Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém.

Báo cáo Bộ Chính trị việc xử lý đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém

Lam Thanh | 09/06/2022, 11:45

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém.

Phát biểu giải trình tại phiên chất vấn về lĩnh vực ngân hàng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, đặc biệt là trong 5 tháng đầu năm 2022 không ảnh hưởng nhiều đến chỉ tiêu lạm phát. Thời gian qua, lạm phát tăng chủ yếu là do tăng giá hàng hóa. Trong 5 tháng đầu năm có 13 đợt tăng giá xăng dầu – tăng khoảng 49,9% (từ 7.300 – 7.900 đồng/lít) đã tác động đến tăng CPI khoảng 1,8 điểm %.

Cụ thể, tín dụng tăng trưởng tích cực, mặt bằng lãi suất hợp lý; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vừa chống dịch, vừa nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao hơn khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Theo Phó thủ tướng, thời gian tới, áp lực lạm phát tăng cao là rất lớn do giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng, đặc biệt là giá xăng dầu; xu hướng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, kinh tế trong nước tiếp tục hồi phục, mở cửa các hoạt động dịch vụ, du lịch cũng gây áp lực lên mặt bằng giá.

“Chính phủ sẽ tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, quốc tế để tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; quyết liệt triển khai các giải pháp về chính sách tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội”, Phó thủ tướng nói.

Đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến room tín dụng, Phó thủ tướng đề nghị Ngân hàng nhà nước nghiên cứu các điều kiện, tiêu chuẩn để áp dụng thống nhất, tránh áp đặt hành chính.

le-mnh-khai.jpg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Quốc hội

Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và ngân hàng yếu kém, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước và các cơ quan liên quan quyết liệt thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đã đạt được những kết quả quan trọng, căn bản.

Phó thủ tướng cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 8.6.2022 phê duyệt Đề án triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Giải pháp chủ yếu là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động ngân hàng.

Đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng; triển khai và áp dụng Basel II, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng; củng cố, kiện toàn mô hình và nâng cao năng lực tài chính Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và cơ quan liên quan trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đối với việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước khẩn trương xây dựng phương án cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Về kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. Đây là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian qua.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Đối với lĩnh vực này, vừa rồi có ý kiến có siết chặt hay không? Theo tôi, cần phải kiểm tra lại việc cho vay trong thời gian vừa qua có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy định hay không. Nếu làm chưa đúng thì phải điều chỉnh lại cho đúng. Nếu làm đúng rồi thì tiếp tục thực hiện, chứ không phải siết chặt tín dụng trong lĩnh vực này. Do đó, đối với những dự án, chương trình có hiệu quả thì tiếp tục cho vay, cung cấp vốn để đảm bảo hoạt động, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế"

Bài liên quan
Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường quyết định công tác nhân sự
Quốc hội sẽ họp bất thường vào sáng 21.3 để xem xét, quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo cáo Bộ Chính trị việc xử lý đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém