"Thủ phủ" vải thiều của cả nước là Bắc Giang và Hải Dương đang đẩy mạnh bán vải thiều qua sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, vấn đề được cả doanh nghiệp và người dân băn khoăn là liệu bán vải thiều qua sàn thương mại điện tử có "đông khách" hơn bán trực tiếp?
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước thì việc hạn chế phòng dịch như tập trung đông người hay mở bán các các mặt hàng đều được yêu cầu hạn chế hết mức. Bắc Giang và Hải Dương - "thủ phủ" vải thiều đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch cũng phải tìm hướng để tiêu thụ trong tình hình có dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 28.000ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Trong đó, hơn 200ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng, 218ha xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu với 18 mã vùng và 15.867ha, xuất khẩu sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng.
Do tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều với 2 phương án.
Cụ thể, phương án 1 là tình hình dịch trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương được trở lại bình thường, dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 114.000 tấn, trong đó: tiêu thụ trong nước: 51.000 tấn, xuất khẩu: 53.000 tấn; Chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn, trong đó sấy khô: 2.000 tấn; nước ép, đóng hộp, đông lạnh: 4.000 tấn.
Ở phương án 2, tình hình dịch trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95.000 tấn (trong đó, tiêu thụ trong nước: 60.000 tấn, xuất khẩu: 35.000 tấn); tiêu thụ bằng hình thức khác: 25.000 tấn. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho rằng cần triển khai song song 2 phương án tiêu thụ vải. Trong đó, tập trung cao cho phương án 2 đó là quan tâm thị trường trong nước, sấy khô vải… bởi dịch bệnh đang diễn biến khó lường.
Về phía Hải Dương, niên vụ năm nay toàn tỉnh có trên 9.100 ha vải với sản lượng ước khoảng 55.000 tấn. Trong đó dự kiến 50% sản lượng vải của tỉnh chủ yếu vải sớm sẽ xuất khẩu Trung Quốc, 40% thị trường trong nước và khoảng 5-7% xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Úc , EU, Singapore,... và 5% phục vụ chế biến.
Hiện cả hai địa phương đều xác định phương án đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều qua sàn thương mại là chủ chốt để đa dạng hóa kênh bán và quảng bá sản phẩm vải thiều tới các thị trường trong và ngoài nước. Đây được xem là một trong những giải pháp phù hợp, đặc biệt trong điều kiện dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp, khiến các thương nhân nước ngoài khó sang mua vải trực tiếp.
Tỉnh Bắc Giang đã triển khai bán vải thiều qua sàn thương mại điện tử từ năm 2020, tuy nhiên đến nay tỉnh vẫn cho rằng việc bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng vẫn là phương án hiệu quả hơn với mặt hàng vải thiều. Trong khi đó, tỉnh Hải Dương hiện đang tiến hành bán trực tuyến vải thiều qua các sàn thương mại điện tử là Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn. Dự kiến sẽ thực hiện được trước ngày 18.5 tới.
Điều người dân trồng vải và doanh nghiệp quan tâm hiện nay là làm sao để bán vải thiều qua sàn thương mại điện tử hiệu quả hơn bán trực tiếp. Anh Văn - một doanh nghiệp thu mua vải thiều ở Hưng Yên cho biết hàng năm anh đều nhập trực tiếp hàng trăm tấn vải thiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) về phân phối cho các tỉnh thành trên cả nước. Năm 2020, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên anh phải giảm 30% sản lượng nhập vải thiều so với năm 2019. Năm nay, anh dự kiến cũng giảm khoảng 20% sản lượng nhập so với năm 2020.
"Tôi đã nghiên cứu phương án bán vải thiều qua sàn thương mại điện tử từ năm 2020, thấy phương án này khá hay. Tôi đã thuê một đội ngũ về làm marketing, chuyên bán hàng trực tuyến và qua các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, với công ty tôi thì phương án này không hiệu quả bằng việc bán hàng trực tiếp. Có thể do cách thức của công ty tôi chưa đúng nhưng tôi nghĩ rằng để người tiêu dùng quen tay mua vải thiều qua sàn thương mại điện tử sẽ khó khăn với các doanh nghiệp và hợp tác xã hiện nay.
Đây là thói quen truyền thống của người tiêu dùng Việt Nam rồi. Hơn nữa, khi mua hàng ai cũng muốn nhìn tận mắt, thậm chí là ăn thử sản phẩm mình mua có được ngon không thì họ mới mua. Nên để thay đổi thói quen này của người tiêu dùng sẽ rất khó", anh Văn chia sẻ.
Không chỉ doanh nghiệp của anh Văn, hiện nay nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã còn rất "bỡ ngỡ" với phương thức kinh doanh này. Đa số đều vẫn hướng đến phương án bán hàng truyền thống.
Về phía cơ quan nhà nước, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thừa nhận việc đưa vải thiều lên các sàn thương mại điện tử cũng đang gặp khá nhiều thách thức.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin Xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại) cho rằng, đầu tiên là do nhận thức của doanh nghiệp với loại hình kinh doanh này còn hạn chế. Đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử thì doanh nghiệp có thể làm, nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả thì doanh nghiệp cần phải bài bản qua cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh của sản phẩm và doanh nghiệp, các dịch vụ chăm sóc khách hàng, sau bán hàng, các hình thức cam kết và quản lý chất lượng sản phẩm...
"Chỉ khi doanh nghiệp nhận thức được đầy đủ những điều này thì việc kinh doanh thương mại điện tử mới có thể thành công được. Lúc đó người tiêu dùng cũng sẽ quen với phương thức mua hàng qua mạng, thậm chí là hiệu quả hơn thói quen truyền thống là mua trực tiếp hiện nay", bà Thúy cho hay.