phải ai cũng nhìn thấy cầu vồng sau cơn mưa!
- Vậy thì tôi sẽ dành thời gian của mình để đi bắt cầu vồng. Nếu không vào đây, có thể tôi không nhận ra: Có những lúc chính mình đã làm chệch đi nhiều thứ trong vòng xoay vần tự nhiên của cuộc sống, bởi mình đã không dành thời gian để sống trọn vẹn.
Vào đây tôi hay nghĩ đến mẹ và vợ. Trước, tôi từng nghĩ mình sẽ làm điều gì đó cho mẹ, cho vợ, rồi tôi lại nghĩ tình cảm đó, mối quan hệ đó là suốt đời nên cứ nấn ná, lần lữa. Nếu đổi lại, sau này có cơ hội, tôi sẽ làm cho họ ngay những điều cần thiết khi có thể.
Cũng như trước đây, tôi từng nghĩ đến việc thiện nguyện, nhưng luôn nghĩ mình chưa giàu có gì nhiều. Thỉnh thoảng tôi và vợ mua bánh mì mang đến cho mấy cô chú làm đêm ở Sài Gòn. Bây giờ thì tôi nghĩ, mình sẽ làm nhiều hơn nếu còn cơ hội. Nếu có thể ra khỏi đây, tôi sẽ kêu gọi mọi người cùng lập một quỹ cho bệnh nhân ung thư. Kể cả, nếu không thể làm thế, tôi sẽ bắt đầu làm thiện nguyện từ những việc nhỏ nhất. Tôi tin, khi mình có tấm lòng, có nỗ lực thì sẽ lan tỏa được.
- Cảm ơn những chia sẻ của Duy Nhân và chúc cho “cây táo của anh sẽ lại trổ hoa”!
“Nếu có thể ra khỏi đây, tôi sẽ kêu gọi mọi người cùng lập một quỹ cho bệnh nhân ung thư. Kể cả, nếu không thể làm thế, tôi sẽ bắt đầu làm thiện nguyện từ những việc nhỏ nhất. Tôi tin, khi mình có tấm lòng, có nỗ lực thì sẽ lan tỏa được”.
Theo Đẹp