Trang The Guardian nhấn mạnh chi tiết Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào vì COVID-19, đã tập trung tất cả các nguồn lực sẵn có và chi hơn 200.000 USD để cứu sống bệnh nhân số 91.

Báo Anh viết về việc Việt Nam dốc sức, dốc tiền cứu bệnh nhân số 91

01/06/2020, 15:27

Trang The Guardian nhấn mạnh chi tiết Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào vì COVID-19, đã tập trung tất cả các nguồn lực sẵn có và chi hơn 200.000 USD để cứu sống bệnh nhân số 91.

Bệnh nhân 91 đang được cứu chữa tại Việt Nam - Ảnh: Internet

Trong số các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam thì bệnh nhân 91 bị nhiễm nặng nhất. Quá trình cứu chữa bệnh nhân số 91 – một phi công người Anh được báo chí Việt Nam hết sức quan tâm và báo chí Anh cũng vậy.

Trang The Guardian cuối tuần trước đã có bài viết dài đề cập đến bệnh nhân số 91 khi viên phi công người Anh tỉnh dậy sau cơn hôn mê kéo dài và đang có dấu hiệu cải thiện. Dù vậy, các bác sĩ cho biết tình hình tới đây của anh ta vẫn còn đáng lo ngại.

The Guardian viết: “Người đàn ông 43 tuổi, làm việc cho Vietnam Airlines, đã hồi tỉnh sau thời gian hôn mê và đã có khả năng thực hiện các giao tiếp cơ bản”

“Người được gọi là Bệnh nhân 91 ở Việt Nam, bị sốt và ho vào ngày 17.3 và sau đó được đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Kể từ đó, anh ta đã trải hai tháng cấp cứu”.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy,TP.HCM, nói với truyền thông trong nước rằng bệnh nhân có thể thực hiện các động tác đơn giản như nhúc nhích ngón tay và ngón chân, nhưng vẫn còn vấn đề về hô hấp, tổn thương nội tạng và bệnh nhân vẫn phải thở ECMO.

Theo tờ báo hàng đầu của Anh dẫn lời Todd Pollack, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của trường Y Havard đang làm việc tại Hà Nội, cho biết tình hình như vậy rất đáng lo ngại. Một đánh giá nhanh về các dữ liệu y khoa cho thấy việc sử dụng ECMO ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 có tỷ lệ tử vong rất cao 50-82%. Thống kê trên dựa vào các báo cáo từ Trung Quốc, vì vậy tiên lượng chung của bệnh nhân 91 không lạc quan nếu dựa trên thời gian dài phải thở ECMO.

The Guardian nhấn mạnh chi tiết Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào vì COVID-19, đã tập trung tất cả các nguồn lực sẵn có và chi hơn 200.000 USD để cứu sống bệnh nhân số 91. Và họ cũng nhắc lại việc bệnh nhân số 91 có thể được ghép phổi nếu tìm được người hiến phù hợp.

Theo ông Pollack, cấy ghép phổi sẽ chỉ được xem xét nếu không có lựa chọn nào khác. Có một số báo cáo từ Trung Quốc về việc ghép phổi thành công được thực hiện cho những bệnh nhân bị suy hô hấp.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, làm việc tại khoa truyền nhiễm của bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết: “Ở Trung Quốc, họ đã phẫu thuật với đội ngũ đã trải qua hàng trăm ca mỗi năm. Đội ngũ Việt Nam của chúng tôi mới chỉ thực hiện một vài ca. Vì vậy, phải rất can đảm khi chúng tôi đề cập đến việc ghép phổi như vậy. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ, nhưng tôi vẫn rất lo lắng”.

Hơn một tuần trước, Bộ Y tế Việt Nam cho biết họ đang xem xét hồi hương người đàn ông sang Anh để tiếp tục điều trị nếu tình trạng của bệnh nhân cho phép. Dù vậy, bác sĩ Thái tin rằng nhiều khả năng bệnh nhân 91 vẫn phải tiếp tục điều trị ở Việt Nam và ông cho biết: “Bây giờ, tất cả chúng ta đều biết rằng bệnh nhân không thể sống mà thiếu sự hỗ trợ của ECMO. Phổi và các cơ quan khác của anh ấy đang trong tình trạng xấu”.

Bình luận về chi phí tốn kém trong điều trị bệnh nhân 91, Guardian trích dẫn ý kiến vị bác sĩ trên: “Nhiều người muốn dành tiền cho những bệnh nhân nghèo khó khác và họ đang nghĩ đến việc kết thúc điều trị. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta không nên làm thế. Đối với tôi, là một bác sĩ, tôi coi trọng bất kỳ cơ hội nhỏ bé nào để cứu sống bệnh nhân. Chúng ta không thể tính toán đối với mạng người”.

Cập nhật tình hình sức khỏe của bệnh nhân 91 ngày 1.6

Về tình hình sức khỏe của bệnh nhân 91 (bệnh nhân phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, phổi bệnh nhân đã được cải thiện, thông khí phổi lên đến 40%. Bệnh nhân có thể xoay đầu, các chỉ số nhiễm khuẩn giảm.

Tuy nhiên, tiên lượng còn nặng dù đã giảm được các thông số ECMO do sức cơ toàn thân còn yếu, đặc biệt các cơ hô hấp và nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị.

Bệnh nhân đã được đổi kháng sinh theo biên bản hội chẩn Tiểu ban điều trị. Hiện bệnh nhân được nuôi ăn qua đường tiêu hóa, vật lý trị liệu 2 lần/ngày...

Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 74 ngày điều trị, trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.HCM bắt đầu từ ngày 18.3- 22.5.

Trong quá trình điều trị, tới sáng 6.4, do tình trạng suy hô hấp nặng, bệnh nhân được đặt ECMO (tim phổi nhân tạo). Bệnh nhân có yếu tố béo phì, bị phản ứng miễn dịch dữ dội, rối loạn đông máu nặng, các bác sĩ đã phải đặt mua thuốc từ nước ngoài về điều trị cho bệnh nhân này. Bệnh nhân cũng có chỉ định ghép phổi. Đây là bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng, nguy kịch duy nhất hiện nay ở nước ta.

Cuối giờ chiều ngày 22.5, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị hồi sức tích sực sau 7 lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện song song với việc điều trị tích cực nội khoa, nhiễm trùng phổi, từng bước cai ECMO cho bệnh nhân, các bệnh viện Chợ Rẫy và Việt Đức tiếp tục theo dõi người bệnh, Trung tâm điều phối Quốc gia về hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người nỗ lực tìm kiếm nguồn tạng phù hợp để ghép cho bệnh nhân khi đủ điều kiện.

Anh Tú (theo The Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Anh viết về việc Việt Nam dốc sức, dốc tiền cứu bệnh nhân số 91