Trong bối cảnh nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, vấn đề được bà con nông dân quan tâm nhất hiện nay là làm sao tiêu thụ được nông sản khi đến vụ thu hoạch.

Bà con lo không tiêu thụ được nông sản khi đến vụ thu hoạch do COVID-19, Vụ thị trường nói gì?

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 09/05/2021, 17:33

Trong bối cảnh nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, vấn đề được bà con nông dân quan tâm nhất hiện nay là làm sao tiêu thụ được nông sản khi đến vụ thu hoạch.

Đến nay, dịch COVID-19 đã lan ra 24 tỉnh thành tại Việt Nam. Bộ Y tế cho biết, tính từ ngày 27.4 đến nay, trong nước đã ghi nhận 256 ca bệnh. Trong đó Hà Nội ghi nhận 100 ca, Bắc Ninh 43, Vĩnh Phúc 33 ca, Đà Nẵng 18, Hà Nam 16, Hưng Yên 11, Thái Bình 6, Bắc Giang 6, Hải Dương 4, Lạng Sơn 3, Quảng Nam 2, Nam Định 2. Các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Thanh Hóa, Điện Biên, Nghệ An, Phú Thọ, Huế, Hải Phòng, Đăk Lăk mỗi nơi một ca.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đã có nhiều tỉnh thành phố thực hiện các giải pháp khẩn cấp ứng phó với dịch như cấm tập trung đông người, đóng cửa các cơ sở, dịch vụ không thiết yếu... Trong khi đó, nhiều khu vực ở các tỉnh thành như Hưng Yên, Thái Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc... lại thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn tình hình lây lan của dịch bệnh.

Thời điểm này, nhiều địa phương đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản chủ lực như vải thiều, nhãn, thanh long, mận, dưa hấu... Khi thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 thì người dân sẽ khó tránh khỏi những khó khăn từ khâu tiêu thụ đến phân phối. Tâm lý chung của người nông dân hiện nay là sợ mặt hàng nông sản của họ cần phải được giải cứu. Lúc đó, giá không chỉ rớt thảm hại mà công sức của họ bỏ ra trong một mùa vụ coi như mất không.

183350581_311546043813961_1177683525756263368_n(1).jpg
Vải thiều chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch đầu tiên năm 2021 - Ảnh: T.N

Vấn đề được người dân quan tâm hiện nay là làm sao có thể vận chuyển hàng, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch tại các vùng dịch?

Trao đổi với PV Một Thế Giới về vấn đề này, đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường nông sản, hàng hóa để kịp thời có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.

Cụ thể, các địa phương đang có dịch COVID-19, có mặt hàng cần tiêu thụ đến thời điểm thu hoạch thì cơ quan quản lý phải hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

"Tóm lại, các địa phương phải tùy vào tình hình thực tế trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm lưu thông hàng hóa và hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi vào vụ thu hoạch. Cùng với đó là phối hợp với các Sở Công Thương trên địa bàn toàn quốc, các doanh nghiệp phân phối lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, các địa phương phải báo cáo, đề xuất các vướng mắc trong hoạt động tiêu thụ nông sản trên địa bàn", vị này nhấn mạnh.

Đại diện Vụ thị trường trong nước lấy ví dụ như việc hỗ trợ bà con nông dân Sóc Trăng tiêu thụ hành tím. Tính đến cuối tháng 4 vừa qua, toàn tỉnh còn tồn khoảng 50.000 tấn hành tím trong kho và đang vào vụ với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg. Với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, hiện bà con đã qua cơn khó khăn và mặt hàng hành tím cũng đang được rao bán trên các trang thương mại điện tử.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh phải phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch. Trong đó ưu tiên hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản.

Người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải thiều sớm từ ngày 20.5, vải thiều chính vụ từ ngày 10.6 - 20.7. UBND huyện Lục Ngạn cho biết năm 2021 huyện có trên 15.450 ha vải thiều, tăng 160 ha so với 2020. Sản lượng ước đạt hơn 120.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn. Diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP đạt 12.400 nghìn ha, tăng 700 ha so với năm 2020.

Do tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, Bắc Giang là tỉnh có nguy cơ cao, còn vụ vải thiều sắp đến thời kỳ thu hoạch nên đã đặt ra yêu cầu cao đòi hỏi sự tập trung trong sản xuất, đảm bảo chất lượng và phương án tiêu thụ vải thiều.

UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng 2 phương án hỗ trợ nông dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều là: Có dịch và không có dịch COVID-19, bảo đảm thuận lợi nhất cho nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu và các hệ thống siêu thị tiêu thụ vải.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang yêu cầu huyện Lục Ngạn phải đặc biệt quan tâm xây dựng kịch bản chi tiết cho phương án 2 là khi có dịch COVID-19. Theo đó, huyện sẽ tập trung cho 3 thị trường xuất khẩu chính gồm: Trung Quốc với 36 mã số vùng trồng, duy trì 236 mã số cơ sở đóng gói, thị trường Mỹ, EU với 18 mã số vùng trồng, riêng với thị trường Nhật Bản xây thêm 9 mã vùng trồng, nâng tổng số lên 27 mã số vùng trồng, diện tích trên 194 ha.

Bài liên quan
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói về giải pháp 'giải cứu' nông sản
Sáng 31.10, Bộ trưởng NN-PT-NT Nguyễn Xuân Cường đã có phần trả lời chất vấn trước Quốc hội về giải pháp để không phải "giải cứu" nông sản thường xuyên như thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM cần làm gì để đột phá trong tăng trưởng kinh tế?
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng 8,3% vẫn chưa phải là cao so với tiềm năng của TP.HCM. Thành phố có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều, trên 10%, thậm chí cao hơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà con lo không tiêu thụ được nông sản khi đến vụ thu hoạch do COVID-19, Vụ thị trường nói gì?